.

Cội nguồn sức mạnh để dân tộc trường tồn và phát triển

.

LTS: Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước (17-7-1966/17-7-2016), sáng 15-7, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội thảo khoa học: "Tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” - Khát vọng của dân tộc Việt Nam và chân lý thời đại". Tại hội thảo đã có hơn 60 đại biểu tham luận và gửi tham luận tới Ban tổ chức.

Trên số báo hôm nay, chúng tôi xin lược trích một số tham luận khẳng định tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là mục tiêu chiến đấu, cội nguồn sức mạnh để dân tộc trường tồn và phát triển; tạo nên những thắng lợi trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Trung tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 7: Giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội

 

Tháng 2-1961, Đảng Lao động Việt Nam chủ trương thống nhất các LLVT cách mạng ở miền Nam Việt Nam thành LLVT giải phóng miền Nam Việt Nam mang tên Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Sự ra đời của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam là một tất yếu khách quan, đáp ứng kịp thời yêu cầu của cách mạng miền Nam trong thời điểm chuyển từ đấu tranh chính trị đơn thuần sang chiến tranh cách mạng.

Thực hiện tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã quán triệt đầy đủ đường lối của Đảng về giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nắm vững nhiệm vụ chính trị được giao, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa chiến đấu và xây dựng lực lượng; đề cao tinh thần tự lực tự cường, khắc phục mọi khó khăn trở ngại, tích cực thực hiện nghĩa vụ quốc tế. Lãnh đạo, chỉ huy các LLVT luôn coi trọng phát huy sức mạnh chiến tranh nhân dân; thực hiện khởi nghĩa từng phần, tiến lên chiến tranh cách mạng, kết hợp đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị, trong đó đấu tranh vũ trang giữ vai trò quyết định thực hiện đánh lâu dài, giành thắng lợi từng bước, tiến tới tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt, giành chính quyền về tay nhân dân. Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, nắm vững nguyên tắc xây dựng LLVT ba thứ quân, xây dựng hậu phương tại chỗ và căn cứ địa cách mạng theo đường lối quân sự của Đảng.

Quân ủy và Bộ tư lệnh Miền đã nhanh chóng phát triển dân quân du kích, phát triển bộ đội địa phương; tổ chức có hiệu quả mạng lưới nắm địch, theo dõi chặt chẽ, phân tích đánh giá chính xác tình hình địch - ta; vận dụng sáng tạo các phương châm, phương thức tác chiến phù hợp. Cấp ủy các cấp chỉ đạo LLVT địa phương đẩy mạnh phương thức tác chiến tiêu diệt, tiêu hao địch rộng rãi, kết hợp ba mũi giáp công (quân sự, chính trị và binh vận); đẩy mạnh đánh phá địch bình định, giành quyền làm chủ của nhân dân, mở rộng vùng kiểm soát ở nông thôn, đồng bằng, rừng núi... phối hợp cùng quân, dân cả nước kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

THẾ TRÀ (lược ghi)

Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Bình Ban, Viện trưởng Viện Lịch sử Công an nhân dân: Từ nhận thức chuyển hóa thành hành động

Thực tiễn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cho thấy đối tượng đấu tranh trực tiếp của lực lượng Công an nhân dân (CAND) là các thế lực phản động tay sai được trang bị những phương tiện chiến tranh hiện đại, có bộ máy chiến tranh khổng lồ, sử dụng khoa học kỹ thuật phát triển; có nhiều âm mưu, thủ đoạn nham hiểm, xảo quyệt. Đồng thời lực lượng CAND thường xuyên phải đương đầu trực diện với các cơ quan tình báo, gián điệp nhà nghề của đế quốc Mỹ và đồng minh. Nhưng với ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” đã thực sự là động lực tinh thần to lớn thôi thúc lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ CAND lên đường chiến đấu, có mặt trên khắp các chiến trường, cả hậu phương và tiền tuyến, cả trong nước và ngoài nước.

Quyết tâm kháng chiến với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” theo tư tưởng Hồ Chí Minh luôn được lực lượng CAND xác định là mục tiêu phấn đấu cho lý tưởng cao đẹp: Lấy hạnh phúc của nhân dân làm niềm vui, lẽ sống của mình; xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, lấy sự nghiệp cách mạng quang vinh của Đảng để giáo dục, rèn luyện công tác, chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ CAND ở cả hai miền Nam - Bắc. Từ nhận thức chuyển hóa thành hành động cụ thể, biến thành quyết tâm chiến lược, sẵn sàng nhận nhiệm vụ, lực lượng CAND vừa chiến đấu, vừa xây dựng phát triển lực lượng, thực hiện đồng bộ các mặt công tác nghiệp vụ vừa bảo vệ, vừa trực tiếp chiến đấu, đồng thời phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với Quân đội nhân dân, các cấp, các ngành và nhân dân xây dựng, đẩy mạnh phong trào “bảo vệ trị an” và “bảo mật phòng gian”, xây dựng cơ quan, đơn vị an toàn...

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, ý chí, khát vọng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” đã được kết tinh, biến thành sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn của cả dân tộc, góp phần đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới của đế quốc Mỹ bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, trong đó lực lượng CAND đã có sự đóng góp xứng đáng về nhiều mặt.

ĐÀM THÚY (lược trích)

Đồng chí Thân Thị Thư, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh: Điểm hẹn lịch sử của chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”

Độc lập, tự do là khát vọng ngàn đời của dân tộc ta được bắt nguồn từ chủ nghĩa yêu nước, tinh thần độc lập, tự chủ, từ ý chí, quyết tâm chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ và từ truyền thống lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo của dân tộc ta.

 

Với ý chí và khát vọng độc lập tự do, cả dân tộc Việt Nam nhất tề vùng lên tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thắng lợi, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân. Chín năm sau, dân tộc ta làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Nhưng, đế quốc Mỹ đã xâm lược nước ta, buộc đồng bào và chiến sĩ cả nước ta phải đi tiếp chặng đường để đến với hòa bình, tự do, độc lập và thống nhất đất nước. Câu nói “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là tư tưởng của Người mà còn là lẽ sống của dân tộc Việt Nam. Dân tộc Việt Nam không muốn chiến tranh, nhưng buộc phải cầm súng và dồn tất cả tâm sức của mình để thu non sông về một mối.

Sài Gòn là nơi chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành xuống con tàu Amiral La Touche De Tréville bắt đầu chuyến hành trình dài 30 năm qua 27 quốc gia để tìm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, đem lại hòa bình, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Sài Gòn là trung tâm của vùng đất Nam Bộ cũng là trung tâm đầu não, sào huyệt của kẻ thù; là nơi mà ngọn lửa chiến tranh xâm lược đã thổi bùng lên tinh thần quật cường bất khuất của những chiến sĩ cách mạng. Đó cũng là nơi nổ tiếng súng đầu tiên, mở màn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta; nơi trận chiến đầu tiên bảo vệ lá cờ độc lập diễn ra tại cột cờ Thủ Ngữ ngày 23-9-1945. Khi tiếng súng kháng chiến vang lên, Sài Gòn là nơi nổ súng đầu tiên tiêu diệt quân thù.

Với ý chí, quyết tâm của toàn dân, toàn quân ta cụ thể hóa tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào đường lối chiến tranh cách mạng để Sài Gòn trở thành đích đến cuối cùng của cuộc trường chinh giải phóng dân tộc, là điểm hẹn lịch sử của chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

THU NGA (lược trích)

PGS, TS Nguyễn Mạnh Hà, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh:

Độc lập dân tộc: Khát vọng cháy bỏng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh

Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam (2-1930) do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo xác định ưu tiên vấn đề dân tộc, là điểm khác biệt với quan điểm của Quốc tế cộng sản khi đó. Cương lĩnh phản ánh được quy luật khách quan và đáp ứng những nhu cầu cơ bản, cấp bách của xã hội Việt Nam; phù hợp với nguyện vọng tha thiết của đại đa số nhân dân Việt Nam và xu thế của thời đại.

 

Tư tưởng độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành động lực phấn đấu, mục tiêu hướng tới và nhiệm vụ quan trọng nhất phải hoàn thành của Đảng với vai trò là một Đảng cầm quyền, lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Cương lĩnh xác định rõ nhiệm vụ, mục tiêu cơ bản của cách mạng là “chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Để thực hiện được mục tiêu ấy, phải hoàn thành nhiệm vụ chống đế quốc, phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc và người cày có ruộng. Hai nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Việt Nam có quan hệ gắn bó, khăng khít với nhau. Song trước hết phải đánh đổ đế quốc, “làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập”, vì chỉ có nước được độc lập thì dân mới có cơ hội được tự do. Đó chính là cơ sở để giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Quyền con người, quyền công dân chỉ thực hiện được khi đất nước có độc lập, tự do. Độc lập trong tư tưởng Hồ Chí Minh phải là một nền độc lập hoàn toàn, triệt để, có chủ quyền thực sự về mọi lĩnh vực, có quyền quyết định vận mệnh của mình. Tự do có nghĩa là thoát khỏi ách thống trị, áp bức bóc lột của nước ngoài, là thoát khỏi thân phận nô lệ của người dân mất nước. Bởi thế độc lập, tự do không thể tách rời nhau, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội chỉ có giá trị thực sự khi mang lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, các quyền dân tộc cơ bản gắn với các quyền chính đáng của con người.

Những mục tiêu đó phù hợp với lợi ích cơ bản của dân tộc, nguyện vọng tha thiết của nhân dân. Đó cũng chính là khát vọng cháy bỏng của Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh. 

PHẠM SINH (lược trích)

Trung tướng, PGS, TS Phạm Quốc Trung, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Chính trị: Thực hiện tốt ba chức năng của quân đội

Để góp phần tiếp tục đưa tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành động lực cho toàn quân thi đua, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trước yêu cầu xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần thường xuyên quán triệt thực hiện tốt chức năng “đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất”.

 

Thực hiện tốt chức năng cơ bản là SSCĐ và chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích của đất nước, cùng với việc điều chỉnh lực lượng theo hướng “tinh, gọn, đồng bộ, hợp lý, cân đối”, quân đội cần tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện bộ đội giỏi tác chiến hiệp đồng trong khu vực phòng thủ, sẵn sàng đánh thắng mọi hình thức chiến tranh, kể cả chiến tranh xâm lược bằng vũ khí công nghệ cao.

Thực hiện chức năng “đội quân công tác”, Quân đội ta chủ động thực hiện xuất sắc các nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong công tác vận động quần chúng, hăng hái đi đầu trong tham gia phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; tham gia các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, chung sức xây dựng nông thôn mới; bảo vệ môi trường, khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc chiến tranh… góp phần thiết thực vào việc củng cố và tăng cường “thế trận lòng dân”, xây dựng tiềm lực quốc phòng cho công cuộc giữ nước.

Trong hoàn cảnh mới, ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” đối với quân đội phải tiếp tục được thể hiện ở chức năng “đội quân lao động sản xuất” để góp phần tăng cường tiềm lực kinh tế cho sức mạnh bảo vệ Tổ quốc; đồng thời chia sẻ với khó khăn chung của đất nước, cùng với quản lý, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn lực mà Đảng, Nhà nước và nhân dân dành cho. Truyền thống Bộ đội Cụ Hồ cần tiếp tục được phát huy trong lao động sản xuất trên mọi địa bàn của Tổ quốc. Chúng ta luôn phải khắc ghi lời Bác Hồ dạy: “Tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm là hai việc cần thiết nhất để phát triển chế độ dân chủ nhân dân tiến dần lên chủ nghĩa xã hội”...

NGUYỄN VĨNH (lược trích)

Đại tá, TS Nguyễn Văn Lượng, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: Độc lập, tự do - quyền thiêng liêng của dân tộc

Tư tưởng "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" của Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định độc lập, tự do thực sự trở thành quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của dân tộc và của mọi người dân Việt Nam. Nhân dân Việt Nam sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình để đổi lấy nền độc lập, tự do.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Chính nghĩa sẽ thắng phi nghĩa; văn minh sẽ thắng bạo tàn; cái thiện sẽ thắng cái ác, hòa bình là mục tiêu chung của toàn nhân loại. Cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập, tự do của nhân dân ta hoàn toàn chính nghĩa, phù hợp với nguyện vọng, xu thế chung của toàn nhân loại. Hưởng ứng Lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước và thấm nhuần tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta từ hậu phương cho đến tiền tuyến đã vào trận với một khí thế tiến công và niềm tin tất thắng. Trận Núi Thành (5-1965) thắng lợi đã phát động tinh thần dám đánh và quyết thắng Mỹ... Điều đó cho thấy, tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được cụ thể hóa trong đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn, sự kiên trì thực hiện mục tiêu kháng chiến và ý chí, quyết tâm, nghị lực sắt đá, biết đánh và biết thắng địch bằng trí thông minh, sáng tạo, lòng quả cảm; đồng thời biết huy động và phát huy sức mạnh của cả dân tộc, của thời đại, nhân loại trong cuộc đấu tranh chính nghĩa, dân tộc Việt Nam đã lần lượt đánh thắng chiến tranh quy mô lớn của Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước bước vào thời kỳ mới-thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, vận dụng tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, Đảng ta luôn nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ trong hoạch định đường lối lãnh đạo cách mạng; phát huy sức mạnh dân tộc, sức mạnh thời đại; đẩy mạnh quan hệ đối ngoại, tăng cường hội nhập quốc tế...

NGUYỄN THẾ (lược trích)
 

;
.
.
.
.
.