.

Con chữ yêu thương

.

Thời gian qua, từ sự chung tay góp sức của các tổ chức hội, đoàn thể và các nhà hảo tâm, một số lớp học tình thương trên địa bàn quận Liên Chiểu được thành lập, qua đó góp phần xóa mù chữ, phổ cập kiến thức cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đang sinh sống trên địa bàn quận.

Cô giáo Trần Thị Tuyết Trinh tận tình hướng dẫn các em tập đọc, tập viết. Ảnh: Quốc Khải
Cô giáo Trần Thị Tuyết Trinh tận tình hướng dẫn các em tập đọc, tập viết. Ảnh: Quốc Khải

Ấm áp lớp học tình thương

Vào buổi tinh mơ, bên trong trụ sở nhà họp tổ dân phố 33 rộng chưa đầy 20m2 đã vang lên tiếng giảng bài của giáo viên, tiếng đọc bài của trẻ nhỏ. Đây là lớp học tình thương do Chi hội Từ thiện tổ 33 (phường Hòa Khánh Bắc) tổ chức từ năm 2013 nhằm phổ cập kiến thức cho các em học sinh tiểu học trên địa bàn, hầu hết là con em của những lao động nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.

Ông Nguyễn Đức Cử, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Hòa Khánh Bắc, người chịu trách nhiệm quản lý lớp học cho biết, qua hơn 3 năm tổ chức, lớp học đã thu hút nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn theo học. Nhiều em sau khi lớp học kết thúc đã trang bị được nền tảng kiến thức vững vàng để bước vào năm học mới. Hè năm nay, lớp có 37 em theo học dưới sự giảng dạy tình nguyện của 2 giáo viên trẻ.

Trong khi đó, tại tổ 2A thuộc khu dân cư Trung Nghĩa (phường Hòa Minh), ai cũng biết đến lớp học tình thương của sư thầy Thanh Lương. Lớp học miễn phí này hiện có hơn 220 học sinh thuộc khối THCS. Sư thầy Thanh Lương chia sẻ, khi biết được nhiều em trên địa bàn có hoàn cảnh còn khó khăn, không có điều kiện theo học các lớp bồi dưỡng kiến thức, thầy đã quyết định thuê nhà mở lớp, dạy cho học sinh nghèo. Nhờ tấm lòng thương yêu học trò của thầy, nhiều học sinh yếu kém có cơ hội bổ khuyết kiến thức, vươn lên trong học tập.

Hết lòng vì học sinh nghèo

Đa số các em theo học tại những lớp học tình thương đều sinh ra trong những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thậm chí cả cha mẹ đều không biết chữ nên dù đã đến tuổi, có em chưa bao giờ được đến trường. Với các em, được học chữ, biết đọc, viết và tính toán là niềm vui, niềm hạnh phúc. Còn với các thầy cô đứng lớp, được gieo vào lòng các em những con chữ yêu thương là công việc thật ý nghĩa.

Cô giáo trẻ Trần Thị Tuyết Trinh, hiện là giáo viên Trường THCS Nguyễn Lương Bằng, tình nguyện giảng dạy lớp học tình thương tại tổ dân phố 33 (phường Hòa Khánh Bắc) trong hè năm nay. Cô giáo Trinh cho biết, lý do tham gia đứng lớp học này vì muốn chia sẻ với những học sinh nhỏ nghèo khó. “Các em đa số là con em những lao động nghèo ở địa phương, điều kiện học tập vẫn còn thiếu thốn. Nhưng các em ham học lắm, có em chỉ cần cầm tay một lần là có thể viết được nửa trang giấy. Dạy các em biết đọc, biết viết, biết tính toán là niềm vui lớn trong tôi”, cô Trinh tâm sự.

Còn tại lớp học tình thương ở tổ 2A thuộc khu dân cư Trung Nghĩa, người dân nơi đây vẫn xem cô giáo Nguyễn Thị Đào Thanh là “mẹ hiền” của những trẻ em khó khăn, bất hạnh. Thời gian đầu, lớp học mở tại nhà cô có khoảng 40 em, chủ yếu là con em trong khu dân cư và các chú tiểu ở Bồ Đề Thiền viện. Năm 2005, cô cùng các đồng nghiệp và sư thầy ở Bồ Đề Thiền viện mở các lớp học tình thương, thu hút hàng trăm học sinh nghèo đến học. Từ những lớp học tình thương này, nhiều em thi đỗ đại học và đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi.

Nguyên là giáo viên Trường THCS Kim Đồng, sau khi được nghỉ hưu, cô Thanh càng dành nhiều thời gian, tâm sức cho các hoạt động khuyến học. Hằng năm, cô tích cực vận động kinh phí khen thưởng học sinh giỏi, học sinh thi đỗ đại học, cao đẳng và kịp thời hỗ trợ quần áo, sách vở, dụng cụ học tập cho các em có hoàn cảnh khó khăn. Cô còn vận động nhiều giáo viên, sinh viên tham gia giảng dạy tại các lớp học tình thương và tận tình truyền đạt kinh nghiệm cho những đồng nghiệp trẻ. Tháng 3 vừa qua, cô Thanh chịu trách nhiệm đứng lớp xóa mù chữ cho 3 em có hoàn cảnh khó khăn tại khu dân cư Phước Lý mà không nhận bất cứ khoản phí nào; sau hơn 3 tháng, các em đã biết đọc, biết viết, nhận ra được mặt chữ.

Chia sẻ về việc mình làm, cô Thanh tâm sự: “Những việc làm của tôi cốt chỉ để phần nào giúp đỡ các em học sinh nghèo khó, bất hạnh có điều kiện tiếp xúc với ánh sáng tri thức. Dù đường sá xa xôi, điều kiện học tập còn khó khăn nhưng nhìn thấy mỗi em học sinh được tiếp cận với con chữ là nguồn động lực to lớn để tôi toàn tâm cống hiến vì sự nghiệp khuyến học”.

Quốc Khải

;
.
.
.
.
.