Trước thông tin trên một số phương tiện truyền thông đại chúng về việc Đài truyền thanh quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) bị “chèn sóng” tiếng Trung Quốc, sáng 19-7, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã thẳng thắn trao đổi với báo chí về vấn đề này.
Ông Đoàn Quang Hoan loại trừ nguyên nhân đài truyền thanh quận bị "chèn sóng" tiếng Trung tại Đà Nẵng. (Ảnh: T.H/Vietnam+) |
Trước đó, Tổ công tác Thông tin báo chí của Đà Nẵng cũng ra thông báo cho biết, trong ngày 18-7, một facebooker đăng tải dòng trạng thái cho biết “mỗi lần đài phát thanh quận Ngũ Hành Sơn phát thì đều bị phát qua tiếng Trung Quốc.”
Theo đại diện Cục Tần số Vô tuyến điện, ngay sau khi nhận được phản ánh, Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực III và Ủy ban Nhân dân quận Ngũ Hành Sơn đã khẩn trương xác minh sự việc.
Qua kiểm tra, cụm loa bị nhiễu sóng và phát tiếng Trung Quốc là 1 trong 14 cụm loa trong khu dân cư thuộc phường Khuê Mỹ thu sóng do Đài truyền thanh không dây của phường phát trên tần số 97,5MHz được Cục Tần số Vô tuyến điện cấp phép.
Tại địa điểm đặt cụm loa, đoàn kiểm tra cho cụm thu và phát sóng thì loa hoạt động bình thường và không bị nhiễu sóng. Từ 12 giờ đến 19 giờ 30 phút ngày 18/7, thông qua hệ thống kiểm soát tần số, cơ quan chức năng cũng chưa phát hiện hiện tượng nhiễu sóng ở tần số 97,5MHZ của Đài truyền thanh phường Khuê Mỹ.
Ông Hoan cũng loại trừ khả năng nhiễu sóng từ bộ đàm từ các đơn vị thi công khách sạn và khu nghỉ dưỡng gần đó. Bởi lẽ, đơn vị này được cấp phép hoạt động theo dải băng tần khác.
Lãnh đạo Cục Tần số Vô tuyến điện cũng cho hay phản ánh của người dân cho thấy hiện tượng nhiễu sóng trong thời gian ngắn và không lặp lại nên chưa có đầy đủ cơ sở chính xác để xác định nguyên nhân sự việc.
Tuy nhiên, ông Hoan cho rằng có khả năng việc nhiễu ở một cụm loa nói trên do sóng phát thanh từ nước ngoài truyền đến Việt Nam trong điều kiện thời tiết đặc biệt (làm môi trường truyền sóng tốt hơn khiến sóng truyền xa hơn bình thường).
Trên thực tế, Cục Tần số Vô tuyến điện đã ghi nhận nhiều trường hợp như vậy, có trường hợp sóng điện thoại công suất rất nhỏ nhưng có thể truyền từ miền nam Thái Lan, bắc Malaysia sang Đồng bằng sông Cửu Long…
Ở trường hợp tại Đà Nẵng, truyền thanh không dây trang bị máy phát FM và các cụm loa mở tự động. Khi có tín hiệu phát đúng tần số được cấp phép, loa sẽ tự động mở và chuyển tiếp tiếng phát thanh ra loa. Tuy nhiên, nếu chất lượng cụm loa không tốt hoặc lỗi kỹ thuật, độ chọn lọc thấp thì có khi tín hiệu của tần số lân cận cũng có thể mở được loa. Thực tế đã có những trường hợp phường này phát, phường kia nghe…
“Đó là những trường hợp thuần túy về kỹ thuật và phải xử lý bằng kỹ thuật,” ông Hoan nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hoan, khi quy hoạch băng tần cho loa phường, Cục Tần số Vô tuyến điện đã lựa chọn băng tần khác (từ 54-68MHz) để tránh khả năng can nhiễu. Tuy nhiên, ở một số địa phương hệ thống cũ sử dụng từ lâu vẫn duy trì băng tần 87-108 MHz và các thiết bị này thường khá cũ, không có độ chọn lọc tần số tốt dễ dẫn đến việc bắt lẫn tín hiệu của tần số lân cận./.
Theo Vietnam+