* Đầu tư xây dựng 33 trường tiểu học phục vụ học 2 buổi/ngày
Ngày 7-7, Ban Pháp chế HĐND thành phố làm việc với Công an thành phố về tình hình hoạt động, thực hiện chế độ, chính sách đối với Ban bảo vệ dân phố (BVDP) theo Nghị định 38/2006/NĐ-CP của Chính phủ và thực hiện Luật Cư trú trên địa bàn thành phố.
Tại buổi làm việc, Công an thành phố báo cáo tình hình hoạt động của 45 Ban BVDP (gồm 328 tổ với 1.858 người) tại 45 phường trên địa bàn thành phố. Trong 10 năm qua, các Ban BVDP tích cực hoạt động trên các mặt công tác nắm tình hình, phát hiện vụ việc liên quan đến an ninh trật tự; xây dựng phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc; cảm hóa, giáo dục người vi phạm pháp luật, vận động người bị truy nã ra đầu thú; phối hợp với các lực lượng khác tuần tra, kiểm soát, giải quyết vụ việc về an ninh trật tự và thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của UBND và Công an phường. Về chế độ chính sách, mức phụ cấp đang áp dụng cho thành viên Ban BVDP cao nhất là trưởng ban: 648.000 đồng/tháng, thấp nhất là tổ viên: 96.000 đồng/tháng, không có BHYT.
Công an thành phố đề nghị HĐND và UBND thành phố nâng mức phụ cấp cho thành viên Ban BVDP phù hợp với mặt bằng chung của đời sống nhân dân và áp dụng hệ số phụ cấp theo lương tối thiểu. Theo đề nghị, trưởng ban có hệ số phụ cấp là 0,71; phó ban: 0,66; ủy viên: 0,61; tổ phó: 0,59; tổ viên: 0,2; đồng thời xem xét mua BHYT cho những người này. Ý kiến của một số thành viên Ban Pháp chế đồng tình với đề nghị nâng mức phụ cấp cho thành viên Ban BVDP. Tuy nhiên, Công an thành phố cần bổ sung báo cáo trong đó làm rõ hơn hiệu quả hoạt động hoặc tiêu chí đánh giá hoạt động của Ban BVDP, làm cơ sở cho việc đề xuất HĐND thành phố đồng ý nâng mức phụ cấp. Mức phụ cấp của thành viên Ban BVDP phải bảo đảm công bằng khi so sánh với mức phụ cấp của các chức danh khác ở khu dân cư.
Về thực hiện Luật Cư trú, Công an thành phố phản ánh bất cập trong thực tế khi các căn hộ chung cư, nhà liền kề, căn hộ trong khu tập thể chỉ có diện tích từ 30m² - 50m², không đủ diện tích theo quy định là bình quân 25m² sàn/người đối với gia đình vợ, chồng có 2 con. Do vậy khi nhập hộ khẩu, người dân buộc phải lựa chọn số người trong gia đình được nhập khẩu, gây nên phản ứng bất bình trong nhân dân. Công an thành phố đề nghị không quy định diện tích sử dụng bình quân trong căn hộ/người đối với gia đình có vợ, chồng và con cái độc thân nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nhập hộ khẩu. Nhằm tránh nhập cư quá nhiều vào trung tâm thành phố và giãn dân ra các vùng xung quanh, Công an thành phố đề nghị HĐND thành phố nâng mức diện tích sử dụng sàn nhà ở bình quân ở quận Hải Châu và quận Thanh Khê lên 30m²/người trong quy định về nhập hộ khẩu.
Các kiến nghị được Ban Pháp chế ghi nhận, thảo luận và trình kỳ họp thứ 2 của HĐND thành phố khóa IX sắp tới.
S.TRUNG
* Ngày 7-7, Ban Văn hóa-Xã hội HĐND thành phố Đà Nẵng có buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố. Tại buổi làm việc, Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo một số vấn đề nổi bật hiện nay như: công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi hoàn thành theo đúng kế hoạch; 56/56 quận, huyện duy trì tốt kết quả phổ cập tiểu học, THCS và công tác xóa mù chữ; chủ động đổi mới trong việc mở cổng trường, thư viện, khu vui chơi, thể thao, dạy bơi kịp thời, đúng tiến độ... Trong năm 2016, thành phố đầu tư xây dựng 33 trường tiểu học nhằm hoàn thiện cơ sở vật chất bảo đảm học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, toàn ngành còn những tồn tại như: chất lượng giáo dục vẫn còn chênh lệch giữa các trường, giữa giáo dục thường xuyên và THPT; công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, an toàn giao thông trong học sinh, sinh viên tuy được đẩy mạnh nhưng vẫn chưa đạt kết quả tốt như mong muốn. Ngành kiến nghị một số vấn đề như: cần có chế độ thâm niên cho các cán bộ quản lý giáo dục, bởi họ cũng là những nhà giáo và đã từng đứng lớp; bổ sung cán bộ y tế cho các trường mầm non; đầu tư thêm về cơ sở vật chất tại một số trường… Đại diện Ban Văn hóa-Xã hội tiếp thu những ý kiến và sẽ trình HĐND thành phố trong kỳ họp sắp đến.
PHƯƠNG TRÀ