Chính trị - Xã hội
Giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm: Làm rõ trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương
Chiều 13-7, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan, đoàn thể chính trị - xã hội để triển khai kế hoạch phối hợp vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2016.
Các ý kiến tại hội nghị nhận định, nước ta hiện có khoảng 9 triệu hộ sản xuất, 600.000 hộ kinh doanh. Việc để các hộ sản xuất, kinh doanh này bảo đảm ATTP là rất khó khăn, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là các đoàn thể. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cần làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, nhất là chính quyền địa phương các cấp trong lĩnh vực ATTP.
Mỗi bộ, ngành cần có hướng dẫn riêng cho từng ngành hàng của mình. Khi phát hiện vi phạm, cần phải công khai kịp thời để người dân biết, tẩy chay thực phẩm bẩn. Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt các vi phạm, bởi mỗi năm có khoảng 500.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh được kiểm tra nhưng mức độ xử phạt không nhiều. Vì vậy, vừa qua, Bộ Y tế đã trình Chính phủ thí điểm thanh tra ATTP cấp xã, phường; sắp tới sẽ nhân rộng để bảo đảm xử phạt nghiêm khắc, kịp thời các vi phạm. Cùng với đó, công tác truyền thông rất quan trọng - cần giáo dục, vận động nhân dân về thuyết nhân quả; nếu sản xuất bẩn, kinh doanh bẩn thì con cháu họ cũng sẽ phải ăn bẩn, uống bẩn.
Để chuyển biến về ATTP, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám nêu quan điểm trách nhiệm thực thi ở cơ sở là rất quan trọng, cần nêu rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, chính quyền các cấp; đồng thời, đẩy mạnh truyền thông để thay đổi nhận thức về ATTP; xây dựng được chuỗi sản xuất an toàn...
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh ATTP là vấn đề bức xúc kéo dài, đây là việc không thể làm trong 1 năm, mà phải ít nhất 5 năm mới tạo chuyển biến căn bản.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nêu rõ, không thể chỉ có Mặt trận thực hiện mà cần sự chung tay của các tổ chức đoàn thể, các bộ, ngành, địa phương. Vì vậy, việc chuẩn bị các điều kiện căn bản để triển khai hiệu quả là rất cần thiết. Trước hết, cần tạo chuyển biến trong sản xuất an toàn, trong đó vận động người sản xuất trở thành người sản xuất an toàn, trở thành người đồng hành cùng cơ quan quản lý để bảo đảm ATTP. Vấn đề đặt ra là người trong cuộc cần thay đổi nhận thức về sản xuất an toàn, muốn thế phải đẩy mạnh sự vận động. Trong quý 3-2016, các bộ, ngành cần ban hành xong hướng dẫn quy trình sản xuất, kinh doanh sạch, qua đó vận động, hướng dẫn người dân sản xuất sạch. Sau khi có hướng dẫn, vận động mà vẫn diễn ra tình trạng sản xuất bẩn sẽ có chế tài xử lý.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh quan trọng nhất là cần vận động để thay đổi nhận thức; cùng với đó, Nhà nước tăng cường quản lý, đoàn thể giám sát để bảo đảm lợi ích người dân theo quy trình cụ thể. Các bộ, ngành xây dựng quy trình giám sát, Mặt trận sẽ thực hiện giám sát thực hiện bảo đảm ATTP.
Năm tổ chức chính trị - xã hội, Liên minh hợp tác xã Việt Nam cần tuyên truyền vận động đối với từng hộ dân, trong đó quan trọng nhất là xã hội cần lên án những đối tượng vi phạm ATTP; khơi dậy “Tòa án lương tâm” - xây dựng văn hóa: người Việt Nam không đầu độc người Việt Nam...
TTXVN