Trong 2 ngày 30/6-1/7, tại trụ sở LHQ ở Geneva (Thụy Sĩ), Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) đã tiến hành các phiên thảo luận, thông qua 34 nghị quyết, trong đó có nghị quyết về quyền trẻ em và biến đổi khí hậu (BĐKH) do Việt Nam đề xuất.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dự khai mạc khóa họp thứ 32 Hội đồng Nhân quyền LHQ. Ảnh: TTXVN |
Sáng kiến về quyền trẻ em và BĐKH đã được Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh giới thiệu vào ngày khai mạc khóa họp 13/6. Qua nhiều vòng tham vấn kéo dài trong 3 tuần, Việt Nam và các nước đồng tác giả là Philippines, Bangladesh đã tiếp thu nhiều ý kiến ủng hộ và đóng góp tích cực của nhiều nước, tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ cũng như giới nghiên cứu quốc tế.
Trong quá trình đó, Việt Nam khẳng định các tác động tiêu cực của BĐKH đã gây hậu quả nghiêm trọng lên việc thụ hưởng các quyền con người, trong đó có quyền được sống, quyền lương thực, quyền y tế, quyền nhà ở, quyền phát triển. Những nhóm xã hội yếu thế, nhất là trẻ em, phụ nữ, người già, người tàn tật có nguy cơ cao bị đói nghèo, thậm chí mạng sống cũng bị đe dọa.
Tại Việt Nam, BĐKH, mà tiêu biểu là tình trạng xâm nhập mặn, lũ lụt, hạn hán bất thường ngày càng gây tác hại khôn lường, cướp đi mạng sống của hàng nghìn người dân mỗi năm, phá hủy nhà cửa, trường học, các công trình hạ tầng phục vụ đời sống của người dân, nhất là của trẻ em. Ngoài ra, BĐKH tại Việt Nam không chỉ thách thức an ninh lương thực của nước ta, mà còn của rất nhiều nước trên thế giới nhập khẩu lương thực từ Việt Nam.
Trên cơ sở sáng kiến và đóng góp chủ động, trách nhiệm của Việt Nam, HĐNQ đã đồng thuận thông qua nghị quyết với nội dung chính khẳng định quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với mối quan hệ giữa quyền trẻ em và BĐKH tổ chức phiên thảo luận chuyên đề về chủ đề này tại khóa 34 của HĐNQ (tháng 3/2017) cũng như yêu cầu các cơ quan LHQ thực hiện các nghiên cứu về chủ đề này. Ngoài 3 nước tác giả, hơn 100 nước cũng đăng ký bảo trợ nghị quyết này.
Với quan tâm và cam kết của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, đồng thời khẳng định vai trò của Việt Nam trong năm hoàn thành nhiệm kỳ thành viên HĐNQ 2014-2016, đoàn Việt Nam đã tích cực đóng góp vào các thảo luận thường niên, thảo luận chuyên đề và đối thoại với các cơ chế, thủ tục đặc biệt của HĐNQ.
Đại sứ Nguyễn Trung Thành, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Geneva và thành viên đoàn Việt Nam đã có nhiều phát biểu tại các phiên chính thức về các vấn đề khác nhau, thể hiện quan điểm quốc gia hoặc thay mặt ASEAN với tư cách Đồng Điều phối viên ASEAN năm 2016. Trong các phát biểu của mình, đoàn Việt Nam luôn nhấn mạnh HĐNQ cần nỗ lực thúc đẩy đối thoại và hợp tác xây dựng, kiên trì tìm các giải pháp cân bằng và thỏa đáng đối với những bất đồng, tránh để HĐNQ bị chính trị hóa làm ảnh hưởng đến uy tín của Hội đồng.
Việt Nam đã chủ động tham gia vào các vòng thương lượng các dự thảo nghị quyết trên tinh thần thúc đẩy việc bảo vệ và mở rộng thụ hưởng các quyền của người dân, tôn trọng Hiến chương LHQ, đề cao luật pháp, công lý quốc tế cũng như các đặc thù về kinh tế, truyền thống văn hóa và phát triển của từng quốc gia, khu vực, và bỏ phiếu các dự thảo nghị quyết dựa theo nguyên tắc đó.
Tại khóa họp này, ngoài việc tác giả nghị quyết về quyền trẻ em và BĐKH, Việt Nam cũng đồng bảo trợ 5 nghị quyết về thanh niên và nhân quyền, quyền giáo dục, quyền lương thực, quyền hòa bình, đoàn kết quốc tế.
Dự kiến, khóa họp thường kỳ tiếp theo của HĐNQ sẽ được tổ chức vào tháng 9/2016 tại Geneva, Thụy Sĩ, đánh dấu việc Việt Nam hoàn thành nhiệm kỳ HĐNQ 2014-2016 với tư cách một thành viên chủ động, có trách nhiệm, được đánh giá cao, có sáng kiến và đóng góp tích cực cho công việc của cơ quan quan trọng về quyền con người của LHQ.
Theo VGP