.

Không có việc đài truyền thanh bị "chèn" sóng Trung Quốc

.

Trưa 19-7, chúng tôi theo đoàn kỹ thuật của Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Đà Nẵng đến kiểm tra tại cụm loa trên địa bàn phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn) vào đúng giờ tiếp sóng từ đài quận. Qua kiểm tra, Sở TT&TT chính thức bác bỏ thông tin có đài lạ phát sóng tiếng Trung từ ngoài biển vào Đà Nẵng, cũng như không có chuyện Đài Truyền thanh quận Ngũ Hành Sơn bị “chèn” sóng Trung Quốc.  

Hiện tượng nhiễu sóng tại Đài Truyền thanh không dây phường Khuê Mỹ chỉ là can nhiễu sóng vô hại và bình thường. 			   Ảnh: HOÀNG HÂN
Hiện tượng nhiễu sóng tại Đài Truyền thanh không dây phường Khuê Mỹ chỉ là can nhiễu sóng vô hại và bình thường. Ảnh: HOÀNG HÂN

Chỉ 1 cụm loa nhiễu sóng

Sau khi nhận được phản ánh của người dân trên trang Facebook Quản lý đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi - Xanh - Sạch - Đẹp và một số thông tin báo chí về việc Đài Truyền thanh quận Ngũ Hành Sơn bị “chèn” sóng tiếng Trung Quốc, chiều tối 18-7, Sở TT&TT phối hợp với Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực 3 (TSVTĐ KV3) và UBND quận Ngũ Hành Sơn khẩn trương xác minh sự việc.

Qua xác minh, trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn hiện có 78 cụm loa trong các khu dân cư thuộc Đài của 4 phường gồm: Khuê Mỹ, Mỹ An, Hòa Hải và Hòa Quý. Các đài truyền thanh không dây của phường thực hiện tiếp âm và phát sóng từ Đài Truyền thanh quận 3 lần trong ngày: từ 5 giờ 30 - 6 giờ 30, từ 11 giờ - 11 giờ 30 và từ 17 giờ - 17 giờ 30.

Ông Phan Thanh Liêm, Trưởng Đài Truyền thanh quận Ngũ Hành Sơn cho biết: “Không có chuyện Đài Truyền thanh quận bị “chèn” sóng tiếng Trung Quốc như người dân phản ánh mà chỉ là can nhiễu sóng trên tần số của Đài. Đài chỉ nhận thông tin phản ánh từ Đài cơ sở phường Khuê Mỹ có 1/14 cụm thu của phường Khuê Mỹ bị nhiễu sóng vào khoảng 14 giờ - 14  giờ 30 ngày 17-7 trong khoảng 1 phút”.

Theo người dân sống dọc hai bên đường Trương Văn Hiến, nơi được cho là có cụm loa bị phát sóng tiếng Trung Quốc như báo chí phản ánh trong những ngày qua, nhiều người xác nhận thông tin trên hoàn toàn không đúng. Bà Mai Thị Nhung (tổ 96, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn), nhà bên cạnh cụm loa đường Trương Văn Hiến cho biết: “Bản thân tôi không biết tiếng Trung Quốc nhưng nếu đài quận phát tiếng Trung Quốc thì tôi biết liền. Chỉ thỉnh thoảng tôi nghe loa kêu rột rẹt vài mươi giây thôi, chứ không có tiếng lạ nào chen vào”.

Trung tâm TSVTĐ KV3 cũng cho biết, từ khi nhận được thông tin nhiễu sóng nêu trên (từ 12 giờ ngày 18-7 đến 12 giờ ngày 19-7), thông qua hệ thống kiểm soát tần số, chưa phát hiện có hiện tượng nhiễu sóng tại tần số 97,5MHz của Đài Truyền thanh không dây phường Khuê Mỹ. Tại địa điểm đặt cụm loa nói trên, khi đoàn kiểm tra đã cho vận hành cụm thu và phát sóng thì loa hoạt động bình thường, không bị nhiễu.

Mã hóa cụm loa thu

Theo thông tin từ Trung tâm TSVTĐ KV3, chỉ có 1 cụm loa được đặt tại số nhà 28 Trương Văn Hiến, phường Khuê Mỹ theo phản ánh bị nhiễu sóng trong thời gian 1 phút nên không thể có chuyện Đài Truyền thanh quận bị nhiễu sóng hay “chèn sóng”. Đây là 1 trong 14 cụm loa trong khu dân cư thuộc phường Khuê Mỹ đều thu sóng do Đài Truyền thanh không dây của phường Khuê Mỹ phát trên tần số 97,5MHz đã được Cục TSVTĐ cấp giấy phép.

Ông Trương Công Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm TSVTĐ KV3 cho rằng, không thể có tình trạng các máy bộ đàm từ các khách sạn và khu nghỉ dưỡng ven biển gần đó của Trung Quốc phát trùng tần số 97,5 MHz như một số nguồn tin phỏng đoán do băng tần số của hai thiết bị này là hoàn toàn khác nhau. “Hiện chỉ có Công ty Silver Shores được sử dụng tần số riêng trong khu vực có nói tiếng Trung, nhưng họ đã được Cục TSVTĐ cấp phép sử dụng băng tần riêng nên không thể can nhiễu vào tần số của cụm loa phát thanh của quận Ngũ Hành Sơn được”, ông Hạnh nói.

Do không phát hiện tình trạng nhiễu và nguồn gây nhiễu nên để tránh lặp lại hiện tượng này, đoàn kiểm tra của Sở TT&TT Đà Nẵng và Trung tâm TSVTĐ KV3 đề nghị UBND quận Ngũ Hành Sơn lắp đặt bộ mã hóa cho hệ thống Đài Truyền thanh không dây của phường Khuê Mỹ nói riêng và các phường còn lại. Về lâu dài, đoàn kiểm tra đề nghị UBND quận xem xét việc đầu tư chuyển đổi hệ thống đài truyền thanh phường về băng tần 54-68 MHz theo quy hoạch hiện nay, do các thiết bị dùng tần số 97,5 MHz đã lỗi thời, không có độ chọn lọc tần số tốt, dễ nhạy bắt tín hiệu của các tần số lân cận.

Ông Đào Duy Phúc, Giám đốc Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực 3:

Chỉ là can nhiễu sóng vô hại và bình thường

Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, ông Đào Duy Phúc, Giám đốc Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực 3, cho rằng loa phát thanh của phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn) bị nhiễu thực chất chỉ là can nhiễu sóng vô hại và xảy ra rất bình thường, chứ không có chuyện Trung Quốc đặt máy phát sóng ngoài biển rồi chèn sóng vào Đài Truyền thanh quận.

* Thưa ông, trước thông tin phản ánh của người dân thành phố và một số phương tiện thông tin đại chúng về việc Đài Truyền thanh quận Ngũ Hành Sơn bị “chèn sóng” tiếng Trung Quốc vào trưa 17-7, ông nhận định như thế nào?

- Trước hết, tôi xác nhận rằng, việc phản ánh thông tin về hiện tượng loa phát thanh của phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn) bị nhiễu là có thực. Tuy nhiên, với phạm vi bị nhiễu nhỏ và có khả năng do lỗi thiết bị, việc báo chí đưa tin thiếu cơ sở xác thực như bị “chèn sóng” tiếng Trung Quốc dễ làm dư luận hoang mang, khiến người dân hiểu nhầm bản chất sự việc. Đây thực chất chỉ là vấn đề can nhiễu sóng vô hại và xảy ra rất bình thường, chứ không có chuyện Trung Quốc đặt máy phát sóng ngoài biển rồi chèn sóng vào Đài Truyền thanh quận như thông tin của dư luận.

Đài Truyền thanh quận Ngũ Hành Sơn thực chất không phải là cơ quan báo chí mà chức năng của đài là chuyển tiếp thông tin. Sự việc người dân phản ánh là do trong thời gian Đài Truyền thanh quận Ngũ Hành Sơn ngừng phát sóng thì 1 cụm loa trên địa bàn phường Khuê Mỹ có chế độ thu sóng tự động tiếp nhận sóng trên tần số khác nhưng người dân không nghe rõ tiếng đó, trong thời gian gần 1 phút.  

* Dư luận cho rằng, sau khi có thông tin Đài Truyền thanh quận Ngũ Hành Sơn bị “chèn sóng”, các cơ quan chức năng đã đi kiểm tra vào giờ đài quận không phát sóng nên không phát hiện hiện tượng sóng lạ “chèn” vào. Ông lý giải như thế nào về việc này?

- Chúng tôi khẳng định rằng, việc kiểm tra tại phường Khuê Mỹ mang tính chất là xác minh lại sự việc. Còn việc giám sát băng tần trên địa phận quản lý của Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực 3 được thực hiện nghiêm túc và xuyên suốt 24/24 giờ. Nếu có hiện tượng “sóng lạ” bị chèn vào trên băng tần nào đó, chúng tôi sẽ phát hiện ngay và xử lý kịp thời. Chúng tôi xin nhận định lại rằng, hiện trên địa bàn chúng tôi quản lý không có đài tiếng Trung Quốc chèn vào các đài địa phương mà đây chỉ là hiện tượng can nhiễu tần số và xử lý rất dễ dàng.

Để giải quyết can nhiễu này, Trung tâm đã giải thích, hướng dẫn các đơn vị áp dụng các biện pháp kỹ thuật để khắc phục chất lượng thiết bị hoặc các giải pháp như: nâng mức ngưỡng máy thu, điều chỉnh hướng anten thu phát, sử dụng công nghệ mã hóa các cụm thu để các cụm thu chỉ nhận được tín hiệu đúng với tín hiệu đài phát đã được mã hóa (đối với các cụm loa thu nếu không có bộ mã hóa thì loa sẽ tự động phát khi thu được tín hiệu cùng tần số)… nhằm tránh tình trạng can nhiễu lặp lại.

* Xin cảm ơn ông.

HOÀNG HÂN thực hiện

HOÀNG HÂN

;
.
.
.
.
.