.

Kiên cường bám biển

.

Mặc dù bị tàu Trung Quốc ngăn cản, phá hoại, bà con ngư dân cả nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng vẫn kiên cường vươn khơi bám biển để khai thác, vừa đem lại thu nhập cho gia đình, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Ông Phạm Tiến Đức trên tàu cá của ông. 				Ảnh: LÊ VĂN THƠM
Ông Phạm Tiến Đức trên tàu cá của ông. Ảnh: LÊ VĂN THƠM

Ông Phạm Tiến Đức, ở tổ 67, phường Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê), chủ tàu cá ĐNa 90244, kể lại: Mới đây, tàu chúng tôi đang khai thác tại tọa độ 17,20 vĩ độ Bắc, 11,50 kinh độ Đông, thuộc lãnh hải Việt Nam thì bị tàu Trung Quốc xua đuổi. Chúng ngang ngược ra hiệu yêu cầu tàu chúng tôi phải rời khỏi khu vực, rồi hú còi, rượt đuổi. Tàu chúng to, dợn sóng lớn, làm tàu chúng tôi chao đảo.

Còn tàu ông Nguyễn Văn Điền (phường Thuận Phước, quận Hải Châu), khi đang khai thác ở vùng biển Hoàng Sa thì bị 2 tàu hải giám của Trung Quốc chạy tới, hung hăng hú còi xua đuổi. Trước tình huống đó, ông Điền bình tĩnh cho tàu vòng tránh để tiếp tục khai thác. “Mặc dù tàu Trung Quốc giở nhiều thủ đoạn ngăn cản tàu cá của ta hoạt động trên vùng biển Hoàng Sa, nhưng ngư dân chúng tôi kiên quyết bám ngư trường Hoàng Sa để khai thác, vì đây là ngư trường truyền thống và hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam”, ông Điền nhấn mạnh.    

Theo ông Đức và ông Điền, bà con ngư dân cần kịp thời thông báo cho nhau biết vị trí của tàu Trung Quốc để vòng tránh, kiên quyết bám biển, bám ngư trường Hoàng Sa để khai thác, vừa có thu nhập cho gia đình, vừa góp phần bảo vệ và khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Trong chuyến biển mới đây, chỉ 13 ngày ra khơi, tàu ông Đức đã khai thác được 18 tấn cá, bán được 549 triệu đồng, trừ hết chi phí, mỗi thuyền viên được chia 14 triệu đồng. Ông Đức hồ hởi kể: Tàu ông đánh bắt bằng lưới vây, khai thác dựa vào các vật nổi trên biển, vì cá thường tụ tập dưới bóng những vật nổi. Sau khi đến vùng biển Hoàng Sa, ông cho tàu chạy vòng vòng để quan sát, tìm kiếm luồng cá. Khi phát hiện một ống nhựa nổi trên mặt nước và cử thuyền viên lặn xuống kiểm tra, thì quả nhiên có đàn cá bám theo bên dưới ống nhựa.

Ông bèn cho cột thêm lưới vào ống nhựa để làm bóng to ra, thu hút thêm cá và buộc cờ nheo đánh dấu. 5 giờ sáng hôm sau, ông lái tàu cho anh em thả lưới quanh ống nhựa trên vòng bao dài hơn 600 mét, với loại lưới sâu 92 mét. Khi lưới đã bao giáp vòng, ông dùng máy tàu quay tời “khép vòng vây”, chỉ sau một giờ đã khai thác được 6 tấn cá. Tương tự, hai hôm sau, ông và các thuyền viên khai thác được 12 tấn nữa. Vì tàu chở 700 cây đá, vừa đủ ướp 18 tấn cá, nên dù biết luồng cá còn nhiều nhưng đành phải chạy vào bờ. Trước khi rời ngư trường, ông Đức gọi điện cho tàu của một người bạn cùng phường đến, chỉ vị trí luồng cá để tàu bạn khai thác tiếp.

Tàu ông Đức chạy suốt 3 ngày đêm thì về đến cảng cá Thọ Quang. Một thương lái quen cùng với hàng chục nhân công cân cá liên tục 7 giờ đồng hồ mới hết.  2 hôm sau, các thuyền viên đã trở lại tàu đông đủ, khẩn trương mua dầu, đá, lương thực, thực phẩm, chuẩn bị cho một chuyến biển mới.

Cả 10 người đi bạn đều ở Đà Nẵng và đã gắn bó với ông Đức qua hàng trăm chuyến ra khơi. “Chuyến biển thắng đậm, anh em bạn vui, mình cũng vui và mỗi lần ra khơi chỉ mong sao không bị tàu Trung Quốc quấy phá”, ông Đức chia sẻ. Trầm ngâm giây lát, người thuyền trưởng dày dạn kinh nghiệm khẳng định: “Cuộc sống của ngư dân chúng tôi gắn liền với biển, dù tàu Trung Quốc có đe dọa, uy hiếp, phá hoại thế nào thì chúng tôi vẫn kiên quyết vươn khơi bám biển để khai thác!”.

LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.