.
Ký sự Pháp đình

Bia, rượu và thảm cảnh sau tay lái

.

Phía trước tay lái là sự sống, là nụ cười hy vọng của mỗi con người, mỗi gia đình. Nhưng đằng sau tai nạn giao thông là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp được…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

1. M.T.A (ngụ quận Sơn Trà) từng là niềm kỳ vọng của mẹ cha, cho đến khi tai nạn giao thông hai lần bất ngờ ập đến. Lần đầu tiên bị tai nạn giao thông, từ một chiến sĩ công an năng nổ, xông xáo, T.A phải dở dang ước mơ được cống hiến, mang lại sự bình yên cho nhân dân bởi vết thương quá nặng, ảnh hưởng một phần đến não. Lần thứ hai bị tai nạn giao thông, từ một người có thể đi đứng bình thường, T.A trở thành người tàn phế, rối loạn tâm thần do chấn thương sọ não với thương tật 99% vĩnh viễn. Cả hai vụ tai nạn, người tông T.A đều là “đệ tử lưu linh”, do có hơi men nên thiếu quan sát, không làm chủ được tay lái.

Mẹ của T.A - người phụ nữ hơn 70 tuổi, vẫn sống trong hồi ức ngọt ngào của con trai khi lưu giữ cẩn thận từng bộ quân phục cũ của con. Cha của T.A, người đàn ông với đôi mắt hằn sâu nỗi buồn, vẫn chưa quên được những tháng ngày vinh quang của con, ngày nào cũng tỉ mẩn lau từng chiếc bằng khen, huy chương rồi thẫn thờ ngắm nhìn. Cứ nhắc đến con trai, cả hai đều không cầm được những giọt nước mắt xót xa.

“Ngày trước, nó hay làm thơ nên được nhiều cô gái yêu thương. Trước tai nạn 7 năm, nó có dẫn bạn gái về nhà chơi. Chúng tôi giục cưới thì nó cười, bảo là con muốn dành dụm thêm ít tiền để xây lại nhà cho ba mẹ. Nếu không có tai nạn giao thông, chắc giờ nó cũng vợ con đề huề rồi…”, cha của T.A nghẹn ngào.

Đứa con trai duy nhất trong nhà khép lại tương lai ở độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời, đôi vợ chồng già xót con nhưng vẫn đầy lòng bao dung, tha thiết xin tòa giảm án cho người đã gây ra tai nạn cho con mình. Vừa lau nước mắt, mẹ của T.A vừa van nài: “Tòa đừng bỏ tù H.T.V, cậu ấy có đi tù thì cũng không thể trả lại cho chúng tôi đứa con như trước đây. Gia đình V. cũng khổ lắm, tòa thương chúng tôi thì thương luôn cả V…”.

Phiên tòa khép lại với bản án treo dành cho bị cáo nhưng nỗi đớn đau của đôi vợ chồng già chẳng biết khi nào mới nguôi ngoai. Ông nhìn bà, đau đáu câu hỏi: “Vợ chồng mình chẳng biết còn sống bao nhiêu năm nữa. Lỡ như tụi mình có nằm xuống thì con nó phải làm sao đây hả bà?...”. Bà im lặng, đáp lời chồng bằng tiếng thở dài chất chồng bao nỗi lo toan…

2. N.V.T (sinh năm 1992, ngụ quận Liên Chiểu) bị tật bẩm sinh, lưng gù, bàn tay 4 ngón luôn trong tình trạng co quắp. T. thêm tuổi nhưng chẳng thêm cân hay chiều cao, chỉ có cục gù trên lưng mỗi ngày một lớn. Xót con nhưng cha mẹ của T. đành nuốt nước mắt vào trong vì không đủ điều kiện kinh tế chữa trị cho con. Sợ con bị trêu chọc, cha mẹ của T. xin cho con vào học ở trường tình thương. Nhưng con đường lượm nhặt tri thức của T. cũng chẳng kéo dài bao lâu, T. thương cha mẹ tất tả cả ngày ở bãi rác nên học đến lớp 2 thì dở dang chuyện trường lớp. Năm 12 tuổi, T. một mình vào Sài Gòn bán vé số để đỡ đần gánh kinh tế cho mẹ cha.

Có bao nhiêu tiền, T. lại gói ghém gửi về quê nhà để nuôi các em ăn học. Nhờ những đồng tiền chắt chiu của anh trai, em của T. có cơ hội trở thành sinh viên Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh. “Cực khổ bao nhiêu con cũng chịu, áo quần cũ kỹ nhưng không chịu mua mới, gom góp từng đồng để lo cho em, cho cha mẹ. Nuôi em ăn học ở Sài Gòn, mỗi tháng con vẫn gửi tiền về cho cha mẹ…”, mẹ của T. rơm rớm nước mắt khi nhắc về người con trai đầu hiếu thảo.

Năm ấy, như những mùa xuân trước, T. về quê vào những ngày cận Tết, vác bao theo mẹ lượm rác đến tận đêm giao thừa. Tối mồng 1 Tết, T. mượn xe người quen để đi chơi cùng bạn thì tông người khác bị thương 45%. T. bị kết án 1 năm tù về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” với 2 tình tiết tăng nặng là không giấy phép lái xe và cầm lái trong tình trạng có nồng độ cồn vượt mức cho phép. Chỉ vì một lần mải vui, T. đã không thể tiếp tục thực hiện ước mơ “cho con về nhà đi làm để có điều kiện lo lắng cho các em”.

3. Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông, năm 2015, cả nước xảy ra 22.827 vụ tai nạn giao thông, làm chết 8.727 người, bị thương 21.069 người; trong đó lỗi vi phạm an toàn giao thông do bia, rượu chiếm 4%. Điều này cũng đồng nghĩa có 8.727 gia đình mất đi nụ cười của người thân; 21.069 người phải trải qua những tháng ngày đau đớn, thậm chí có thể phải đối diện với ngõ cụt.

Phía trước tay lái là sự sống, là nụ cười của người thân bất kỳ ai trong chúng ta. Phía sau tai nạn giao thông là nỗi đau không gì có thể bù đắp được. Do đó, khi cầm lái, mỗi người nên dứt khoát nói không với bia, rượu để góp phần giảm bớt thảm cảnh tai nạn giao thông…

NAM BÌNH - AN NGUYÊN

;
.
.
.
.
.