Chính trị - Xã hội
Nhiều bất cập về thiết chế văn hóa, thể thao
* Đề xuất tăng mức trợ cấp cho lực lượng dân quân
Tại cuộc làm việc giữa Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Đà Nẵng với Sở Văn hóa - Thể thao thành phố, diễn ra ngày 14-7, nhiều ý kiến bày tỏ trăn trở về tồn tại trong đầu tư thiết chế văn hóa bấy lâu nhưng chưa được giải quyết.
Theo ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao (VHTT), hiện Sở có 15 đơn vị sự nghiệp nhưng có đến 7 đơn vị sự nghiệp công lập vẫn đang trong tình trạng “ở tạm”. Cụ thể là Trung tâm Văn hóa thành phố, Trung tâm Tổ chức và quản lý sự kiện, Trung tâm Quản lý di sản thành phố, Trung tâm Quản lý quảng cáo, Trung tâm Thể dục thể thao thành phố, Trung tâm Thể dục thể thao người lớn tuổi và Trung tâm Huấn luyện và đào tạo vận động viên. Vì thế, ngành Văn hóa kiến nghị Ban Văn hóa - Xã hội (VHXH) tham mưu, đề xuất lãnh đạo thành phố ưu tiên đầu tư Trung tâm Văn hóa thành phố trong thời gian sớm nhất, tiếp đến là ổn định chỗ hoạt động cho các đơn vị sự nghiệp công lập khác của ngành.
Tại buổi làm việc, Sở VHTT cũng trình bày về quy hoạch thiết chế văn hóa trên địa bàn thành phố. Theo đó, thời gian qua, UBND thành phố đã giao cho Sở Xây dựng phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng và các đơn vị liên quan lập quy hoạch tổng thể mạng lưới thiết chế VHTT. Sau khi quy hoạch mạng lưới thiết chế được phê duyệt, Sở sẽ phối hợp với UBND quận, huyện xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết hằng năm để bảo đảm đến năm 2020, thành phố Đà Nẵng có 80% xã, phường có trung tâm văn hóa, thể thao và 20% xã, phường còn lại có thiết chế trung tâm văn hóa.
Tuy nhiên, ông Tô Văn Hùng, Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố cho rằng, việc đầu tư và quy hoạch cho thiết chế văn hóa còn nhiều hạn chế, không đặt ra vấn đề hiệu quả sử dụng. Cũng theo Sở VHTT, mới đây, theo quy định mới và phân cấp của UBND thành phố, các sở chuyên ngành chỉ được sử dụng bộ máy của mình để điều hành các công trình có quy mô nhỏ dưới 5 tỷ đồng; đối với các công trình có quy mô lớn thì giao cho các ban chuyên ngành làm chủ đầu tư kiêm điều hành dự án. Để tránh tình trạng các công trình, thiết chế văn hóa không đi lệch hướng mục đích sử dụng của ngành, Sở VHTT đề nghị, Ban VHXH trình HĐND thành phố xem xét tham mưu lãnh đạo thành phố giao Sở làm chủ đầu tư và các ban quản lý chuyên ngành điều hành dự án đối với các thiết chế VHTT thuộc ngành đã và đang triển khai như: công trình sân vận động Hòa Xuân, Trung tâm Huấn luyện và đào tạo vận động viên... Đối với các thiết chế VHTT do các đơn vị khác làm chủ đầu tư và điều hành dự án, đề nghị đơn vị chủ trì thẩm định dự án, trong quá trình thực hiện lấy ý kiến của sở chuyên ngành để công trình sau khi được đầu tư phát huy hiệu quả sử dụng.
Ông Phạm Tấn Xử, Trưởng ban VHXH, HĐND thành phố cho biết sẽ xem xét, rà soát thực tế và kiến nghị tại kỳ họp HĐND thành phố sắp tới.
NGỌC HÀ
* Ngày 14-7, Ban Pháp chế HĐND thành phố làm việc với Bộ Chỉ huy Quân sự (BCHQS) thành phố Đà Nẵng về tình hình tổ chức hoạt động và việc thực hiện chế độ chính sách đối với lực lượng dân quân trên địa bàn thành phố.
Theo BCHQS thành phố, trong những năm qua, công tác đăng ký, quản lý công dân trong độ tuổi tham gia nghĩa vụ dân quân tự vệ (DQTV) chặt chẽ, đạt từ 29% trở lên so với dân số; lực lượng DQTV nòng cốt luôn được kiện toàn, củng cố số lượng hợp lý, chất lượng cao, lấy xây dựng chất lượng chính trị làm trọng tâm. Tỷ lệ DQTV hằng năm đạt 1,5% dân số, tổ chức biên chế đủ thành phần, lực lượng. Hằng năm, cán bộ DQTV các cấp được bồi dưỡng, tập huấn đầy đủ theo quy định…
Tại buổi làm việc, đại diện BCHQS thành phố kiến nghị HĐND thành phố quan tâm nâng mức trợ cấp ngày công lao động cho lực lượng dân quân (trừ dân quân thường trực) để góp phần nâng cao chất lượng xây dựng, huấn luyện và bảo đảm chế độ chính sách phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Cụ thể, đề xuất nâng mức trợ cấp từ hệ số 0,08 lên 0,1 mức lương cơ sở (tương ứng với số tiền 121.000 đồng/người/ngày) đối với dân quân cơ động, tại chỗ, phòng không, pháo binh, công binh, thông tin, y tế, hóa học, trinh sát. Nâng mức từ hệ số 0,12 lên 0,14 mức lương cơ sở (tương ứng với số tiền 169.400 đồng/người/ngày) đối với dân quân biển. Với mức đề xuất này, mỗi năm ngân sách sẽ chi tăng thêm hơn 2 tỷ đồng.
Ông Phan Thanh Long, Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố cho biết, sẽ tiếp thu các ý kiến đề xuất của BCHQS và đưa ra kiến nghị tại kỳ họp lần thứ 2 của HĐND thành phố khóa IX sắp tới.
ĐẮC MẠNH