.

Phối hợp tố giác thực phẩm "bẩn"

.

Nhằm phát huy vai trò giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố và các tổ chức thành viên; đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan Nhà nước về thực hiện pháp luật an toàn thực phẩm (ATTP), UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố ký kết chương trình phối hợp “Vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 - 2020”.

Lãnh đạo UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố ký kết chương trình phối hợp “Vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 - 2020”.  				      Ảnh: PHẠM PHÚ BÌNH
Lãnh đạo UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố ký kết chương trình phối hợp “Vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 - 2020”. Ảnh: PHẠM PHÚ BÌNH

Mục đích của chương trình phối hợp là hướng đến việc: nông dân Việt Nam là người sản xuất thực phẩm an toàn, người Việt Nam tiêu dùng thực phẩm phải an toàn, bảo đảm sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Giám sát ATTP là nhiệm vụ cấp bách. Vận động toàn dân thực hiện ATTP được xem như một tiêu chí trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Hộ nông dân, hộ kinh doanh thực phẩm nhỏ nếu không bảo đảm ATTP thì không được công nhận gia đình văn hóa. Trong chương trình giám sát về ATTP, Mặt trận sẽ tập trung nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi để người sản xuất thấy được họ vừa là người làm ra sản phẩm, vừa là người tiêu dùng.

Nội dung phối hợp bao gồm: tổ chức hoạt động tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia bảo đảm ATTP; xây dựng và nhân rộng mô hình các hộ nông dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; giám sát chấp hành pháp luật ATTP; phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về ATTP; tổ chức tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của nhân dân đối với hành vi vi phạm ATTP.

Mục tiêu cụ thể của chương trình phối hợp là đến năm 2020 vận động ít nhất 90% số hộ sản xuất nông nghiệp, chế biến, kinh doanh thực phẩm ký cam kết bảo đảm ATTP; 60% hộ và 100% hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm được công nhận sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; 11/11 xã được công nhận nông thôn mới đạt tiêu chí ATTP; 45/45 phường được công nhận đô thị văn minh phải đạt tiêu chí ATTP.

Để thực hiện có hiệu quả chương trình này, bên cạnh sự vào cuộc chỉ đạo của chính quyền, cần sự chung tay của các tổ chức thành viên. Với yêu cầu mỗi một đoàn thể phải vận động đoàn viên, hội viên nêu cao ý thức trách nhiệm không sản xuất thực phẩm không an toàn, nhận thức được gian dối trong vệ sinh ATTP là tội ác, cần được xử lý thích đáng. Các Ban công tác Mặt trận khu dân cư và các tổ chức đoàn thể phải nắm kỹ danh sách từng hộ gia đình sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, kinh doanh thực phẩm để theo dõi, giám sát, đặc biệt là tố giác kịp thời hành vi sản xuất, chế biến thực phẩm không an toàn.

PHẠM PHÚ BÌNH

;
.
.
.
.
.