Chính trị - Xã hội
Quản lý các điểm vui chơi tự phát
Ngày hè là lúc các điểm vui chơi tự phát phát triển. Từ nội thành đến ngoại thành, nhiều điểm vui chơi loại hình này nhanh chóng ra đời, thu hút đông đảo trẻ em. Tuy nhiên, hầu hết các điểm vui chơi tự phát dường như chưa có sự quản lý của các cơ quan chức năng nên tiềm ẩn không ít nguy hiểm.
Khu vực trò chơi cát thường lộn xộn và mất vệ sinh. Ảnh: PHƯƠNG UYÊN |
Mặc dù trên địa bàn Đà Nẵng hiện có rất nhiều khu vui chơi tập trung như: Helio Kids, Công viên Châu Á, khu vui chơi của Vincom Ngô Quyền, Lotte Mart, Big C, Co.op Mart… nhưng các khu vui chơi tự phát với quy mô nhỏ ở các khu đất trống, ven chân cầu Sông Hàn, trước Công viên 29-3, đầu cầu Tiên Sơn, Nhà Văn hóa Lao động thành phố… luôn hấp dẫn trẻ em.
Trong vai trò phụ huynh đưa con đi chơi, chúng tôi dạo một vòng và nhận thấy, các điểm vui chơi tự phát hầu hết do cá nhân đầu tư, hướng tới đối tượng trẻ em dưới 15 tuổi. Các dịch vụ vui chơi khá đơn giản như: nhà bóng, cầu tụt, câu cá, tô tượng, tranh cát, phao hơi, nhà cát, xe điện đụng, bập bênh, thú nhún, xích đu, tàu điện, ô-tô điện, xích-lô... Một vấn đề đáng lo ngại nhất làm không ít phụ huynh thấy bất an khi đưa con vào khu vui chơi là đồ chơi ở đây đều tự chế hoặc có nguồn gốc không rõ ràng.
Đáng chú ý, khi hỏi một vài người điều khiển trò chơi xích đu, tàu điện, ô-tô chạy bằng điện, chúng tôi được biết, họ là những lao động tay ngang chứ không được đào tạo để tổ chức trò chơi cho trẻ em. Bên cạnh đó, các khu vui chơi giải trí dành cho trẻ nhưng đồ chơi, trang thiết bị cũ kỹ, kém chất lượng, thiếu an toàn…
Bà Trần Lâm Oanh (trú phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn), một phụ huynh đưa con đi chơi cho biết, ở các điểm vui chơi tự phát dưới chân cầu Sông Hàn, trẻ em thường không để ý xe cộ lưu thông trên vỉa hè nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Song song đó, các xích-lô, ô-tô điện phần lớn bị mất hoặc hỏng các bộ phận phanh, nên liên tục xảy các vụ va chạm với nhau.
Thậm chí, nhiều em điều khiển xe tông ngã đổ bàn, ghế của các hộ buôn bán ngay trên khu vui chơi. Bên cạnh đó, các điểm vui chơi dưới chân cầu Sông Hàn luôn rình rập mối nguy hiểm với những xe hàng, tủ thuốc lá, hàng nước mía, kem, ốc, các khu tô tượng, nhà cát chen lẫn hàng chục xích-lô, ô-tô điện chạy loạn xạ; bãi đỗ xe máy chật kín, xe máy lao lên vỉa hè giữa hàng trăm người đi bộ tạo cảnh hỗn loạn, mất an toàn. Còn điểm vui chơi ở đầu cầu Tiên Sơn (phía địa bàn quận Ngũ Hành Sơn), hầu hết các thiết bị để ngoài mưa nắng trông rất nhếch nhác, xuống cấp. Tại khu trò chơi đu quay, tàu điện, dây điện nối các bóng đèn, công tắc được bắt sơ sài, các vòng đu quay đã cũ kỹ, rỉ rét, gây cảm giác không an tâm.
Trong lúc sân chơi dành cho các em còn thiếu, việc phát triển các khu vui chơi tự phát phần nào giúp giải quyết bài toán về sân chơi cho trẻ. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động nhằm tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.
PHƯƠNG UYÊN