.

Rườm rà thủ tục hợp thửa đất rẻo

.

* Không cấp phép dự án ảnh hưởng quy hoạch hai bờ sông Hàn

Chưa quản lý được đất rẻo, quá rườm rà thủ tục xin hợp thửa đất rẻo; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo chậm, chuyển đơn lòng vòng, trách nhiệm chưa cao của người đứng đầu cơ quan chuyên môn và cán bộ trực tiếp xử lý đơn. Đây là những vấn đề được nêu trong buổi giải trình của UBND thành phố và các cơ quan chuyên môn với Thường trực HĐND thành phố ngày 29-7. Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung chủ trì cuộc họp. Tham dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn.

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung phát biểu kết luận các nội dung giải trình. Ảnh: SƠN TRUNG
Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung phát biểu kết luận các nội dung giải trình. Ảnh: SƠN TRUNG

Mất 7 tháng rưỡi để hợp thửa vài mét vuông đất rẻo

Theo giải trình của Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường (TNMT) Lê Quang Nam, các tổ chức, cá nhân muốn chuyển quyền sử dụng đất rẻo (QSDĐR) hợp thửa liền kề phải trải qua một quy trình thủ tục hành chính 8 bước với sự phối hợp từ 7 đến 8 cơ quan, đơn vị có liên quan và bình quân mất 7 tháng rưỡi mới giải quyết xong một hồ sơ hợp thửa đất rẻo. Thời gian kéo dài do chưa có ràng buộc trách nhiệm về thời gian xử lý của các cơ quan, đơn vị có liên quan. Trong năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, Trung tâm Phát triển quỹ đất (PTQĐ) thuộc Sở TNMT là cơ quan tiếp nhận hồ sơ chuyển quyền SDĐR đã tiếp nhận 688 hồ sơ xin hợp thửa. Đến nay có 405 hồ sơ đã giải quyết xong, trong đó có 74 trường hợp có thu tiền sử dụng đất với tổng thu là 20,53 tỷ đồng, còn lại là những trường hợp UBND thành phố có chủ trương không chuyển QSDĐ, đất thuộc quy hoạch tái định cư, đất không đủ điều kiện hợp thửa…

Giải trình bổ sung của Phó Giám đốc Trung tâm PTQĐ Trần Nam Hưng cho hay, thủ tục hợp thửa mất nhiều thời gian nhất ở 3 khâu: Lấy ý kiến hộ tứ cận không xác định được thời gian do phụ thuộc vào thiện chí của các hộ này đối với hộ có nhu cầu hợp thửa; đề nghị Sở Xây dựng xác nhận quy hoạch đất rẻo mất từ 20 đến 30 ngày và lâu nhất là ở khâu trình Sở TNMT báo cáo Hội đồng thẩm định giá thành phố, trình UBND thành phố duyệt đơn giá giao QSDĐR mất từ 3 đến 6 tháng.

Theo ông Hưng, Hội đồng thẩm định giá khi họp thường chỉ tập trung vào các lô đất lớn, còn đất rẻo được đề cập đến vào cuối buổi họp. Mặt khác thành phố định giá quá cao nên người dân không mua trong khi đó họ vẫn đang lấn chiếm xây dựng và sử dụng phần đất rẻo này. Người dân có tâm lý không bán cho họ, thành phố sẽ chẳng bán được cho ai. Trung tâm PTQĐ kiến nghị để rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ đề nghị hợp thửa đất rẻo, sau khi Trung tâm phối hợp với phường, quận, Sở Xây dựng xác định đủ điều kiện thì cho phép chuyển QSDĐR áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất (tại Quyết định 09/2015/QĐ-UBND) và bảng giá đất quy định hiện hành của thành phố để trình UBND quận, huyện ban hành quyết định giao đất, chuyển thông tin cho cơ quan Thuế thông báo nộp tiền SDĐ.

Xây dựng quy định quản lý, hợp thửa đất rẻo

Tại cuộc họp, Ban Kinh tế-Ngân sách đề nghị UBND thành phố nên có chủ trương giao cho quận, huyện, phường, xã rà soát, thống kê đất rẻo sau đó giao Sở Xây dựng xác nhận quy hoạch tất cả để khi thực hiện hợp thửa không cần qua thủ tục này nữa. UBND thành phố cần ban hành quy định về tiêu chí, điều kiện những lô đất rẻo được xây dựng căn hộ độc lập và quy định trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong giải quyết thủ tục hợp thửa đất rẻo. Ban Văn hóa-Xã hội cho rằng thành phố chỉ nên quản lý những lô đất rẻo có giá trị từ 30 tỷ đồng trở lên và phân cấp quản lý đất rẻo trong khu dân cư cho quận, huyện quyết định cho hợp thửa hay làm công trình công cộng.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đồng tình với đề xuất của Ban Kinh tế - Ngân sách và khẳng định đến cuối năm nay giao cho các sở, ngành phải hoàn thành việc xây dựng các tiêu chí lô đất rẻo đủ hình thành căn hộ độc lập, lô đất rẻo ở các tuyến đường lớn khi hợp thửa làm tăng cao giá trị phải trình ra Hội đồng thẩm định giá, tiêu chí áp dụng thống nhất giá chuyển QSDĐ cho các lô đất rẻo ở những vị trí khi hợp thửa không làm tăng giá trị đất; xây dựng quy định giải quyết thủ tục hợp thửa đất rẻo phù hợp với trường hợp chỉ có 1 hộ dân liên quan trực tiếp và trường hợp có từ 2 hộ liên quan trực tiếp trở lên.

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung kết luận: Công tác quản lý đất rẻo hiện nay chưa tốt, Trung tâm PTQĐ chỉ biết có đất rẻo khi ở địa phương có công văn gửi đến. Công tác quản lý trật tự đô thị ở địa phương cũng không tốt mới xảy ra việc người dân lấn chiếm xây dựng trái phép trên đất rẻo, làm nảy sinh tranh chấp, thậm chí có tiêu cực liên quan đến cán bộ, công chức ở địa phương. Thủ tục hợp thửa với 8 bước và mất nhiều thời gian như vậy là quá rườm rà, quá phức tạp, không thuận lợi cho người dân có nhu cầu hợp thửa. Mặt khác, quy định về giá đất rẻo làm cho người dân chưa mặn mà với việc hợp thửa, làm ảnh hưởng nguồn thu cho ngân sách, cần phải có sự điều chỉnh hợp lý. UBND thành phố cần phân cấp rà soát, quản lý đất rẻo cho quận, huyện, không để 1m2 đất rẻo cũng phải báo cáo thành phố. Thường trực HĐND thành phố thống nhất với giải pháp quản lý đất rẻo và những việc cần phải làm của UBND thành phố từ nay đến cuối năm và giao Ban Kinh tế-Ngân sách tiếp tục theo dõi, giám sát.

Tập trung giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo

Kết luận nội dung giải trình về công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị (KNTCKN) của công dân, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung đánh giá cao công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư KNTCKN trên địa bàn thành phố có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được kết quả nhất định. Thường trực HĐND thành phố yêu cầu đến hết tháng 9-2016 phải giải quyết xong 36 trường hợp chưa có kết quả cuối cùng, trong đó có 5 trường hợp bức xúc nhất phải giải quyết xong trong tháng 8 và 7 trường hợp đã có kết quả giải quyết nhưng chưa đúng nội dung đơn kiến nghị, chưa đúng quy định. Giải quyết đơn thư KNTCKN phải lấy sự hài lòng của người dân để giải quyết đúng pháp luật, đúng thời gian quy định, không xem xét lại chủ trương chung của thành phố, chỉ xem xét các trường hợp đặc biệt là hộ chính sách, hộ đặc biệt nghèo. Trong trường hợp quy định pháp luật về lợi ích của Nhà nước và lợi ích của nhân dân ngang nhau thì ưu tiên giải quyết theo hướng có lợi cho người dân. Đối với vụ việc KNTCKN kéo dài gây bức xúc cho xã hội phải giải quyết dứt điểm để tạo sự đồng thuận của nhân dân.

Trước đó, theo giải trình của Chánh Văn phòng UBND thành phố Trần Đình Quỳnh, 6 tháng đầu năm 2016, các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước các cấp, các ngành và các cơ quan thanh tra trên địa bàn thành phố đã tiếp 5.573 lượt người. Kết quả số vụ việc thuộc thẩm quyền đã được giải quyết 53 đơn khiếu nại, đạt 76,8%;  8 vụ đơn tố cáo, đạt 88,8%. Qua giám sát, thành viên các Ban của HĐND thành phố đánh giá công tác giải quyết đơn thư KNTCKN còn trường hợp giải quyết chậm, chuyển đơn lòng vòng, việc áp dụng pháp luật trong một số trường hợp chưa đúng; có trường hợp 3 cơ quan tiếp nhận đơn giải quyết theo hướng khác nhau, không thống nhất, thiếu sự phối hợp chặt chẽ trong quan điểm giải quyết đơn thư; vẫn còn lãnh đạo và cán bộ trực tiếp thụ lý đơn chưa nắm chắc quy trình xử lý đơn thư theo quy định pháp luật.

Chưa yên tâm trong Chương trình “Thành phố 4 an”

Cùng ngày, Thường trực HĐND thành phố có phiên họp liên tịch thường kỳ với UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố. Tại đây, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Đăng Hải bày tỏ ủng hộ chủ trương xây dựng “Thành phố 4 an”. Thành phố đã và đang làm rất tốt an sinh xã hội trong vấn đề nhà ở, chăm lo gia đình chính sách nhưng hiện nay chưa yên về “3 an” còn lại, nhất là diễn biến tình hình an ninh trật tự rất phức tạp, trọng án đã xảy ra trên địa bàn như vụ giết tài xế xe ta-xi. So với nơi khác, an toàn giao thông ở Đà Nẵng khá tốt nhưng vẫn thấy tình trạng vượt đèn đỏ, chạy xe máy trên đường không đội mũ bảo hiểm và an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn chưa yên tâm.

Không cấp phép dự án ảnh hưởng quy hoạch hai bờ sông Hàn

Tại cuộc họp liên tịch, Trưởng Ban Đô thị Tô Văn Hùng đề nghị UBND thành phố không cấp phép thêm dự án nào ảnh hưởng đến quy hoạch hai bờ sông Hàn trong lúc thành phố chuẩn bị công bố thi tuyển rộng rãi trong nước và quốc tế về phương án quy hoạch cảnh quan hai bên bờ sông Hàn. Ban Đô thị đề nghị khi quy hoạch phân khu nên tách riêng hai khu vực bán đảo Sơn Trà và Bà Nà-Núi Chúa và nên có quy định quản lý riêng về kiến trúc đối với hai khu vực này. Tại cuộc họp thành viên các Ban của HĐND thành phố đề nghị chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 2, HĐND thành phố khóa IX cần chú ý các nội dung công tác quản lý du lịch, quy hoạch mạng lưới xăng dầu, chính sách trả nợ đất tái định cư, quản lý căn hộ chung cư do thành phố quản lý, quy hoạch mạng lưới trường học ở trung tâm thành phố...

S.TRUNG

;
.
.
.
.
.