Nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân là mục tiêu quan trọng hàng đầu của Đảng bộ và chính quyền huyện Hòa Vang trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM).
Khai thác hợp lý tiềm năng du lịch sinh thái và du lịch làng quê sẽ góp phần nâng cao chất lượng chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong ngành công nghiệp-dịch vụ của huyện Hòa Vang. TRONG ẢNH: Du khách nước ngoài tham quan làng quê xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang. Ảnh: ĐOÀN LƯƠNG |
Tăng thu nhập cho người dân
Qua 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện Hòa Vang diễn ra nhanh nhưng chất lượng chưa cao, thu nhập bình quân đầu người của người dân trên địa bàn huyện vẫn thấp hơn nhiều so với mức bình quân chung của thành phố Đà Nẵng và cả nước.
Ông Đặng Thương, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết: “Hiện nay, cơ cấu dịch vụ-công nghiệp của huyện chiếm 82%, nông nghiệp chỉ còn 18,1%; cơ cấu lao động nông nghiệp dưới 30%. Qua 5 năm triển khai xây dựng NTM, đã thực hiện nhiều chương trình, dự án phát triển sản xuất có hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện từ 15 triệu đồng/năm (năm 2010) lên 27,24 triệu đồng/năm (năm 2015), tăng 12,07%”. Tuy nhiên, khi so sánh với mức thu nhập bình quân đầu người của thành phố là 62,65 triệu đồng/năm (năm 2015) (tương đương 2.908 USD) thì khoảng cách vẫn còn khá lớn.
Để nâng cao thu nhập cho người dân trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thời gian qua, huyện Hòa Vang chú trọng triển khai các mô hình sản xuất, giúp các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Song song với việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, huyện đã kêu gọi và huy động các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, điển hình là có 35% diện tích trồng rau chuyển sang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, huyện ưu tiên chọn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông làm khâu đột phá trong xây dựng NTM để phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh.
Với tốc độ tăng trưởng tổng giá trị sản xuất bình quân đạt 10%/năm trong giai đoạn 2011-2015, có thể nhận thấy, tại huyện Hòa Vang, các ngành công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Ngành công nghiệp đã có sự đa dạng về chủng loại sản phẩm như may mặc, đồ mỹ nghệ, vật liệu xây dựng…, góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 10.000 lao động địa phương. Hệ thống kết cấu hạ tầng du lịch được đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh du lịch sinh thái. Trong đó, một số điểm du lịch lớn như Bà Nà Hills, Khu suối nước nóng Phước Nhơn, Hòa Phú Thành, Ngầm Đôi, Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài... góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện.
Chú trọng khai thác tiềm năng, thế mạnh
Để nâng cao chất lượng công nghiệp - dịch vụ, thời gian tới, huyện Hòa Vang sẽ đẩy mạnh đầu tư và khai thác có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế du lịch trên cơ sở kết nối hệ thống tuyến, điểm trên địa bàn huyện vào hệ thống tuyến, điểm du lịch toàn thành phố. Bên cạnh đó, tập trung đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ sản xuất linh kiện cho ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin.
Về định hướng phát triển huyện Hòa Vang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, TS Nguyễn Văn Hùng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng cho rằng, yêu cầu đặt ra là phải có quy hoạch sử dụng đất cho các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các khu du lịch, bảo tồn thiên nhiên, khu, cụm công nghiệp phụ trợ... Trong đó, chú trọng đến việc bảo tồn quỹ đất nhằm bảo đảm tính ổn định lâu dài về đất đai trong các vùng được quy hoạch. Có như vậy, nông dân, nhà đầu tư mới tin tưởng đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc quy hoạch các vùng đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện phải có quy mô phù hợp nhằm bảo đảm tính ổn định lâu dài, là cơ sở pháp lý quan trọng để tiến hành quy hoạch chi tiết và có kế hoạch đầu tư đúng mức.
ĐOÀN LƯƠNG