.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC:

Xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính

.

Chiều 26-7, với 485 đại biểu bỏ phiếu tán thành (chiếm 98,18% tổng số đại biểu Quốc hội), ông Nguyễn Xuân Phúc trúng cử chức vụ Thủ tướng Chính phủ theo kết quả bỏ phiếu kín tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức.     Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức. Ảnh: TTXVN

Căn cứ nội quy kỳ họp, ông Nguyễn Xuân Phúc đã trúng cử chức vụ Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2021.

Sau khi Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo Nghị quyết về việc bầu giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ. Với 482 đại biểu bấm nút tán thành (97,57% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết này.

Tại lễ nhậm chức Thủ tướng đã diễn ra trang trọng tại Hội trường Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, đồng bào và cử tri cả nước, tôi - Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, nỗ lực công tác tốt để hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó”.

Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trân trọng cảm ơn Quốc hội đã tín nhiệm bầu làm Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ khóa XIV. Nhận thức rõ trách nhiệm nặng nề trước Đảng, Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước, Thủ tướng khẳng định sẽ nỗ lực hết sức mình phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Đất nước đang đứng trước nhiều vận hội phát triển nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Việt Nam cần phát huy nội lực và tranh thủ ngoại lực, vì lợi ích quốc gia dân tộc, để phát triển nhanh và bền vững, xây dựng đất nước giàu mạnh, có vị trí ngày càng cao trên trường quốc tế.

Thủ tướng cho biết, nợ công cao, áp lực trả nợ lớn; xử lý nợ xấu chưa thực chất; dư địa chính sách và nguồn lực cho phát triển giai đoạn tới rất hạn hẹp. Chính phủ phải nỗ lực tinh giản bộ máy hành chính Nhà nước các cấp, đi đầu trong việc tiết kiệm công quỹ, sử dụng tài sản công, xe công, đi công tác nước ngoài... Cần phải có trách nhiệm đối với từng đồng tiền thuế của dân, phải sử dụng minh bạch, hiệu quả, vì lợi ích chung của người dân và của toàn xã hội.

Theo Thủ tướng, để phát triển nhanh và bền vững, phải tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả đầu tư. Muốn vậy, phải đẩy mạnh cải cách thể chế, chấn hưng giáo dục và khoa học công nghệ. Đặc biệt, phải bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển; quyết không vì phát triển mà hủy hoại môi trường...

Vụ Formosa là bài học sâu sắc

Nhắc lại bài học từ vụ Formosa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây là bài học sâu sắc về chính sách tiếp nhận và quản lý các dự án đầu tư nước ngoài. “Chúng ta quyết không để tái diễn. Phải rà soát lại những dự án lớn, kiểm soát chặt chẽ các cam kết về môi trường, về chuyển giao công nghệ”, Thủ tướng nói.

Cũng do chính sách tiếp nhận đầu tư nước ngoài chưa tốt và tình trạng các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động kém hiệu quả, cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp tư nhân có nhiều bất cập nên khu vực đầu tư nước ngoài phát triển mạnh trong khi khu vực trong nước còn yếu. Thời gian tới, phải cải thiện tình trạng này; tăng cường hợp tác liên kết hai khu vực trong một nền kinh tế quốc dân thống nhất. Phải tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; kiên quyết tháo gỡ những điểm nghẽn; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; phát triển mạnh doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa làm sao cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, thành công tại thị trường trong nước và cả quốc tế.

Thủ tướng cho rằng, với việc ban hành Bộ luật Hồng Đức từ thế kỷ thứ 15, Vua Lê Thánh Tông đã đặt nền móng cho việc hình thành hệ thống pháp luật ở nước ta từ rất sớm. Nhà vua nói: “Pháp luật là phép tắc chung của Nhà nước, ta và các ngươi phải cùng tuân theo”.

Năm 1919, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cũng đã viết: “Bảy xin Hiến pháp ban hành/Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Nguyên tắc này vẫn là thông điệp đúng đắn cho chúng ta hôm nay. Chính phủ quản lý xã hội bằng pháp luật, đồng thời Chính phủ cũng phải nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật. Phải đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá; kiên quyết xóa bỏ cơ chế xin - cho; thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình; quyết liệt phòng chống tham ô, lãng phí và nhũng nhiễu người dân. Khi có sai phạm, dù bất kể cấp nào cũng phải làm rõ trách nhiệm và xử phạt nghiêm minh.

Kiên quyết bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông

Trong bài phát biểu, Thủ tướng nhấn mạnh: Bác Hồ kính yêu đã dạy: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Chúng ta phải kiên quyết giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Kiên quyết bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông và kêu gọi các bên tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, không làm phức tạp thêm tình hình. Đồng thời, chúng ta phải tích cực, chủ động trong đối ngoại và hội nhập quốc tế; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội để tạo môi trường hòa bình và điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước.

Thủ tướng khẳng định: “Với cương vị là người đứng đầu Cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, tôi sẽ cùng tập thể Chính phủ kế thừa và phát huy những thành tựu của 30 năm đổi mới; tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi; khắc phục hạn chế, yếu kém; vượt qua khó khăn thách thức; nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân; cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới và tạo điều kiện để tiếp tục phát triển bền vững trong một tương lai xa hơn”.

Trình nhân sự Phó Chủ tịch nước, Chánh án TAND tối cao

Chiều 26-7, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Chủ tịch nước Trần Đại Quang trình bày các Tờ trình về việc giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch nước, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao.

Theo đó, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, người được bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch nước từ tháng 4 năm nay, được giới thiệu tiếp tục bầu giữ chức vụ này.

Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội xem xét bầu ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TAND tối cao, tiếp tục giữ chức vụ người đứng đầu ngành tòa án trong nhiệm kỳ mới.

Ông Lê Minh Trí, người được bầu giữ chức Viện trưởng Viện KSND tối cao từ tháng 4-2016, được giới thiệu tiếp tục đảm nhiệm chức vụ này.

Theo chương trình, kết quả bầu các chức vụ trên sẽ được công bố tại phiên họp sáng nay (27-7).

Nợ nhân dân Luật Biểu tình

Phát biểu tại hội trường Quốc hội về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016-2017 sáng 26-7, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, việc ban hành Luật Biểu tình nhằm triển khai thi hành Hiến pháp 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân là rất cần thiết. “Biểu tình cần được hiểu theo nghĩa rộng, đúng tinh thần Hiến pháp 2013 là tụ họp hòa bình, bao gồm tụ họp văn hóa - thể thao, du lịch, tụ họp để bày tỏ nhu cầu, chính kiến, nguyện vọng... Tính công khai và tập trung là 2 đặc trưng chủ yếu của quyền này. Ngoài ra không được xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, của xã hội và đất nước. Đây là quyền hiến định với quy định của Hiến pháp nên chúng ta phải làm luật để tạo hành lang cho nhân dân thực hiện quyền này, nhà nước thực hiện trách nhiệm quản lý. Chưa có luật là Nhà nước còn nợ nhân dân”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Theo ông Nghĩa, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trước đây từng nhấn mạnh rằng, chúng ta vẫn hạn chế quyền con người, trong đó có quyền biểu tình bằng văn bản dưới luật như hiện nay là trái với Hiến pháp. Vì vậy, đưa Luật Biểu tình vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội khóa XIII là đúng đắn, nhờ đó chúng ta nhận diện được nhiều vấn đề phức tạp của luật này để tập trung giải quyết.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị đưa dự án Luật Biểu tình vào kỳ họp thứ 4 năm 2017 và thông qua vào kỳ họp thứ 5 hoặc thứ 6 năm 2018. “Với trình độ lập pháp của Chính phủ và Quốc hội Việt Nam, với nhiều chuyên gia pháp lý, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để có thể trả món nợ này cho nhân dân. Cần phân biệt rõ những người lợi dụng biểu tình để chống phá nhà nước, gây mất an toàn, an ninh quốc gia với đa số những người yêu nước có trách nhiệm với xã hội thực hiện quyền hiến định của mình; cần có chính sách minh bạch nhất quán, xử lý kẻ xấu, bảo vệ công dân tốt trong việc quản lý biểu tình”, ông Nghĩa nêu quan điểm.

"Cần phải có trách nhiệm đối với từng đồng tiền thuế của dân, phải sử dụng minh bạch, hiệu quả, vì lợi ích chung của người dân và của toàn xã hội"

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

B.T tổng hợp

;
.
.
.
.
.