.
Thực hiện đề án giảm nghèo

Trao nguyện ước nho nhỏ cuối cùng

.

“Điều chúng em lo sợ nhất và ám ảnh nhất là chưa thể thực hiện được nguyện ước cho bệnh nhân ung thư thì họ đã ra đi…”, chàng trai Bùi Đức Mỹ (24 tuổi), Trưởng nhóm Nhịp đập yêu thương khi nhắc đến danh sách dài dằng dặc những nguyện ước cuối đời của các bệnh nhân ung thư mà nhóm ghi lại để thực hiện.

Gia đình em Huỳnh Tấn Hậu (ngồi) ở chương trình “Điều ước cho em”.                                                   Ảnh: Bình An
Gia đình em Huỳnh Tấn Hậu (ngồi) ở chương trình “Điều ước cho em”. Ảnh: Bình An

Để mơ ước không chỉ là ước mơ

Anh Bling Rọi người dân tộc Cơtu (ở xã A Tiêng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) bị ung thư hạch giai đoạn 4, muốn tặng vợ một đôi bông tai; già Loong 81 tuổi người Cơtu (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam), ung thư phổi giai đoạn cuối, muốn tặng vợ chiếc khăn choàng cổ; người lính già Trần Xuân Tùng, ung thư dạ dày giai đoạn cuối, mong một lần được tổ chức sinh nhật cho vợ,… Những nguyện ước cuối đời bên giường bệnh của bệnh nhân tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng được nhóm Nhịp đập yêu thương ghi tỉ mỉ, nắn nót từng chữ như sợ rơi mất điều gì quan trọng.

Nhiều bệnh nhân trong cơn dày vò đau đớn ngày đêm của bệnh tật dường như đã quên mất mình từng ước mơ điều gì đó cho đến khi được khơi gợi lại. Với các bạn trẻ này, những món quà tinh thần dù bình dị nhưng có thể giúp bù đắp những mất mát mà bệnh nhân và người nhà họ đang phải chịu đựng. Anh Mỹ nói: “Nụ cười của các bệnh nhân ung thư thường “chua” lắm. Thà không tiếp xúc, hỏi han thì thôi, chứ mình đã nói chuyện rồi mà không làm được sẽ rất dằn vặt. Do vậy, tới một thời điểm nào đó cảm thấy chín muồi thì nhóm sẽ thực hiện nguyện ước cho họ”.

Clip dài gần 5 phút “Chỉ có tình yêu thương xuất phát từ trái tim” trên trang Fanpage Nhịp đập yêu thương của nhóm khiến ai xem cũng ngậm ngùi. 4 phút 44 giây ghi lại trọn vẹn quá trình tổ chức nguyện ước cho ông Pơ Loong (80 tuổi), người dân tộc Cơtu, ung thư phổi giai đoạn cuối, muốn gửi tới bà Ri A – vợ mình, chiếc khăn choàng cổ. Điều ước được các bạn trẻ bí mật thực hiện với nến, hoa, bong bóng bay hình trái tim, đưa hai con người đã ở độ tuổi “gần đất xa trời”quay lại những năm tháng yêu thương mặn nồng. Người đàn bà nghèo nhỏ bé trong bộ quần áo thùng thình, răng rụng gần hết theo chân các bạn trẻ tiến về phía ông Pơ Loong với vòng hoa được kết trên đầu như những cô dâu trẻ. Đã có những giọt nước mắt tuôn rơi, những cái choàng vai, những nụ cười hạnh phúc khi chứng kiến cảnh ông Pơ Loong loạng choạng đứng lên khỏi xe lăn, tự tay choàng khăn cho vợ mình. Ông Pơ Loong đã ra đi sau khi chương trình chỉ diễn ra chừng một tuần và chiếc khăn trở thành kỷ vật cuối ông dành cho người vợ thương yêu.

Đáng nhớ nhất là lần tổ chức sinh nhật cho vợ bệnh nhân Trần Xuân Tùng (70 tuổi) tại nhà riêng ở quận Sơn Trà. 40 năm lấy nhau, nhưng thời gian ông ở bên vợ chẳng được bao lâu khi ông đi lính xa nhà biền biệt. Trở lại đời thường, ông từ Quảng Nam ra Đà Nẵng mưu sinh, còn vợ ở nhà với đàn con thơ. Đến tuổi nghỉ hưu, tưởng được an nhàn thì ông Tùng phát hiện ung thư dạ dày giai đoạn cuối.

Để tạo bất ngờ, các thành viên trong nhóm bàn với con ông lấy cớ tổ chức mừng sinh nhật cho cháu rồi đón bà Bảy - vợ ông Tùng từ Quảng Nam ra. Hôm ấy, khi bà vừa bước vào nhà đã thấy ông Tùng mặc vest chỉnh tề, ngân nga hát trong tiếng đệm ghi-ta. Cả gia đình vỡ òa hạnh phúc sau chuỗi ngày cùng ông chống chọi với bệnh tật. Về phía ông Tùng, nắm tay các bạn trẻ nhóm Nhịp đập yêu thương, ông run run bảo: “Nhắm mắt xuôi tay cũng an lòng”…

Nguyện ước không giới hạn…

Không chỉ thực hiện những nguyện ước cho bệnh nhân ung thư, nhóm Nhịp đập yêu thương còn khảo sát và gây quỹ từ thiện cho 11 trường hợp trẻ em khó khăn trên địa bàn thành phố và tỉnh Quảng Nam, bởi “nguyện ước thì không giới hạn và không có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau nào”.

Một đêm cuối tháng 5, tại một nhà hàng khu Đảo Xanh, hơn 200 con người trong khán phòng của chương trình “Điều ước cho em” như thắt lại theo từng bước chân của em Huỳnh Tấn Hậu (16 tuổi) - một trong 11 hoàn cảnh đáng thương, chập chững bước lên sân khấu. Cứ mỗi lần em nhăn mặt đau đớn, bà Phạm Thị Hường (51 tuổi, thôn Hà Giang, xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam)-mẹ Hậu, lại thốt lên: “Khéo té con ơi!”. Lo sợ như vậy bởi em Hậu mắc phải căn bệnh tan máu bẩm sinh, bất cứ va đập dù rất nhỏ nào cũng có nguy cơ vỡ mạch máu ngay tức khắc.

Người con trai đầu của bà Hường đã mất bởi căn bệnh quái ác này. Còn Hậu phát bệnh khi mới vừa tròn 5 tuổi. Từ đó đến nay, Hậu sống ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà, có khi vừa về đến nhà, ngay ngày hôm sau đã trở lại bệnh viện. Bất kể trời mưa bão hay đêm hôm khuya khoắc, hễ em bị đau là ba mẹ lại chở ra Bệnh viện Đà Nẵng và phải đi rất chậm, mất đến hơn hai tiếng đồng hồ.

Cả nhóm lấy lý do mời gia đình em đến xem ca nhạc để bí mật làm một chương trình dành riêng cho Hậu. Ngay trong đêm ấy, nhóm trao cho gia đình 5 triệu đồng và được một khán giả ủng hộ thêm 2,2 triệu đồng. Biết Hậu mê vẽ và vẽ rất có hồn, nhóm trưởng Bùi Đức Mỹ tặng em bộ dụng cụ vẽ của chính mình. Hậu nói: “Em sẽ vẽ ba mẹ đầu tiên” khi cầm trên tay bộ vẽ mà mình hằng mơ ước.

Bạn Nguyễn Thị Thương Thương, sinh viên năm 2, Trường Đại học Duy Tân, thành viên của nhóm, chia sẻ: “Có những lúc em nghẹn lại, không nói nên lời khi trò chuyện cùng ba mẹ Hậu. Những trường hợp như Hậu hay những bệnh nhân ung thư, họ chẳng mong sẽ khỏe mạnh bình thường trở lại, vì biết chẳng thể được, nên chỉ mong có nụ cười là vui lắm rồi. Nghe thương lắm…”.

Việc lên chương trình đối với nhóm Nhịp đập yêu thương bao giờ cũng rất công phu, nhưng chuyện “bể” kịch bản lại hoàn toàn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bởi sức khỏe của những bệnh nhân ung thư luôn phập phồng bất chợt. Duy chỉ có một điều chẳng bao giờ thay đổi xuyên suốt trong hoạt động của nhóm đó là: “Hãy luôn mang đến niềm vui cho những số phận không may”.

BÌNH AN

;
.
.
.
.
.