.

Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản: Thông tin phải đầy đủ, chính xác

.

Công việc điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản ở Đà Nẵng phải được triển khai tỉ mỉ, đầy đủ, trung thực và chính xác, bởi mục tiêu là đánh giá đúng thực trạng nông thôn, nông nghiệp và thủy sản của từng địa phương, làm cơ sở hoạch định chính sách và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội - an ninh - quốc phòng; đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới trong thời gian qua.

Tổ điều tra đang tiến hành điều tra một hộ ở xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang.           Ảnh: NGUYỄN CẦU
Tổ điều tra đang tiến hành điều tra một hộ ở xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang. Ảnh: NGUYỄN CẦU

Sau lễ ra quân ngày 1-7, cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản ở Đà Nẵng đang diễn ra rất khẩn trương để kịp kết thúc vào ngày 30-7 tới theo kế hoạch.

Tại địa bàn nông thôn Đà Nẵng, nơi có 33.761 nông hộ thuộc diện điều tra, đã được chia thành 200 địa bàn do hơn 300 điều tra viên đảm nhiệm. Mỗi điều tra viên chịu trách nhiệm một khu vực dân cư khoảng trên dưới 100 hộ. Những thông tin cần điều tra của từng hộ đã thể hiện rất chi tiết trong các biểu mẫu theo quy định. Cụ thể, có 8 nội dung chính cần thu thập bao gồm: hộ, nhân khẩu thực tế thường trú; lao động, nguồn thu và loại hộ; diện tích đất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản; diện tích trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản; máy móc, thiết bị chủ yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh; điều kiện sống và đồ dùng chủ yếu cho sinh hoạt của hộ; một số hoạt động khác liên quan đến sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; tình hình sử dụng một số sản phẩm tại hộ.

Điều khá thuận lợi trong điều tra lần này, các điều tra viên đa số là cán bộ thôn, tổ, vừa nắm rất chắc gia cảnh, sản xuất của từng hộ ở địa bàn mình phụ trách, vừa được tập huấn chu đáo; không ít điều tra viên tích lũy được kinh nghiệm từ các đợt điều tra trước.

Một ngày đầu tháng 7, theo chân các điều tra viên trên địa bàn huyện Hòa Vang, chúng tôi thấy các điều tra viên thực hiện công việc của mình rất tỉ mỉ và chính xác. Cùng đi với điều tra viên Nguyễn Hạnh, Trưởng thôn Túy Loan Đông 1, xã Hòa Phong, chịu trách nhiệm điều tra 178 hộ của thôn, có tổ trưởng tổ điều tra Trần Văn Nghinh, giám sát viên Nguyễn Thị Thúy Nga, chuyên viên của Cục Thống kê Đà Nẵng. Phải gần 30 phút trực tiếp phỏng vấn chủ hộ, Tổ điều tra mới thu thập đầy đủ thông tin của hộ ông Nguyễn Năng (ở thôn Túy Loan Đông 1). Nói về những điều cần lưu ý trong quá trình điều tra, ông Nguyễn Hạnh cho rằng, để thông tin thật sự chính xác, có khi điều tra viên phải cùng chủ hộ xác định một số nội dung cần thu thập. Nếu xác định không chính xác sẽ dẫn đến kết quả chỉ tương đối.

Khó khăn nhất trong quá trình điều tra mà các điều tra viên đã và đang gặp phải, đó là lực lượng tàu thuyền đánh bắt xa bờ, thường chủ hộ là chủ tàu và là thuyền trưởng nắm chắc mọi thông tin về tài sản cũng như hoạt động sản xuất của gia đình nhưng lại liên tục vắng nhà do hoạt động dài ngày trên biển. Để có thông tin xác thực, các điều tra viên phải chờ đợi, trong khi thời hạn cuối của đợt điều tra đã ấn định. Tương tự, tại các trang trại, không ít lần điều tra viên đến chỉ gặp người làm công, còn chủ trang trại là người có trách nhiệm cung cấp thông tin thì ở xa, hẹn, đi lại nhiều lần vẫn chưa gặp được.

Nói về các nội dung cơ bản của đợt điều tra lần này, ông Trần Văn Trung, Quyền Cục trưởng Cục Thống kê, Phó Ban chỉ đạo Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản thành phố cho rằng, các điều tra viên phải nắm và thể hiện thật chính xác thực trạng về nông thôn, bao gồm sự chuyển dịch cơ cấu hộ và lao động, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, vệ sinh môi trường, làng nghề, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở vật chất của địa phương, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với khu vực này. Đối với cư dân nông thôn, thông tin cần nắm nhất là điều kiện sống, khả năng tích lũy và huy động vốn, tiếp cận các nguồn tín dụng cho phát triển sản xuất, đào tạo nghề, nhu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế… Nhóm thông tin về sản xuất nông nghiệp, các nội dung chính cần thu thập là tư liệu sản xuất, các đơn vị tổ chức triển khai sản xuất, số lao động và hoạt động trợ giúp cho sản xuất…      

“Theo dõi mấy ngày đầu triển khai, việc điều tra đang diễn ra đúng kế hoạch. Nhờ nắm chắc tình hình dân cư, mức sống, điều kiện sản xuất của từng nông hộ, các điều tra viên đang phát huy trách nhiệm và khả năng của mình trong việc phỏng vấn thu thập thông tin. Với đà này, đến cuối tháng 7, Cục Thống kê thành phố sẽ có số liệu về nông thôn, nông nghiệp và thủy sản trên địa bàn đầy đủ và chính xác”, ông Trung cho biết.

NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.