.

"Trẻ hóa" đội ngũ cán bộ Mặt trận

.

Chức năng, nhiệm vụ cơ bản của Ủy ban MTTQ Việt Nam là tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Do đó, đòi hỏi đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp phải không ngừng kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực, phẩm chất, uy tín để hoàn thành tốt được công việc.

Trong những năm qua, đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp của thành phố Đà Nẵng đóng góp một phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố, nhất là việc vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước trong việc chỉnh trang đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng, thực hiện an sinh xã hội, tổ chức thành công các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Công tác tổ chức cán bộ Mặt trận các cấp ở thành phố Đà Nẵng luôn được cấp ủy quan tâm kiện toàn, tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ trong hệ thống ngày càng tăng. Đa số cán bộ Mặt trận hiện nay năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đáp ứng được yêu cầu công việc và nhiệm vụ được giao. Hằng năm, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ Mặt trận các cấp, nhất là Ban công tác Mặt trận ở các khu dân cư, từ đó nhiều cán bộ đã nhạy bén với cái mới, biết gắn công tác, phong trào với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Hiện nay, Cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố có 5 ban chuyên môn với 28 cán bộ, công chức, trong đó 23 người có trình độ đại học và trên đại học. Cán bộ, công chức Mặt trận các quận, huyện có 51 người, trong đó 42 người có trình độ đại học và trên đại học; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam các quận, huyện đều là Ủy viên Ban Thường vụ Quận, Huyện ủy. Cán bộ Mặt trận các phường, xã có 168 người (trong đó có 112 người không chuyên trách). 51 Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam các phường, xã là Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy phường, xã, 5 Chủ tịch là Đảng ủy viên. Đối với địa bàn dân cư, hiện nay thành phố có 1.244 trưởng ban công tác Mặt trận ở khu dân cư, đa số các trưởng ban công tác Mặt trận là những người có uy tín tại địa phương.

Tuy nhiên, so với yêu cầu nhiệm vụ mới thì đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp hiện nay còn mỏng và yếu. Việc tổ chức bộ máy và cán bộ Mặt trận còn nhiều vướng mắc về cơ chế, cách thức, phương thức phối hợp, đặc biệt về các điều kiện và chính sách đãi ngộ.

Hầu hết cán bộ làm công tác Mặt trận được đào tạo từ nhiều ngành nghề khác nhau, chưa có ai qua hệ thống trường lớp đào tạo nào về công tác Mặt trận (hiện nay chưa có trường đào tạo về công tác Mặt trận) dẫn đến một số cán bộ, công chức chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Cái khó hiện nay là Mặt trận cấp trên chủ yếu hướng dẫn, kiểm tra Mặt trận cấp dưới về nội dung và phương thức hoạt động, còn tổ chức bộ máy, cán bộ, đến kinh phí hoạt động lại do cấp ủy và chính quyền cùng cấp quyết định. Tại cơ sở, một số nơi chính quyền còn xem nhẹ vai trò của Mặt trận, kinh phí hoạt động của Mặt trận phụ thuộc vào chính quyền vì thế công tác phối hợp và giám sát chính quyền chưa thực sự mang lại hiệu quả.

Để khắc phục những hạn chế đó và đáp ứng được yêu cầu công tác Mặt trận trong tình hình mới, trong thời gian tới, cấp ủy cần tiếp tục quan tâm đến công tác kiện toàn tổ chức bộ máy Mặt trận theo hướng vừa trẻ hóa và phải có tính kế thừa, tránh tình trạng thiếu mà thừa cán bộ. Mặt trận các cấp cần quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ Mặt trận, đặc biệt là cán bộ cơ sở; cần kiến nghị sớm mở lớp đào tạo chuyên ngành về công tác Mặt trận…

THANH TUYỀN

;
.
.
.
.
.