Nghị định 86 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1-7-2016 lần đầu tiên đưa các loại xe tải nhỏ từ
3,5-7 tấn vào diện quản lý đầy đủ như những loại xe tải lớn là phải có phù hiệu “xe tải”, phải trang bị thiết bị giám sát hành trình...
Nhiều xe tải có tải trọng trên 7 tấn vẫn chưa mang phù hiệu “xe tải” (ảnh chụp ngày 7-6 trên đường Trần Hưng Đạo, quận Sơn Trà). Ảnh: THANH VÂN |
Hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô-tô là kinh doanh có điều kiện bởi có tính chất đặc thù và nhất là ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề an toàn giao thông. Tuy nhiên, lâu nay, công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực này chủ yếu tập trung vào các loại xe tải lớn có tải trọng từ 10 tấn trở lên, vô tình tạo những kẻ hở trong công tác quản lý vận tải hàng hóa.
Xe tải phải có phù hiệu “xe tải”
Giải thích nét mới này trong Nghị định 86, ông Bùi Thanh Thiện, Trưởng phòng Quản lý vận tải và phương tiện, Sở Giao thông vận tải (GTVT) thành phố Đà Nẵng cho biết, một trong những mục đích chính của Nghị định 86 là nâng cao hiệu lực quản lý hoạt động vận tải nhằm hướng đến bảo đảm an toàn giao thông. Lâu nay, hoạt động vận tải hàng hóa đối với xe tải tải trọng lớn (từ 10 tấn trở lên) luôn được “siết” rất chặt, nhưng với loại xe tải từ 3,5 tấn đến dưới 7 tấn khá lỏng lẻo. Vì vậy, từ ngày 1-1-2017, xe tải nhỏ phải mang phù hiệu “xe tải” nhằm tăng cường công tác quản lý đối với loại ô-tô nhỏ này.
Để có được phù hiệu “xe tải” (do Sở GTVT địa phương cấp), chủ phương tiện phải thực hiện đầy đủ các thủ tục như phải có giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy phép hoạt động vận tải, có phương án kinh doanh, có giấy chứng nhận kiểm định an toàn phương tiện... và phải trang bị thiết bị giám sát hành trình. Sau khi có đầy đủ các thủ tục này mới được Sở GTVT cấp phù hiệu “xe tải”, đến lúc này thì phương tiện mới đủ điều kiện hoạt động.
Cũng theo ông Thiện, để thuận lợi hơn trong việc cấp phù hiệu, trước khi đến Tổ một cửa của Sở GTVT tại Trung tâm Hành chính thành phố nộp hồ sơ, các doanh nghiệp, chủ phương tiện nên đăng nhập vào địa chỉ www.sgtvt.danang.gov.vn để có thông tin hướng dẫn chi tiết, cụ thể hơn.
Ngại vì thủ tục và thêm kinh phí
Trao đổi với chúng tôi về thông tin này, hầu hết các chủ phương tiện đều tỏ ra không vui vì bỗng dưng lại bị “quản” chặt như vậy. Nhiều chủ phương tiện cho rằng, hầu hết ô-tô có tải trọng từ 3,5 - 7 tấn đều thuộc sở hữu của hộ cá thể chứ không “biên chế” trong các doanh nghiệp hoặc hợp tác xã, chủ yếu vẫn là trang bị xe để chở hàng thuê dưới dạng “nghiệp dư”, ai gọi gì thì chở, với giá cả thỏa thuận và trả bằng tiền mặt. Ông N.V.B, chủ ô-tô tải nhỏ trên đường Ngô Quyền chia sẻ, gia đình ông sắm xe với mục đích chủ yếu chở cây kiểng nhà trồng từ địa bàn Hòa Vang về nhà và ngược lại để bán; ngoài ra, thỉnh thoảng ai gọi gì thì chở nấy, như vậy biết xây dựng phương án kinh doanh thế nào đây…
Gần 6 tháng nữa thì việc xử phạt xe tải từ 3,5 - 7 tấn không có phù hiệu “xe tải” và thiết bị giám sát hành trình sẽ có hiệu lực. Quỹ thời gian không còn nhiều, rất cần các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyên, phối hợp với chính quyền địa phương tạo điều kiện giúp chủ phương tiện hoàn thành các thủ tục theo yêu cầu của Nghị định 86. Đối với ô-tô có tải trọng từ 7 tấn đến dưới 10 tấn, theo Nghị định 86 thì trước ngày 1-7-2016 phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và mang phù hiệu “xe tải”. Thế nhưng, theo quan sát của chúng tôi, hiện nay còn nhiều xe tải có tải trọng từ 7 đến dưới 10 tấn không có phù hiệu “xe tải”.
THANH VÂN