.
VỤ "BỨC XÚC VÌ KHÔNG ĐƯỢC TÁCH THỬA, CHUYỂN NHƯỢNG ĐẤT"

Sớm điều chỉnh văn bản pháp quy lỗi thời

.

Không chỉ riêng các hộ dân ở xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang) bức xúc vì không được tách thửa, chuyển nhượng đất (bài viết “Bức xúc vì không được tách thửa, chuyển nhượng đất” - Báo Đà Nẵng số ra ngày 7-7-2016), trên địa bàn Đà Nẵng còn nhiều khu vực được chọn lập quy hoạch từ nhiều năm trước nhưng đến nay chưa công bố quy hoạch dự án, chưa phê duyệt sơ đồ ranh giới sử dụng đất nhưng lại không cho tách thửa, chuyển quyền sử dụng đất.

Tuyến đường vành đai phía tây mới được quy hoạch định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhưng người dân trong vùng quy hoạch không được tách thửa, chuyển nhượng đất 3 năm qua. Ảnh: NAM TRÂN
Tuyến đường vành đai phía tây mới được quy hoạch định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhưng người dân trong vùng quy hoạch không được tách thửa, chuyển nhượng đất 3 năm qua. Ảnh: NAM TRÂN

Ông Phan Đức Thắng (khu tái định cư làng cá Nại Hiên Đông) bức xúc: Tháng 12-2010, gia đình ông tìm hiểu để mua lô đất thổ cư rộng 460m2 của ông Ngô Bá Tín ở thôn Phú Hạ, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang (có đường bê-tông rộng 2,5m ở phía trước) thuộc thửa đất số 25, tờ bản đồ số 22 (toàn bộ thửa đất này được UBND huyện Hòa Vang cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào ngày 30-7-1996). Sau khi hỏi nhiều người quen ở xã Hòa Sơn, biết rằng khu vực nói trên không cấn quy hoạch, cũng chưa có công bố quy hoạch dự án nào nên gia đình ông đã đặt cọc một số tiền lớn, viết giấy chuyển nhượng và nộp hồ sơ đề nghị tách thửa đất.

Tuy nhiên, UBND huyện Hòa Vang trả lời rằng, tại Thông báo số 157/TB-UBND ngày 16-11-2010 của UBND thành phố, khu vực này đã được chọn địa điểm quy hoạch (quy hoạch sử dụng đất dọc tuyến đường tránh Nam Hải Vân đến Túy Loan theo phương án do Viện Quy hoạch xây dựng lập). Theo quy định tại khoản 3, Điều 18 của Quyết định số 19/2006/QĐ-UBND do UBND thành phố ban hành ngày 10-3-2006, các khu vực đã có chủ trương chọn địa điểm để lập quy hoạch xây dựng thì tạm dừng việc cho phép tách thửa đất, chuyển mục đích sử dụng đất...

“Từ đó đến nay, gia đình tôi đã dò hỏi nhiều lần vẫn không cho tách thửa đất mặc dù biết là chưa có quy hoạch cụ thể một dự án nào, thậm chí xin xây dựng một nhà tạm để ở cũng không được. Gia đình tôi tìm hiểu qua luật sư được biết, Quyết định số 19/2006/QĐ-UBND của UBND thành phố ban hành ngày 10-3-2006 hiện có một số điều không còn phù hợp, lỗi thời, hay nói khác hơn là trái với Luật Đất đai mới được ban hành vào năm 2013, cụ thể là vi phạm khoản 2 và khoản 3, Điều 49 của Luật Đất đai. Chúng tôi mong được các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho phép tách thửa và thực hiện các quyền sử dụng đất theo đúng quy định của Luật Đất đai”, ông Phan Đức Thắng cho biết.

Theo luật sư Đỗ Pháp, Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng, xét điều kiện xin tách thửa như trường hợp của ông Phan Đức Thắng nói trên so với các quy định tại Luật Đất đai, Điều 75 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành Luật Đất đai và Quyết định số 42/2014/QĐ-UBND của UBND thành phố Đà Nẵng về việc ban hành quy định quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (diện tích tách thửa tối thiểu tại xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang là 200m2/hộ) là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, hiện nay, Quyết định số 19/2006/QĐ-UBND của UBND thành phố ban hành ngày 10-3-2006 về quy định quản lý quy hoạch xây dựng trên địa bàn thành phố vẫn còn hiệu lực thi hành nên các cơ quan chức năng không thể tiến hành việc tách thửa cho ông Thắng nói riêng và người dân ở trong vùng chọn địa điểm quy hoạch nói chung.

Luật sư Đỗ Pháp phân tích: “Khu đất xin tách thửa ban đầu do nằm trong quy hoạch nên không cho tách thửa, nhưng sau thời hạn hơn 3 năm không thấy thực hiện bất kỳ dự án nào thì về nguyên tắc, người dân trong vùng quy hoạch nói chung, trường hợp ông Thắng nói riêng không bị hạn chế bất kỳ quyền gì đối với lô đất đã mua. Việc xin tách thửa là phù hợp với quy định pháp luật. Nếu xét khoản 2 và khoản 3, Điều 149 của Luật Đất đai thì có lợi cho người dân trong vùng quy hoạch. Nhưng xét về khoản 1 của điều luật này, UBND thành phố Đà Nẵng là cơ quan có thẩm quyền quyết định việc quy hoạch tại địa phương và điều chỉnh cho vấn đề này là toàn bộ nội dung Quyết định số 19/2006/QĐ-UBND của UBND thành phố Đà Nẵng như đã nêu”.

“Việc văn bản pháp luật do địa phương ban hành chưa thống nhất với tinh thần của bộ luật, luật… của Quốc hội ban hành không chỉ xảy ra đối với Đà Nẵng mà còn có ở rất nhiều địa phương khác. Đây là thực trạng chung nhưng người dân, cán bộ cấp dưới không thể làm gì khác ngoài việc chờ đợi thay đổi hoặc đi khiếu nại nội dung được cho là trái luật như trường hợp của ông Thắng”, luật sư Đỗ Pháp nhấn mạnh.

NAM TRÂN

;
.
.
.
.
.