.

Xử lý tình trạng nhiễu sóng ở đài truyền thanh không dây

.

ĐNĐT - Ngày 22-7, Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực 3 (gọi tắt là Trung tâm) có báo cáo gửi Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) thành phố Đà Nẵng lý giải về hiện tượng nhiễu sóng các đài truyền thanh không dây (TTKD).

Hiện tượng nhiễu sóng tại Đài Truyền thanh không dây phường Khuê Mỹ chỉ là can nhiễu sóng vô hại và bình thường. Ảnh: HOÀNG HÂN
Hiện tượng nhiễu sóng tại Đài Truyền thanh không dây phường Khuê Mỹ chỉ là can nhiễu sóng vô hại và bình thường. Ảnh: HOÀNG HÂN

Báo cáo nêu rõ: Trong thời gian qua, một số đài TTKD dọc bờ biển miền Trung xảy ra hiện tượng can nhiễu do các đài lạ, trong đó chủ yếu là các đài nói tiếng Trung Quốc. Hiện tượng này gây ra tâm lý không tốt đến người dân khi cho rằng các đài này bị Trung Quốc “chèn” sóng hoặc phá sóng. Thực tế, đây là hiện tượng can nhiễu thông thường và đã được cơ quan quản lý chuyên ngành xử lý.

Theo giải thích của các chuyên gia về quản lý tần số thuộc Trung tâm, do sóng vô tuyến điện lan truyền không có biên giới nên việc sóng phát thanh truyền hình của các nước truyền đến Việt Nam hoặc ngược lại là rất bình thường.

Về lý thuyết, sóng vô tuyến cực ngắn chỉ truyền được trong phạm vi nhìn thẳng. Tuy nhiên, khi sóng U/VHF lan truyền với cự ly xa do cường độ điện trường mạnh (công suất phát lớn) hoặc do biến động của môi trường truyền sóng có thể gây can nhiễu cho các đài phát cùng tần số ở nước khác.

Trong những năm qua, Trung tâm đã phối hợp với các sở TT&TT xử lý hàng chục vụ can nhiễu tương tự do các đài phát tiếng nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc) gây ra cho các đài làm việc ở băng tần 87-108 MHz như: Đài Truyền thanh huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi); các đài TTKD huyện Hòa Vang, quận Cẩm Lệ, tại các xã Hòa Ninh, Hòa Phú, Hòa Sơn, Hòa Châu (Đà Nẵng); các đài TTKD thị xã Hương Trà (Thừa Thiên - Huế); Đài Truyền thanh huyện Triệu Phong (Quảng Trị)…

Để giải quyết vấn đề can nhiễu nói trên, các chuyên gia quản lý tần số đã đưa ra các biện pháp khắc phục như sau: các đài bị nhiễu cần báo cáo kịp thời với cơ quan quản lý tình trạng can nhiễu để xác định nguyên nhân.

Hiện nay, các thiết bị TTKD ở băng tần 87-108 MHZ thường rất cũ nên cần nâng cấp thiết bị, phát mã nhận dạng để cụm thu thu đúng tín hiệu mong muốn.

Về lâu dài, các đài và các địa phương cần có kế hoạch chuyển đổi thiết bị sang băng tần quy hoạch cho TTKD ở 54-68 MHz. Các cơ quan quản lý cần thực hiện tốt chức năng thẩm định khi đầu tư các đài phát mới, quản lý tốt chất lượng thiết bị theo đúng tinh thần Chỉ thị số 03/CT-BTTTT ngày 3-8-2011 của Bộ TT&TT.

Cơ quan quản lý chuyên ngành khi có kháng nghị can nhiễu sẽ nhanh chóng vào cuộc, tìm nguyên nhân gây nhiễu. Trường hợp có can nhiễu mạnh và thường xuyên có thể thực hiện các giải pháp kỹ thuật, thay đổi tần số cấp phép, kháng nghị can nhiễu quốc tế với nước có đài gây nhiễu (trường hợp có đăng ký tần số quốc tế với ITU) hoặc thông qua cuộc họp phối hợp tần số vùng biên giữa 2 nước để giải quyết.

Hiện nay, đa số các nước trên thế giới (trong đó có Việt Nam và Trung Quốc) đều là thành viên của ITU nên các hoạt động về tần số vô tuyến điện của mỗi quốc gia đều phải tuân thủ các quy định của tổ chức này.  

Theo Đài Truyền thanh quận Ngũ Hành Sơn, sau khi tìm ra nguyên nhân và khắc phục tình trạng can nhiễu ở Đài TTKD phường Khuê Mỹ, Đài đã lắp đặt bộ mã hóa cho hệ thống cụm loa thu ở các phường trên địa bàn quận. Hiện Đài Truyền thanh quận Ngũ Hành Sơn vẫn hoạt động bình thường.

Về phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Hoàng Cẩm, Phó Giám đốc Sở TT&TT cho biết, trước mắt Sở sẽ phối hợp với Trung tâm hướng dẫn các đơn vị áp dụng các biện pháp kỹ thuật để khắc phục phần thu của thiết bị như nâng mức ngưỡng máy thu, điều chỉnh hướng anten thu phát, sử dụng công nghệ mã hóa các cụm thu…

Về lâu dài, thành phố sẽ tham khảo ý kiến chuyên gia để đầu tư một hệ thống thu/phát phù hợp với quy hoạch, có khả năng chống nhiễu cao.

HOÀNG HÂN

;
.
.
.
.
.