ĐNĐT - Theo TS, Kiến trúc sư Tô Văn Hùng, Trưởng ban Đô thị, HĐND thành phố Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Hội KTS thành phố, vấn đề di dời TTHC phải được đề cập một cách khoa học, tránh gây hoang mang cho người dân, làm suy giảm uy tín của thành phố.
TS, KTS Tô Văn Hùng |
Trả lời phỏng vấn Báo Đà Nẵng, TS, KTS Tô Hùng cho biết:
- Theo tôi đây là một việc rất quan trọng, có tầm chiến lược nên cần phải được đề cập một cách khoa học, tránh gây hoang mang cho người dân, làm suy giảm uy tín của thành phố, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình xúc tiến đầu tư và nỗ lực của cả hệ thống chính trị nhằm quyết tâm hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm 2016, mở đầu giai đoạn phát triển 5 năm 2016-2021.
Với chuyên môn trong lĩnh vực quy hoạch đô thị thì trước đây, khi chọn vị trí xây dựng TTHC nằm cạnh khuôn viên khu di tích thành Điện Hải, nơi gắn liền với danh tướng Nguyễn Tri Phương và các nghĩa sĩ hy sinh anh dũng trong trận đầu kháng Pháp tại Đà Nẵng, là hợp lý về mặt ý nghĩa chính trị, bởi TTHC là công trình kiến trúc quan trọng như vậy thường được lựa chọn tại nơi có ý nghĩa lịch sử, một “nơi chốn” đã ăn sâu vào tâm trí của người dân sẽ làm tăng thêm giá trị biểu tượng cho công trình.
Đồng thời, một TTHC nằm cạnh tòa nhà UBND cũ (42 Bạch Đằng), vốn là Tòa thị chính được xây vào thời kỳ Pháp thuộc, tạo nên tính kết nối về mặt không gian và thời gian, quá khứ hiện tại và tương lai. Công trình có tổng diện tích gần 65.000m2 phục vụ cho khoảng 1.500 cán bộ, công chức (CBCC) là hợp lý.
Tuy nhiên, giải pháp thiết kế công trình TTHC mang tính biểu cảm cao về mặt thẩm mỹ nhưng về mặt kỹ thuật, việc sử dụng vỏ bao che có diện tích lớn bằng chất liệu kính chưa thật sự phù hợp với địa phương nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới.
Về ý kiến cho rằng công trình không đảm bảo đủ oxy, ảnh hưởng đến sức khỏe của CBCC làm việc trong tòa nhà, tôi có thể khẳng định là không chính xác. Ngay sau khi tòa nhà đi vào hoạt động, trước các thông tin như vậy, thành phố đã mời chuyên gia đến từ Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng khảo sát và đo đạc và kiểm tra tất cả các thông số liên quan đến điều kiện tiện nghi làm việc cho từng tầng, từng phòng làm việc của tòa nhà.
Theo kết quả của báo cáo này, các tầng trên cao 30, 31 có nhiệt độ không ổn định do bức xạ lớn, một số vị trí có diện tích cửa cấp gió tươi giải nhiệt nhỏ hay việc bố trí các cửa cấp gió chưa hợp lý dẫn đến nhiệt độ bên trong khá cao, đặc biệt là các vị trí tại hướng tây tòa nhà hay một số vị trí có dàn nóng đặt trong nhà…
Cần phải nói thêm rằng, với môi trường làm việc trước đây, mỗi cơ quan làm việc trong mỗi trụ sở riêng biệt, CBCC có thể thường xuyên được tiếp xúc tự nhiên, ra vào cơ quan thoải mái. Khi chuyển sang một môi trường làm việc khép kín thì cảm giác sẽ khác hơn, nhất là trong thời gian đầu, mùi từ vật liệu xây dựng, mùi từ trang thiết bị nội thất cũng tạo nên một cảm giác “khó chịu”, cảm giác này cũng giống như khi chúng ta mới ở một ngôi nhà mới xây.
Theo tôi, giải pháp trước mắt đối với tòa nhà là cần áp dụng công nghệ xử lý bề mặt vỏ bao che phía tây nhằm giảm thiểu tối đa bức xạ mặt trời, để đảm bảo cấp gió tốt cần mở rộng thêm phần diện tích cửa lấy gió tự nhiên dưới dạng cửa hất, lắp đặt thêm quạt hút gió các tầng trên cao và các cửa lấy gió tươi cho các các phòng họp khi có mật độ sử dụng cao. Đối với một số tầng trên cao, có thể chuyển đổi công năng thành các kho lưu trữ.
Trung tâm Hành chính thành phố. Ảnh: ĐẶNG NỞ |
Liên quan đến việc ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm do lưu lượng người làm việc tại tòa TTHC quá lớn thì cần thiết phải nghiên cứu tổ chức lại lưu thông trên các tuyến đường phố tại khu vực, đảm bảo phân bố hợp lý về các hướng tiếp cận và giải tỏa phương tiện giao thông. Sắp đến, dự án tổ chức nút giao thông khác mức tại phía Tây cầu Sông Hàn khởi công đồng thời bổ sung dự án giao thông vượt sông Hàn được tổ chức thông qua cuộc thi tuyển quốc tế thì sẽ đảm bảo khắc phục cơ bản tình trạng ùn tắc hiện nay.
* Ý tưởng về công tác quy hoạch, thiết lập mới hoặc bổ sung quy hoạch các TTHC vệ tinh vẫn phải đặt ra trong quá trình phát triển đô thị Đà Nẵng. Ông nhận xét gì về ý tưởng này?
- Về lâu dài, việc nghĩ đến một TTHC mới cho thành phố Đà Nẵng trong tương lai là đều cần phải tính tới khi đô thị sẽ tiếp tục “phình to” cả về quy mô đất đai cũng như quy mô về dân số, gấp 2-3 lần hiện nay. Theo tôi được biết, Hội KTS Việt Nam đang tiếp tục nghiên cứu nhằm đánh giá toàn diện hiệu quả của các mô hình TTHC tập trung đã triển khai tại các tỉnh thành, từ đó mới có thể khẳng định mô hình nào hiệu quả. Mô hình nào là phù hợp.
Thành phố Đà Nẵng đang triển khai thực hiện điều chỉnh quy hoạch đến năm 2030 tầm nhìn 2050 do quá trình phát triển gần đây xuất hiện nhiều nhân tố mới, như đầu tư xây dựng Cảng Liên Chiểu, các dự án lớn đang được triển khai sẽ là nhân tố “tạo thị” mới (dự án Ga đường sắt mới, dự án Công viên Đại dương, dự án Công viên bách thú - bách thảo, mở rộng sân golf Bà Nà quy mô 600 ha…). Trong đó chú trọng mở rộng không gian đô thị về phía Tây thành phố, khớp nối hệ thống hạ tầng toàn khu vực, đặc biệt là việc tích hợp không gian ngầm và tổ chức hệ thống giao thông công cộng hiện đại.
Với mục đích mở rộng đô thị để giãn dân, hạn chế mật độ tập trung dân số quá cao tại khu vực trung tâm sẽ làm giảm chất lượng sống đô thị nhất là khả năng cung ứng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phúc lợi xã hội cho người dân khu vực nội thành là chủ trương đúng đắn, phù hợp với quy luật và định hướng phát triển của bất kỳ thành phố nào trên thế giới.
Và cũng có thể nói thêm rằng, trong tương lai hình thành thêm TTHC thứ hai, cùng với TTHC hiện nay để phục vụ nhu cầu cho người dân là hoàn toàn có thể khi thành phố có một tầm vóc mới của đô thị Đà Nẵng.
* Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!
Khắc phục tình trạng nóng tại Trung tâm Hành chính Tuy nhiên, cùng với các ưu điểm, sau gần hai năm đưa vào sử dụng, công trình đã xuất hiện một số hạn chế, chưa phù hợp so với các yêu cầu thực tế hoạt động công vụ và một số yêu cầu kỹ thuật. Tại một số vị trí của khối tháp có tình trạng nóng; một số phòng họp trong từng thời điểm nhất định xuất hiện việc thiếu dưỡng khí. Hiện nay, UBND thành phố đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan có phương án triển khai khắc phục tình trạng nóng và thiếu dưỡng khí. Việc quy hoạch xây dựng khu hành chính tập trung mới là ý tưởng ban đầu, tầm nhìn dài hạn, đang được giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất cho thật sự phù hợp với quá trình phát triển đô thị nhanh chóng của thành phố Đà Nẵng và phải bảo đảm tính hiệu quả, tiện lợi trên mọi phương diện. Đến nay, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng chưa có bất kỳ cuộc họp nào để thảo luận về vấn đề này. Triệu Tùng |
TRIỆU TÙNG thực hiện