.

Chủ tịch nước: Sẽ xử nghiêm mọi cá nhân, tổ chức liên quan đến sự cố Formosa

.

Cho rằng vụ Formosa là sự cố rất nghiêm trọng, là thảm họa để lại hậu quả trước mắt và lâu dài, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định các cá nhân, tổ chức có liên quan đến sự cố sẽ bị xử lý nghiêm.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định các cá nhân, tổ chức liên quan đến sự cố Formosa sẽ bị xử lý nghiêm
Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định các cá nhân, tổ chức liên quan đến sự cố Formosa sẽ bị xử lý nghiêm

Sáng nay 1/8, tổ đại biểu Quốc hội số 1 đã có cuộc tiếp xúc với các cử tri quận 1 (TPHCM) để báo cáo về những nội dung Quốc hội làm việc trong kỳ họp lần thứ nhất vừa kết thúc vào ngày 29/7.

Trong phần chất vấn, nhiều cử tri đã đặt câu hỏi liên quan đến sự cố xảy ra tại công ty Formosa (Hà Tĩnh) thời gian qua. Cử tri cũng đề cập đến trách nhiệm của ông Võ Kim Cự - nguyên Bí thư tỉnh Hà Tĩnh về việc cho Formosa thuê đất 70 năm.

Cử tri Lê Thanh Bình cho rằng phần trả lời báo chí của ông Võ Kim Cự là “hời hợt” và đề nghị cần làm rõ ai là người đã quyết định cho Formosa thuê đất tới 70 năm. “Ông Cự trả lời là Chính phủ, vậy Chính phủ là ai? Không lẽ tất cả các thành viên Chính phủ đều đồng ý?”, ông Bình đặt câu hỏi.

Trong khi đó, cử tri Nguyễn Đăng Cường cho rằng việc Formosa bồi thường nửa tỷ USD là quá thấp. “Dư luận cực kỳ bức xúc, thiệt hại của dân cực kỳ nhiều, nhưng bồi thường chỉ có nửa tỷ USD tôi cho là quá thấp. Tất cả những dự án thế này do ai duyệt, ai thông qua, cần phải làm rõ trách nhiệm”, ông Cường bức xúc.

Đồng quan điểm, cử tri Nguyễn Minh Hoan cũng băn khoăn về việc ông Võ Kim Cự khẳng định: “Cấp phép cho Formosa 70 năm là đúng”.

“Theo tôi, nếu ông Cự đúng thì đề nghị điều chỉnh Luật Đầu tư, vì luật này chỉ cho phép dự án nước ngoài tối đa 50 năm. Còn nếu ông Cự làm sai luật thì xử lý như thế nào?”, ông Hoan đặt câu hỏi.

Ngoài ra, nhiều cử tri cũng bày tỏ lo lắng đối với việc hệ thống thông tin ở 2 sân bay lớn nhất nước là Nội Bài và Tân Sơn Nhất vừa bị hacker tấn công. “Quốc hội phải lưu ý Bộ Công an tăng cường bảo vệ hệ thống thông tin để bảo vệ người dân, tránh để xảy ra những trường hợp nghiêm trọng hơn”, cử tri Nguyễn Thị Lệ nói.

Trong khi đó, cử tri Lương Minh Nguyệt đề nghị tăng cường quản lý an ninh mạng vì tình trạng người dân bị bán thông tin cá nhân đang xảy ra rất phổ biến.

Trả lời những chất vấn của cử tri, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh sự cố môi trường làm cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung là rất nghiêm trọng, là thảm họa để lại hậu quả trước mắt và lâu dài.

“Chúng ta đã xác định được nguyên nhân, phía nhà đầu tư cũng đã phải thừa nhận trách nhiệm, cam kết đền bù thiệt hại, khắc phục hậu quả, không để tái diễn các hành vi vi phạm và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân. Vừa rồi lại phát hiện họ chôn chất thải ở Hà Tĩnh và Đồng Nai. Những hành vi này cũng sẽ được thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm”, Chủ tịch nước nói.

Bên cạnh đó, Chủ tịch nước cũng khẳng định, những tổ chức, cá nhân phía Việt Nam liên quan đến vụ việc cũng phải bị kiểm điểm, đưa ra xử lý nghiêm minh và việc này đang được tiến hành.

“Cụ thể là ai chúng ta phải chờ kết luận của cơ quan chức năng trong thời gian ngắn nữa thôi. Hiện nay đã chỉ đạo kiểm điểm ở địa phương, bộ ngành với tinh thần bất kỳ ai, bất kỳ tổ chức, cá nhân nào vi phạm đều bị xử lý”, ông Trần Đại Quang khẳng định.

Về vụ hệ thống thông tin sân bay bị thâm nhập, Chủ tịch nước cho biết, sự phát triển của internet khiến chúng ta không thể lãnh đạo theo kiểu cũ nữa mà phải hội nhập, tận dụng công nghệ vào phát triển đất nước.

“Tuy nhiên, cũng không thể xem nhẹ những mặt trái của nó. Chiến tranh mạng là hình thái chiến tranh mới, nếu để xảy ra sẽ để lại hậu quả khôn lường. Ngồi ở đông bán cầu, chỉ cần di chuột thôi cũng có thể làm cho tây bán cầu rung chuyển. Tin tặc, tội phạm mạng gây nhiều thiệt hại cho các doanh nghiệp, tổ chức”, Chủ tịch nước nêu quan điểm.

Theo Quốc Anh (Dân trí)

;
.
.
.
.
.