Báo Đà Nẵng tiếp tục đăng các ý kiến khác nhau chung quanh thông tin Công an thành phố Đà Nẵng sẽ tham mưu UBND thành phố có lệnh cấm các nhà hàng, quán ăn bán rượu, bia sau 22 giờ và đề xuất các biện pháp xử lý phù hợp với địa phương.
Ông Trịnh Bằng Có, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng: Khó khả thi
Việc cấm bán rượu, bia sau 22 giờ chắc chắn không làm được, vì quy định chỉ cấm người bán chứ không cấm người uống. Nếu khách mua trước 22 giờ rồi để đó ngồi uống đến 24 giờ thì sao? Lúc đó, chẳng lẽ không cho khách uống nữa. Cả Đà Nẵng có hàng ngàn quán nhậu, nhà hàng lớn nhỏ, nếu cấm giờ đó phải đi kiểm tra, xử phạt các nhà hàng đó thì liệu có thể kiểm tra, kiểm soát được hết không? Rồi còn tình trạng lén lút bán khi khách có nhu cầu. Chúng ta không nên vội vàng đưa ra quy định như vậy mà nên đưa về các tổ chức đoàn thể, khu dân cư… tuyên truyền, vận động người dân nhận thức đúng đắn về sử dụng bia, rượu. Khi nhận thức của người dân được nâng cao thì những quy định này mới có thể đi vào thực tế.
Ông Đoàn Hải Đăng, Giám đốc Công ty Vietravel, Chi nhánh Đà Nẵng: Điều cần thiết là bảo đảm an ninh trật tự
Nếu ra quy định cấm như vậy chỉ có tác dụng với những quán bán đồ nhậu, nhà hàng bình dân chứ những nhà hàng 4-5 sao sang trọng thì làm sao cấm; và có cấm hết được các bar, pub đang hoạt động như hiện nay? Quy định này sẽ không ảnh hưởng đến khách du lịch vì nếu họ đã thích thì đâu cần phải ra quán mới nhậu, mới uống bia được. Họ có thể mua về ngồi uống ngay tại sảnh khách sạn hay vỉa hè để uống bởi cấm người bán chứ đâu cấm người uống.
Mới đây tại Hội nghị du lịch toàn quốc về du lịch, chúng ta đang loay hoay vì khách không biết làm gì sau 22 giờ, và 70% khách đến Việt Nam không muốn quay trở lại, cái cần làm là chúng ta phải bảo đảm được an ninh trật tự, môi trường du lịch, không để các tình trạng gây lộn, đánh nhau… chứ nếu ban hành quy định cấm sẽ rất khó để thực hiện và cấm như thế khác gì mình đang đi lùi so với thế giới!
Chủ quán nhậu L. (đường Trần Hưng Đạo, quận Sơn Trà): Sẽ gây bất tiện cho khách
Nếu 9 giờ tối khách mới ghé đến quán hoặc khách đang nhậu mà thông báo không bán nữa thì khách sẽ không hài lòng và chắc chắn sẽ không quay trở lại lần thứ hai, đấy là chưa kể nếu khách đang ăn uống, có nhu cầu gọi thêm đồ mà từ chối sẽ gây bất tiện và phiền hà cho khách. Như vậy sẽ ảnh hưởng đến việc buôn bán kinh doanh của rất nhiều hộ buôn bán nhỏ lẻ, bình dân như chúng tôi. Nếu cấm chỗ này mà không cấm được những chỗ khác thì sẽ không công bằng. Quan trọng là ý thức của người uống rượu, bia và cách họ tuân thủ, thực hiện các quy định của pháp luật chứ nếu áp dụng quy định cấm như thế này sẽ khó thực hiện.
Anh Vũ Minh Tuấn, du khách đến từ Lai Châu: Nên tăng thuế rượu, bia thay vì cấm bán
Thay vì cấm bán thì nên tăng thuế rượu, bia cao hơn nữa và tăng hình phạt, xử lý thật nghiêm đối với những người sử dụng phương tiện tham gia giao thông sau khi uống rượu, bia và nồng độ cồn vượt quá quy định. Nếu làm tốt hai vấn đề này thì sẽ hiệu quả, lại tránh được những thất thu trong lĩnh vực du lịch. Đà Nẵng cũng nên có những phố mua sắm, ẩm thực về đêm như một số thành phố du lịch trên thế giới, khi đó sẽ dễ quản lý hơn là quy định cấm bán.
Anh Đinh Viết Văn Hải, Đào tạo viên VTOS: Cấm hay không cấm, không quan trọng
Việc cấm bán rượu, bia sau mấy giờ không quan trọng vì đa số người dân và du khách đều đã ý thức được việc uống rượu, bia là không có lợi và không hoàn toàn tốt cho sức khỏe. Đây chỉ là một hình thức xã giao, cụng ly cho vui trong bàn tiệc, tiếp đãi khách. Còn với khách đi du lịch khi đa phần với tâm thế đi để biết, để thưởng thức văn hóa, ẩm thực nên đa phần đã có ý thức thì rất ít người uống cho say.
THU HÀ ghi