.

Đoàn kết, chung sức hành động, cùng phát triển bền vững

.

Tiếp tục các hoạt động trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Singapore, ngày 30-8, Chủ tịch nước Trần Đại Quang có bài phát biểu tại Đối thoại Singapore (Singapore Lecture) thứ 38 do Viện Yusof Ishak - Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) tổ chức. Chủ tịch nước Trần Đại Quang là nhà lãnh đạo đầu tiên của Việt Nam tham dự và phát biểu tại Đối thoại Singapore. Bài phát biểu của Chủ tịch nước mang chủ đề “Đoàn kết, chung sức hành động, cùng phát triển bền vững”.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang dự và phát biểu tại Diễn đàn Singapore Lecture 38 do Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) tổ chức.Ảnh: TTXVN
Chủ tịch nước Trần Đại Quang dự và phát biểu tại Diễn đàn Singapore Lecture 38 do Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) tổ chức.Ảnh: TTXVN

Trong bài phát biểu, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhận định, bên cạnh thời cơ và thuận lợi, thế giới cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức gay gắt; trong đó, xung đột vũ trang, tranh chấp tài nguyên, chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo, khủng bố quốc tế tiếp tục gia tăng với quy mô, tần suất, tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn. Các nguy cơ an ninh phi truyền thống, nhất là chiến tranh mạng, làn sóng di cư, an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu... có mức độ tàn phá rất lớn về con người, của cải hơn bất kỳ cuộc xung đột vũ trang nào và không một quốc gia đơn lẻ nào đủ sức giải quyết triệt để. Tính nghiêm trọng của các thách thức này rất đáng lo ngại khi tư duy đề cao sức mạnh, coi sử dụng vũ lực như một giải pháp, vẫn còn tồn tại.

Châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á, tiếp tục là một trung tâm phát triển năng động, có vị trí địa-chiến lược, kinh tế, chính trị ngày càng quan trọng trên thế giới. Biển Đông nằm trong lòng khu vực Đông Nam Á, đem lại nhiều lợi ích quan trọng không chỉ cho các quốc gia trong khu vực mà còn là tuyến giao thông hàng hải, hàng không huyết mạch của thế giới. Cả khu vực đang nỗ lực vươn lên, thúc đẩy các sáng kiến liên kết, hợp tác về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục...

Tuy nhiên, những diễn biến đáng quan ngại gần đây trong khu vực và trên Biển Đông, đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường an ninh khu vực, nhất là tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không, có nguy cơ làm xói mòn lòng tin, ảnh hưởng đến tiến trình hợp tác khu vực. Nếu để xảy ra mất ổn định, nhất là xung đột vũ trang thì không có người thắng, người thua, mà tất cả cùng thua.

Để phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò của mình trong việc duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác, vững vàng trước những khó khăn, thách thức, ASEAN cần đẩy mạnh thực hiện bốn nội dung then chốt gọi tắt là CIROP: (i) Tăng cường gắn kết về chính trị, tập trung thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin và các chuẩn mực ứng xử chung; (ii) Đẩy mạnh liên kết về kinh tế, văn hóa-xã hội, khai thác thế mạnh kinh tế, kết hợp hài hòa bản sắc văn hóa của mỗi quốc gia, tạo nên sức mạnh của Cộng đồng; (iii) Đề cao trách nhiệm, ý thức cùng chung vận mệnh, trong đó coi trọng thực hiện các nguyên tắc nền tảng của ASEAN, lấy đoàn kết và đồng thuận là giá trị đặc trưng mà các quốc gia thành viên cần tôn trọng, giữ gìn; (iv) Cùng hướng tới người dân, hình thành các cơ chế để người dân các nước ASEAN tham gia vào quá trình hoạch định, giám sát và thực thi chính sách, lấy phục vụ người dân là mục tiêu tối thượng trong việc xây dựng và phát triển Cộng đồng.

Trong quan hệ đối ngoại, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định Việt Nam luôn thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Theo đó, Việt Nam chú trọng phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị, truyền thống với các nước láng giềng, thúc đẩy quan hệ hợp tác với đối tác lớn, đối tác quan trọng, nâng cao hiệu quả hội nhập, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế.

Trong vấn đề Biển Đông, chủ trương nhất quán của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình thông qua các tiến trình chính trị, ngoại giao, pháp lý, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), yêu cầu các bên liên quan nghiêm chỉnh thực hiện Tuyên bố về Ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) và đàm phán thực chất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Chủ tịch nước nhấn mạnh, trong các vấn đề khu vực và quốc tế, Việt Nam và Singapore cùng có lợi ích rất căn bản trong việc xây dựng ASEAN vững mạnh và hệ thống đối tác tin cậy, duy trì một trật tự quốc tế hòa bình, ổn định, tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế. Việt Nam mong muốn cùng Singapore thúc đẩy, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước trên các lĩnh vực, trọng tâm là kinh tế, thương mại, đầu tư, quốc phòng, an ninh, hợp tác trên biển, trên các diễn đàn khu vực và quốc tế. Mục tiêu của quan hệ đối tác chiến lược hai nước chúng ta không gì khác là Singapore thịnh vượng, Việt Nam phát triển bền vững, qua đó góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN phồn thịnh, hòa bình, an ninh và phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương.

B.T theo Vietnamplus.vn

;
.
.
.
.
.