Chính trị - Xã hội
Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư
Sau khi tổ chức học tập, quán triệt các nghị quyết Đại hội Đảng, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã cụ thể hóa nghị quyết thành các chương trình hành động thực hiện của đơn vị mình. Phóng viên Báo Đà Nẵng trao đổi với Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Văn Sơn (ảnh) về những kết quả thực hiện cải cách môi trường đầu tư trên địa bàn thành phố thời gian qua cũng như định hướng trong thời gian tới.
* Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về thu hút đầu tư trên địa bàn thành phố, ông có thể cho biết cụ thể tình hình thu hút đầu tư trong thời gian qua?
- Trên cơ sở các nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố đề ra, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong toàn Đảng bộ và quần chúng trong đơn vị về kết quả của Đại hội, đồng thời cụ thể hóa thành các kế hoạch, các chương trình hành động cụ thể phù hợp với các điều kiện, nguồn lực và tình hình thực tế của đơn vị. Tính đến ngày 30-6-2016, thành phố đã thu hút được 250 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư gần 80.000 tỷ đồng và 410 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 3,673 tỷ USD.
Trong đó, tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giai đoạn 2010-2015 giảm nhiều so với giai đoạn 2006-2009. Tổng vốn FDI cấp mới và tăng thêm giai đoạn 2011-2015 chỉ hơn 50% so với giai đoạn trước từ năm 2006- 2010 (tổng vốn cấp mới và tăng thêm giai đoạn 2006-2010 đạt hơn 2,4 tỷ USD).
Thời gian qua, thành phố đã đón và làm việc với 9 đoàn nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào nhiều lĩnh vực với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 500 triệu USD. Các dự án này đều được đánh giá là khả thi, do đó trong thời gian đến hy vọng kết quả thu hút FDI vào thành phố sẽ có những chuyển biến đáng kể.
* Sở Kế hoạch-Đầu tư đã cụ thể hóa nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh như thế nào, thưa ông?
- Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND thành phố có Quyết định số 3959/QĐ-UBND ngày 20-6-2016 ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP của Chính phủ “về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”.
Theo đó, tập trung cải thiện 10 chỉ tiêu về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nhóm các nước ASEAN. Kế hoạch đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành xây dựng kế hoạch tại đơn vị mình và khẩn trương triển khai thực hiện. Đồng thời, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ “về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020” và trình UBND thành phố ban hành trong thời gian tới.
Sở cũng đã xây dựng mô hình chính quyền điện tử nhằm công khai, minh bạch thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp được tiếp cận các tài liệu kế hoạch cấp thành phố như bản đồ quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch đầu tư, mua sắm công và phát huy vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp trong công tác xây dựng và phản biện chính sách.
Trong thời gian tới, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ thường xuyên tiếp nhận và trực tiếp xử lý các ý kiến, kiến nghị về vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp, các hội, hiệp hội doanh nghiệp, hoặc chuyển đến các sở, ngành, UBND quận, huyện liên quan để xử lý trước ngày 12 hằng tháng, tổng hợp báo cáo UBND thành phố trước ngày 22 hằng tháng.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, triển khai mạnh mẽ công tác đăng ký hồ sơ qua mạng điện tử để giúp doanh nghiệp tiếp cận và gia nhập thị trường một cách nhanh nhất; rút ngắn thời gian giải quyết và rút ngắn số lần đi lại để tìm hiểu thủ tục của doanh nghiệp. Thực hiện cơ chế liên kết trong việc giải quyết thủ tục hành chính về cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện giữa các sở, ban, ngành nhằm tránh tình trạng doanh nghiệp không biết các thủ tục phải thực hiện trước khi triển khai hoạt động kinh doanh.
Tiếp tục áp dụng mô hình đánh giá kết quả làm việc của công chức tham mưu, thi hành công vụ, trưởng, phó phòng chuyên môn và cấp phó người đứng đầu các cơ quan hành chính; chuẩn mực “5 xây” (trách nhiệm, chuyên nghiệp, trung thực, kỷ cương, gương mẫu) và “3 chống” (quan liêu, tiêu cực, bệnh hình thức) nhằm tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu xây dựng thành phố trong tình hình mới.
- Cám ơn ông!
Thành Lân thực hiện