6 tháng đầu năm 2016, dù các cơ quan chức năng thực hiện nhiều giải pháp, song trên các tuyến đường du lịch cấm hàng rong, hoạt động buôn bán này vẫn diễn ra theo chiều hướng… tăng!
Hàng rong tụ tập trước các nhà hàng đông khách du lịch lui tới. Trong ảnh: Bày bán hàng rong trước nhà hàng C.N khu biệt thự Đảo Xanh. Ảnh: HÀ THU |
Khổ vì hàng rong
Trên các tuyến đường du lịch, dù có biển cấm hàng rong, song hoạt động này vẫn tái diễn gây không ít phiền hà cho người dân và du khách. Chị Nguyệt Thu (trú phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) cho hay, cuối tuần, chị thường cùng vài người bạn đến quán L. (đường Trần Hưng Đạo, phường An Hải Tây), nhưng ngồi chừng 2 giờ đồng hồ mà lắc đầu từ chối trên 10 lần trước đủ lời mời chào từ kẹo kéo, vé số, nem chả, trái cây... “Hiện nay, còn có thêm chiêu trò mấy bạn trẻ khoác trên mình những con thú bông, thấy bàn nào có trẻ con là đến bắt tay và mời mua kẹo. Thấy tụi nhỏ thích thú, phụ huynh cũng khó từ chối. Vậy là mất 15.000 đồng cho cái kẹo bé tí, cầm chơi rồi vứt chứ có ăn chi được”, chị Nguyệt Thu nói.
Tại một số hàng, quán dừng chân của khách đoàn, đối tượng bán hàng rong hoạt động càng mạnh như: nhà hàng P.B (đường Nguyễn Tất Thành, đoạn hướng về cầu Thuận Phước), nhà hàng C.N (khu biệt thự Đảo Xanh), siêu thị đặc sản miền Trung (đường Nguyễn Tất Thành)…
Ngoài ra, ở bất kỳ địa điểm nào tập trung đông du khách cũng đồng thời có bóng dáng hàng rong và không khó bắt gặp những chiếc xe đẩy, xe máy hàng rong dựng ngay dưới lòng đường, gây mất trật tự và an toàn giao thông. Chiều 29-7, theo chân những người bán đồ lưu niệm, kính mát, chúng tôi chứng kiến 2 người phụ nữ mời chào khách ngay trên đường Hà Bổng, dù lực lượng quy tắc đô thị ngồi trong quán nước cách đó không xa.
Bao giờ mới dứt?
“Các tuyến đường du lịch, nhất là Hà Bổng, Hà Chương, Hồ Nghinh được xem là đường của những khách sạn nên khách du lịch đông, kéo theo hoạt động hàng rong rầm rộ. Giữ xe thì chúng tôi giữ rồi, phạt cũng phạt rồi. Nhưng tốp này đi, tốp khác lại đến, dân tứ xứ, đâu dễ xử lý! Hơn nữa, nhiều đối tượng hàng rong có hành vi chống đối quyết liệt, gây ảnh hưởng đến tâm lý của lực lượng thi hành công vụ. Vì chưa có giải pháp đồng bộ, chế tài chưa đủ răn đe nên hơn một năm qua, công tác xử lý hàng rong cứ luẩn quẩn”, ông Huỳnh Văn Bảy, Đội trưởng Đội kiểm tra quy tắc đô thị quận Sơn Trà phân trần.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao Đà Nẵng cho rằng, chủ trương của thành phố là không cấm bán hàng rong, chỉ cấm hàng rong trên các tuyến đường đã đặt biển báo. Đối với những tuyến đường không cấm, thành phố vẫn tạo điều kiện cho người dân mưu sinh, hướng dẫn họ không vi phạm trật tự vỉa hè và an toàn giao thông; đối với các tuyến đường cấm, phải quyết liệt xử lý vì buông lỏng là lập tức tái diễn.
Cũng theo ông Chiến, trên cơ sở ý kiến của các địa phương, Sở Văn hóa – Thể thao kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thống nhất một thời điểm đồng loạt kiểm tra tạm trú, tạm vắng trên địa bàn thành phố để lập danh sách, phân loại và quản lý nghề nghiệp. Dựa vào đó, địa phương nắm danh sách những người bán hàng rong để thuận tiện quản lý và có hướng tuyên truyền giúp họ buôn bán đúng nơi quy định hoặc chuyển đổi ngành nghề.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa – Thể thao, 6 tháng đầu năm 2016, các lực lượng chức năng nhắc nhở, đẩy đuổi 1.806 trường hợp vi phạm bán hàng rong, đeo bám, chèo kéo khách du lịch; xử phạt 85 trường hợp với tổng số tiền 22,6 triệu đồng (tăng gấp 3 lần số vụ, tăng 5,2 lần số tiền xử phạt so với cùng kỳ 2014); vận động 43 trường hợp về nơi cư trú. |
HÀ THU