Phát biểu khai mạc phiên họp thứ hai Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tại Nhà Quốc hội sáng 15-8, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, phiên họp diễn ra từ ngày 15 đến 17-8, tập trung một số nội dung.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp. Ảnh: TTXVN |
Thứ nhất, đánh giá kết quả bước đầu việc tổ chức kỳ họp thứ nhất và cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa XIV. Thứ hai, nghe báo cáo và cho ý kiến về hai dự án luật để chuẩn bị trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai - dự án Luật Cảnh vệ và dự án Luật Công an xã. Thứ ba, cho ý kiến về hai tờ trình của Chính phủ liên quan đến điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 và việc sử dụng vốn, trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012-2015 của Dự án hồ Tả Trạch cho hợp phần bồi thường và di dân tái định cư.
Tại phiên họp buổi sáng, các đại biểu nhất trí với tờ trình và báo cáo thẩm tra, cho rằng Pháp lệnh Cảnh vệ được ban hành năm 2005 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để lực lượng Cảnh vệ thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần phục vụ sự nghiệp bảo vệ Đảng, Nhà nước cũng như công tác bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Các đại biểu cho rằng, xây dựng Luật Cảnh vệ để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 là cần thiết, vừa bảo đảm hoạt động giữ gìn an ninh trật tự của lực lượng cảnh vệ thuận lợi, vừa bảo đảm quyền con người, quyền công dân được thực hiện theo đúng quy định của Hiến pháp năm 2013.
Nhiều ý kiến nhấn mạnh việc xây dựng dự án Luật phải được tiến hành trên cơ sở tổng kết thực tiễn trong những năm qua; kế thừa các quy định còn phù hợp, khắc phục những tồn tại, bất cập, hạn chế, đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng Cảnh vệ chính quy, tinh nhuệ, hiện đại trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo; đồng thời tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, tương xứng hơn cho công tác cảnh vệ; bảo đảm pháp luật cảnh vệ có sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Nhiều ý kiến tại phiên họp cho rằng, không nhất thiết mở rộng đối tượng cảnh vệ như trong dự thảo xuất phát từ thực tiễn hoạt động cảnh vệ thời gian qua. Một số ý kiến đề nghị bổ sung nội dung quy định về hợp tác quốc tế trong công tác cảnh vệ; việc giám sát đối với hoạt động của lực lượng cảnh vệ; bổ sung nội dung quy định cảnh vệ nước ngoài vào Việt Nam và cảnh vệ Việt Nam ra nước ngoài thực hiện nhiệm vụ cảnh vệ; rà soát lại các biện pháp nghiệp vụ cho phù hợp với từng đối tượng cảnh vệ.
Liên quan đến việc sử dụng vũ khí, có ý kiến cho rằng, việc quy định các trường hợp nổ súng của lực lượng cảnh vệ là cần thiết. Ngoài việc thực hiện các quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Luật Cảnh vệ cần quy định cụ thể những trường hợp nổ súng của lực lượng cảnh vệ để chủ động trong các tình huống vì yêu cầu phải bảo vệ tuyệt đối, an toàn đối tượng cảnh vệ, đồng thời tránh lạm dụng.
Ngoài ra, các đại biểu cũng tập trung thảo luận những vấn đề còn có ý kiến khác nhau liên quan đến đối tượng cảnh vệ, lực lượng cảnh vệ; chế độ, chính sách đặc thù đối với lực lượng cảnh vệ; trách nhiệm, sự phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ giữa cảnh vệ của lực lượng công an và cảnh vệ của lực lượng quân đội…
Chiều 15-8, UBTVQH nghe báo cáo và thảo luận về dự án Luật Công an xã. Theo đó, Luật Công an xã sẽ tạo cơ sở pháp lý mới đầy đủ, tương xứng hơn trong tổ chức, hoạt động, chế độ, chính sách và bảo đảm điều kiện hoạt động đối với công an xã; đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội, góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật ở cơ sở. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, nếu quy định theo dự thảo thì nhiệm vụ đặt lên vai của công an xã rất nặng nề. Vì vậy, nên rà soát lại để bảo đảm cho lực lượng công an xã hoạt động hiệu quả, đúng nghĩa là lực lượng vũ trang bán chuyên trách.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, dự thảo luật cần cụ thể hóa hơn nữa, bảo đảm tính chặt chẽ và khả thi cao hơn.
TTXVN, chinhphu.vn