Chính trị - Xã hội

Không vì lợi ích kinh tế mà đánh đổi môi trường

08:10, 25/08/2016 (GMT+7)

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến về công tác bảo vệ môi trường, diễn ra ngày 24-8. Cùng dự tại điểm cầu Hà Nội có các Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Trịnh Đình Dũng và Vũ Đức Đam. Tại điểm cầu Đà Nẵng, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chủ trì, cùng tham dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn và đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ phát biểu tại hội nghị.  Ảnh: NGỌC PHÚ
Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NGỌC PHÚ

Môi trường đang ô nhiễm nghiêm trọng

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà cho biết, cả nước hiện có 283 khu công nghiệp với hơn 550.000m3 nước thải ngày/đêm, 615 cụm công nghiệp, trong đó chỉ khoảng hơn 5% có hệ thống xử lý nước thải tập trung; hơn 500.000 cơ sở sản xuất, trong đó có nhiều loại hình sản xuất ô nhiễm môi trường, công nghệ sản xuất lạc hậu.

Cả nước cũng có trên 5.000 doanh nghiệp khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng, hơn 4.500 làng nghề, hơn 13.500 cơ sở y tế hằng ngày phát sinh hơn 47 tấn chất thải nguy hại, hơn 125.000m3 nước thải y tế, có 787 đô thị với 3 triệu m3 nước thải ngày/đêm nhưng hầu hết chưa được xử lý, trên 43 triệu xe máy và 2 triệu ô-tô đang lưu hành. Hằng năm, trên cả nước sử dụng hơn 100.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật, phát sinh hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, hơn 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp, hơn 630.000 tấn chất thải nguy hại; hiện có 458 bãi chôn lấp rác thải, trong đó có 337 bãi chôn lấp không hợp vệ sinh…

Đặc biệt, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu và 59% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian qua một số dự án FDI vi phạm pháp luật gây ô nhiễm môi trường như công ty Vedan, Miwon, Formosa, khói bụi ô nhiễm của nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Công ty Lee&Men... gây ra sự cố môi trường lớn, tác động trên diện rộng.

Có những vụ việc nghiêm trọng, kéo dài gây ra hậu quả lớn về môi trường, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống và sức khỏe của người dân, gây ra nhiều bức xúc trong xã hội. Nguyên nhân cơ bản, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà là do nhận thức, ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường của chủ đầu tư, một số ngành, các cấp chính quyền, tổ chức kinh tế, cộng đồng dân cư còn hạn chế; tình trạng chú trọng lợi ích kinh tế trước mắt, coi nhẹ công tác bảo vệ môi trường còn khá phổ biến, nhất là trong quá trình thẩm định, xét duyệt, thực hiện các dự án đầu tư…

Đà Nẵng có nhiều giải pháp kiềm chế ô nhiễm môi trường

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho biết, từ rất lâu Đà Nẵng có đề án xây dựng “Đà Nẵng - Thành phố môi trường”, mục tiêu tham vọng đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ thu gom và xử lý 100% nước thải khu công nghiệp và đô thị, 75% chất thải rắn được xử lý tái chế, 25% lượng nước được tái chế. Hiện nay, Đà Nẵng có 6 khu công nghiệp, 1 cụm công nghiệp triển khai thu gom và xử lý tập trung tại 5 Trạm xử lý nước thải tập trung; đối với môi trường và xả thải tại khu công nghiệp, thành phố quản lý tốt.

Dẫu vậy, thành phố vẫn còn một số điểm ô nhiễm môi trường gây bức xúc. Nguyên nhân cơ bản, do một số cơ sở xử lý môi trường xuống cấp, các khu công nghiệp đang trong tình trạng quá tải. Thành phố đang chỉ đạo các chủ đầu tư, các nhà máy, xí nghiệp khẩn trương nâng cấp hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường…

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ, vấn đề quan trọng nhất hiện nay của thành phố Đà Nẵng đặt ra mục tiêu bảo vệ các bãi biển. Đây là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, là nguồn tài nguyên du lịch số 1 của Đà Nẵng. “Được sự hỗ trợ, giúp đỡ của Chính phủ, Ngân hàng Thế giới, Đà Nẵng cơ bản kiểm soát được vấn đề xả thải từ các khu công nghiệp, khu dân cư ra bãi biển.

Hiện nay, 75% nước thải sinh hoạt và công nghiệp được thu gom và xử lý”, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho biết. Tuy nhiên, hiện nay tại phía đông Đà Nẵng, khi có mưa lớn, nước mưa cuốn theo nước thải đưa ra biển, gây ô nhiễm môi trường, khiến du khách phàn nàn. Để giải quyết căn cơ, thành phố đang tích cực kêu gọi đầu tư để đảm bảo 90% lượng nước thải được xử lý trước khi đổ ra biển.

Bên cạnh những mặt đạt được, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ cũng thừa nhận công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực môi trường nước vẫn còn nhiều hạn chế. “Có nhà máy xử lý nước thải rồi, nhưng quản lý như thế nào về việc đấu nối, việc xử lý, kiểm soát, giám sát là hết sức quan trọng. Hiện nay, các ngành, các cấp chính quyền vẫn còn buông lỏng, dẫn đến các doanh nghiệp xả lén ra môi trường. Thành phố đang xây dựng lộ trình thu phí xử lý nước thải theo Nghị định 16 của Chính phủ. Song, khi thực hiện, doanh nghiệp và người dân sẽ gặp khó khăn bởi chi phí rất cao, nên cần hỗ trợ của Trung ương”, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ trăn trở.  

Trước những kết quả đạt được về môi trường của Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ đã khen ngợi và cho rằng, Đà Nẵng là thành phố đáng sống rất ấn tượng. Hiếm có thành phố nào mà thanh niên, các cụ già đi dọc bờ biển nhặt rác; vì vậy, cần phải nhân rộng. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng đề nghị những bất cập hiện tại Đà Nẵng đang gặp phải cần giải quyết quyết liệt hơn để ổn định môi trường sống cho người dân. Hơn nữa là thành phố du lịch nên phải cần xanh, sạch, đẹp.

Không thu hút đầu tư bằng mọi giá…

Để giải quyết căn bản vấn đề môi trường trong thời gian tới trên cả nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra 9 giải pháp quan trọng. Ngoài ra, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, đại diện Chính phủ cũng đã đề xuất nhiều giải pháp để Chính phủ nghiên cứu, xem xét. Một trong những giải pháp được kiến nghị nhiều nhất là tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế xanh theo hướng đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, các vùng, miền; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động đào tạo, truyền thông về môi trường.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê bình cấp ủy, chính quyền nhiều địa phương chưa phát huy vai trò trách nhiệm trong vấn đề bảo vệ môi trường, còn chú trọng vấn đề kinh tế trước mắt mà thả nổi vấn đề môi trường; vai trò giám sát của Mặt trận các cấp chưa sát sao. Việc xử lý, phát hiện còn chậm, chủ yếu qua báo chí và nhân dân. Điển hình là sự cố ô nhiễm biển miền Trung do Formosa gây ra vừa qua. Từ đó, Thủ tướng cho rằng, bảo vệ môi trường là quá trình xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, là trách nhiệm các ngành, chính quyền các cấp, các doanh nghiệp và toàn thể nhân dân.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng chỉ đạo: “Không thu hút đầu tư bằng mọi giá, phải chú trọng tiêu chí môi trường. Kiên quyết không vì sự phát triển kinh tế mà đánh đổi môi trường. Không cho phép đầu tư dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường, các dự án có công nghệ lạc hậu... Các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các cấp có chủ trương, biện pháp và chịu trách nhiệm toàn diện về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn.

Ở đâu xảy ra sự cố môi trường, ô nhiễm môi trường thì lãnh đạo ở đó chịu trách nhiệm trước nhân dân và Chính phủ”, Thủ tướng yêu cầu, hằng năm, Bộ TN&MT phối hợp với Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ có kế hoạch thanh tra tổng thể các dự án, các doanh nghiệp trên địa bàn cả nước, nhưng không được chồng chéo. Bộ TN&MT, Bộ Tài chính phối hợp xây dựng cơ chế ký quỹ môi trường trước khi các dự án đi vào hoạt động, nhất là các dự án lớn, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao.

Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với các tỉnh, thành rà soát quy hoạch xây dựng các khu xử lý, chôn lấp rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, nguy hại. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đưa ra tiêu chí môi trường trong xét duyệt công nhận nông thôn mới. Bộ Nội vụ, Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT sớm đề xuất việc thành lập Ủy ban Ứng phó tình trạng khẩn cấp.

NGỌC PHÚ

.