Chiều 27-8, tại Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông chủ trì Hội nghị giao ban các Sở GTVT các tỉnh, thành khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên lần thứ 9.
Giai đoạn 2011-2015, nhiều công trình trọng yếu quốc gia đi qua khu vực miền Trung đã và đang được xây dựng. Tính đến cuối năm 2015, tổng chiều dài đường bộ trong khu vực đã đạt trên 57.000km, đạt tỷ lệ 4,26km/1.000 dân (trung bình cả nước là 3,26km/1.000 dân). Mạng lưới giao thông của từng địa phương cũng đã bắt đầu được đầu tư mở rộng và có tính liên kết hệ thống đường từ tỉnh, thành đến quận, huyện, xã, phường và thôn xóm.
Đặc biệt, hệ thống giao thông nông thôn đã được đầu tư mạnh mẽ, đạt 100% số xã có đường bê-tông hóa liên kết đến trung tâm xã. Về hệ thống cảng biển cũng được đầu tư tương đối căn bản với 8 cảng biển, trong đó có 4 cảng biển loại I và 4 cảng biển loại II, đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa trong khu vực. Về hàng không cũng đã và đang được đầu tư để khai thác tiềm năng vận chuyển hành khách trong khu vực và quốc tế; đặc biệt sân bay Đà Nẵng được đầu tư mạnh mẽ để đảm nhận vai trò cửa ngõ hàng không quốc tế lớn thứ ba của cả nước.
Tại hội nghị, lãnh đạo Sở GTVT các địa phương đều có chung băn khoăn hệ thống hạ tầng giao thông vẫn chưa được đầu tư đồng bộ, nhiều địa phương các công trình giao thông còn mang tính manh mún, nhỏ lẻ, tính liên kết ngay trong phạm vi nhỏ cũng còn hạn chế, vô tình tạo nên tình trạng “giao thông cục bộ” nên khó khai thác hết tiềm năng từ hạ tầng giao thông.
Đặc biệt, hệ thống giao thông của khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên còn thiếu tính liên kết vùng, khu vực; thiếu cơ chế thu hút đầu tư hạ tầng giao thông mang tính khu vực để tạo nên diện mạo mới cho toàn vùng.
Vì vậy, các địa phương kiến nghị, thời gian đến, Bộ GTVT tích cực hỗ trợ vùng duyên hải miền Trung và Tây Nguyên cơ chế thu hút đầu tư dưới nhiều hình thức khác nhau để sớm triển khai các dự án lớn kết nối tuyến đường ven biển sẵn có để hình thành nên tuyến đường ven biển Đà Nẵng-Quảng Nam-Quảng Ngãi-Tuy Hòa-Nha Trang; nâng cấp các tuyến đường nằm trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây. Về đường sắt, Bộ GTVT cần sớm triển khai xây dựng tuyến chạy dọc Tây Nguyên, trước mắt là xây dựng trước tuyến đường sắt Đăk Nông-Chơn Thành và tuyến Tuy Hòa-Buôn Mê Thuột.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, mặc dù hạ tầng khu vực được cải thiện, nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Ngoài lý do về cơ chế, kinh phí thì còn có lý do chủ quan là các địa phương chưa xây dựng được chiến lược phát triển giao thông một cách lâu dài và nhất là thiếu tính kết nối giao thông mang tính khu vực và quốc gia.
Để giải quyết tồn tại này, các địa phương cần bàn bạc liên kết xây dựng chiến lược giao thông ngay từ khâu quy hoạch, chứ không để tình trạng mỗi tỉnh làm xong rồi mới kiến nghị xây đường để kết nối giao thông. Thực hiện được điều này các tỉnh miền Trung sẽ tiết kiệm được ngân sách, tránh tình trạng đầu tư nhưng không kết nối dẫn đến không phát huy được hiệu quả. Đặc biệt, lưu ý đến việc xây dựng cảng biển, sân bay cần phải tính toán cân đối, tránh tình trạng “chạy đua” xây dựng gây lãng phí ngân sách.
T.S