Ngày 21-8, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 18 với chủ đề “Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại địa phương, phục vụ phát triển và hội nhập”.
Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá cao những đóng góp của công tác đối ngoại địa phương đã phát triển toàn diện cả về bề rộng và chiều sâu, mở rộng quan hệ với các đối tác nước ngoài, thúc đẩy thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư, đóng góp thiết thực vào thực hiện các mục tiêu chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương và cả nước.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh với chủ đề “Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại địa phương, phục vụ phát triển và hội nhập”, Hội nghị Ngoại vụ lần thứ 18 lần này được tổ chức cùng với Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 để các địa phương có dịp tham dự hội nghị lớn nhất của ngành ngoại giao, để cùng nắm bắt “hơi thở” của tình hình quốc tế và khu vực và quan trọng hơn là cùng đề ra các biện pháp triển khai công tác đối ngoại thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả cơ chế phối hợp, gắn kết giữa Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các địa phương, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị hội nghị tập trung thảo luận một số định hướng lớn như: quyết liệt trong việc đổi mới tư duy hội nhập quốc tế, xác định đây là sự nghiệp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị; cần triển khai mạnh định hướng chủ động và tích cực hội nhập của quốc tế, coi đây là nhiệm vụ chung của các sở, ban, ngành.
Các địa phương cần gắn hội nhập quốc tế với chiến lược phát triển, quy hoạch tổng thể của địa phương mình. Các địa phương cần tận dụng tối đa lợi ích của hội nhập quốc tế, đặc biệt là hội nhập kinh tế quốc tế, để đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ của địa phương, tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu, đa dạng hóa thị trường đối tác, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, xuất khẩu lao động, du lịch.
Các địa phương cần phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tiếp tục triển khai có hiệu quả các hoạt động đối ngoại thường xuyên, trong đó có việc sử dụng hiệu quả nguồn ODA, FDI, tăng cường quản lý biên giới lãnh thổ, thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân... Công tác đối ngoại địa phương cần tiếp tục được kiện toàn, bộ máy, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngoại vụ cả chuyên môn và ngoại ngữ biên-phiên dịch đáp ứng với yêu cầu tình hình mới, tiếp tục nâng cao vai trò, vị trí của Cơ quan ngoại vụ địa phương.
Theo Vietnamplus.vn