Chuyển giao nhiệm vụ quản lý và xử lý chuyển quyền sử dụng (hợp thửa) đất rẻo cho UBND các quận, huyện. Quy định giá đất rẻo hợp thửa theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân thực hiện. Đây là một trong những nội dung kết luận của Thường trực HĐND thành phố sau phiên họp giải trình của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) mới đây về công tác quản lý và xử lý hợp thửa đất rẻo.
Ông Phan Mạnh ở phường Mân Thái, quận Sơn Trà mất 3 năm đi lại nhiều lần xin hợp thửa đất rẻo để ra mặt tiền số 229 đường Ngô Quyền nhưng không được. |
Xử lý hồ sơ còn kéo dài
Vấn đề quản lý đất rẻo đã từng được đưa ra chất vấn tại kỳ họp thứ 14 của HĐND thành phố khóa VIII. Khi đó, Chủ tịch HĐND thành phố đã yêu cầu trong quý 1-2016, phải làm xong việc hợp thửa đất rẻo cho người dân, ưu tiên hộ liền kề có diện tích đất ở nhỏ. Thế nhưng, việc hợp thửa đất rẻo có quy trình rất phức tạp về thủ tục hành chính, liên quan đến nhiều cơ quan và tốn nhiều thời gian. Theo phản ánh của Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở TN&MT - đơn vị tiếp nhận hồ sơ đề nghị hợp thửa đất rẻo, mất thời gian nhất là khâu xác định của Hội đồng thẩm định giá chuyển quyền sử dụng đất. Mặc dù Hội đồng họp mỗi tuần một lần nhưng chủ yếu dành thời gian để thẩm định giá các lô đất lớn, các trường hợp đất rẻo đưa ra vào cuối buổi họp thì hết giờ, lại dời qua lần sau, rồi nhiều lần sau nữa.
Theo ông Nguyễn Đình Lộc, Phó phòng Quản lý dự án của Trung tâm Phát triển quỹ đất, việc thực hiện các thủ tục hành chính mất thời gian nhiều tháng và phải có được 18 văn bản mới ra kết quả cuối cùng là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã hợp thửa. Trung tâm không có quyền đưa ra thời hạn giải quyết đối với các cơ quan có liên quan. Cán bộ của Trung tâm cũng rất mệt mỏi với loại hồ sơ này.
Theo thông tin từ Phòng Dân nguyện thuộc Văn phòng HĐND thành phố, qua đơn thư liên quan đến đất rẻo trở thành hiện tượng đáng chú ý, Thường trực HĐND thành phố mới đưa vào vấn đề yêu cầu Sở TN&MT giải trình. Có trường hợp người dân ở nhà số 446 Núi Thành đề nghị hợp thửa đất rẻo mất 2 năm vẫn không được giải quyết. Chỉ đến khi Thường trực HĐND thành phố nhận được đơn của người dân, chỉ đạo cán bộ kiểm tra và có ý kiến, việc hợp thửa đất rẻo mới thành công. Một trường hợp khác ở nhà số K229/10 Ngô Quyền, sau 3 năm theo đuổi các thủ tục hành chính hợp thửa đất rẻo, hiện vẫn chưa làm được vì chủ cũ của mảnh đất rẻo đã giải tỏa, sau quay về chiếm dụng trái phép mảnh đất rẻo này xây nhà siêu mỏng cho thuê nhưng không bị chính quyền xử lý.
Hợp thửa để quản lý tốt quy hoạch
Về vấn đề này, Phó Chánh Văn phòng HĐND thành phố Lê Xuân Hòa nêu quan điểm: Việc tạo điều kiện cho người dân ở liền kề có nhu cầu hợp thửa là nhằm mục đích quản lý quy hoạch, giải quyết vấn đề mỹ quan đô thị và ô nhiễm môi trường ở những lô đất rẻo bỏ trống, đồng thời hạn chế tình trạng chiếm dụng trái phép đất rẻo.
Không nên coi đây là nguồn thu quan trọng, tiêu cực cũng từ đây mà ra. Nên phân cấp quản lý và xử lý hợp thửa đất rẻo cho UBND quận, huyện vì theo Luật Đất đai, có quy định thẩm quyền giao đất của UBND quận, huyện cho hộ gia đình, trừ các lô đất rẻo lớn đủ hình thành căn hộ độc lập thì phải đấu giá.
Thành phố cần quy định cụ thể về trường hợp các lô đất rẻo trên các tuyến đường lớn khi hợp thửa làm tăng giá trị nên phải đưa ra Hội đồng thẩm định giá. Đường lớn là đường có chiều rộng bao nhiêu mét trở lên phải quy định rõ. Còn đường nhỏ hơn để UBND quận, huyện áp dụng thu tiền sử dụng đất theo giá đất công bố hằng năm.
Nếu đất rẻo ở ngã ba, ngã tư thì nhân hệ số theo quy định. Phân cấp quản lý và công khai như vậy, hộ dân ở liền kề có thể biết trước số tiền cần phải nộp khi hợp thửa đất rẻo để chuẩn bị, tránh như hiện nay người dân không biết trước số tiền phải nộp, khi biết thì giá lại cao quá, họ không hợp thửa. Trong khi đó, vẫn có những trường hợp đang chiếm dụng trái phép đất rẻo.
Trưởng phòng TN&MT quận Thanh Khê Phan Quang Khương rất đồng tình với chủ trương của HĐND và UBND thành phố về việc sẽ phân cấp quản lý và xử lý chuyển quyền sử dụng đất rẻo cho UBND quận, huyện. Việc phân cấp quản lý và xử lý hợp thửa cho quận, huyện sẽ giải quyết được vấn đề thành phố không quản lý được đất rẻo; thủ tục hành chính để hợp thửa đất rẻo cho hộ liền kề có nhu cầu sẽ nhanh gọn hơn, đặc biệt là thời gian giải quyết sẽ rút ngắn rất nhiều lần.
Để giải quyết nhanh thủ tục hợp thửa cho hộ dân ở liền kề có nhu cầu, thành phố cần có bước xác nhận quy hoạch tất cả các lô đất rẻo. Như vậy, thủ tục hợp thửa những lô đất rẻo thuộc thẩm quyền của UBND quận, huyện sẽ thực hiện nhanh hơn.
Mặt khác, để tránh việc tranh chấp đất rẻo gây kéo dài việc hợp thửa, thành phố cần quy định cụ thể về thời gian các hộ liền kề đất rẻo tự thỏa thuận với nhau về việc hợp thửa đất rẻo, sau thời hạn đó, UBND quận, huyện sẽ giải quyết hợp thửa cho hộ có nhu cầu chính đáng nhất và ưu tiên hộ có diện tích nhỏ.
Bài và ảnh: ĐOÀN SƠN