Pokemon Go đang gây “sốt” trên thị trường trò chơi trực tuyến hiện nay. Tính hấp dẫn cùng sự lan truyền nhanh chóng của cộng đồng mạng khiến trò chơi này được đông đảo người chơi đón nhận dù nhiều người vẫn biết nó tiềm ẩn không ít nguy hiểm khó lường.
Việc quá đông người tập trung vào chơi Pokemon Go sẽ ảnh hưởng đến môi trường sinh hoạt, an toàn giao thông...Ảnh: HOÀNG HÂN |
Lợi ít, hại nhiều
Theo chia sẻ của cộng đồng mạng, dù chỉ mới xuất hiện ở Đà Nẵng khoảng vài ngày nay, nhưng cái tên “Pokemon Go” đã trở thành cụm từ “hot” được nhiều bạn trẻ nhắc đến mỗi ngày. Chính sự kết hợp thế giới ảo với thế giới thật dưới dạng một ứng dụng trên điện thoại di động thông minh đã khiến Pokemon Go tạo ra “cơn sốt”, không chỉ bạn trẻ mà nhiều người trung niên “săn” đón trong những ngày qua. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh được kết nối Internet và bật định vị GPS, người chơi có thể trở thành người săn quái thú ở trong trò chơi ảo Pokemon Go mà địa điểm gặp gỡ người chơi khác lại trong thế giới thực.
Chính sự tương tác trong thế giới thực, người chơi có cơ hội để gặp gỡ bạn bè, kết bạn với người lạ mà không phải ngồi một chỗ như những trò chơi trực tuyến trước đây nữa. “Nhóm mình vừa mới thành lập nên hiện chỉ là một nhóm nhỏ, thường hoạt động sôi nổi nhất từ 15 giờ chiều đến 3 giờ sáng hôm sau. Mục đích của trò chơi này là đưa mọi người đến gần nhau hơn, tạo động lực cho mọi người vận động bằng cách khuyến khích người chơi đi bộ, tạo các tụ điểm cho người chơi gặp gỡ trao đổi”, Mạnh Hiền, sinh năm 1990, thành viên nhóm Pokemon Go Đà Nẵng cho biết.
Đi dọc một vài tuyến đường trong thành phố vào buổi trưa nắng nóng, chúng tôi không khó để bắt gặp hình ảnh các bạn trẻ dùng giờ nghỉ trưa của mình vào trò chơi Pokemon Go. “Tôi nghĩ đây chưa phải là một trò chơi hay nhưng nó tuyệt vời về mặt trải nghiệm, cộng đồng và ký ức.
Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ quá sa đà vào trò chơi này sẽ bị “nghiện”, gây ra sự mất cân bằng trong cuộc sống”, anh Nguyễn Phú Xuân (sinh năm 1986, nhân viên Công ty Gameloft Sea Chi nhánh Đà Nẵng) cho hay. Theo anh Xuân, nhiều bạn trẻ hiện nay chơi Pokemon Go vào giờ quá khuya mà không biết đây là thời điểm nhạy cảm dễ bị tội phạm tấn công, cướp giật.
Hiện có 4 địa điểm được người chơi tập trung đông nhất ở Đà Nẵng là dọc đường Bạch Đằng, bãi biển Phạm Văn Đồng, chùa Linh Ứng ở Ngũ Hành Sơn và Bãi Bụt. Không ít nhóm “săn” Pokemon tập trung đông người gây ồn ào, xả rác, ngồi lên bãi cỏ, đỗ xe trên lòng lề đường; thậm chí có người vừa lái xe đạp vừa chơi, vừa đi bộ qua đường vừa dán mắt vào màn hình điện thoại gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông.
Dù ở Đà Nẵng chưa ghi nhận những trường hợp đáng tiếc khi chơi Pokemon Go trong những ngày qua nhưng nhiều người cảnh báo nguy cơ tai nạn sẽ xảy ra với tốc độ lan truyền nhanh chóng như hiện nay. Nhiều chuyên gia cũng lo ngại thông tin của người chơi sẽ bị đánh cắp vì trò chơi này sử dụng cả thiết bị camera và định vị GPS.
Hãy là người chơi thông minh
Nhiều chuyên gia công nghệ thông tin cho biết, trong khi Pokemon Go xuất hiện rầm rộ tại Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng thì hiện nay các nhà quản lý vẫn chưa có sự chuẩn bị sẵn sàng để đối phó, ngăn ngừa hay khắc phục chúng. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, người chơi Pokemon Go hãy là một người chơi thông minh và tỉnh táo, biết sắp xếp thời gian để không bị “nghiện”. “Người chơi Pokemon nên đi theo nhóm, không chơi quá khuya và vào nơi nguy hiểm, thiếu ánh sáng, nên tập trung lái xe và công việc của bản thân.
Các bạn chỉ nên tìm Pokemon khi đến nơi cần đến, không gây khó chịu cho người xung quanh và có ý thức giữ vệ sinh môi trường nơi tập trung”, anh Xuân góp ý. Được biết, nhiều nhóm Pokemon Go tại Đà Nẵng đã tổ chức các buổi gặp gỡ, giao lưu với các thành viên trong nhóm để chia sẻ kinh nghiệm chơi Pokemon Go và cảnh báo những nguy cơ, xử lý các tình huống khẩn cấp.
Tại buổi làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) triển khai nhiệm vụ 5 tháng cuối năm 2016 được tổ chức vào ngày 8-8 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng cũng bày tỏ lo ngại trước tốc độ lan truyền nhanh của trò chơi Pokemon Go tại Đà Nẵng; từ đó đề nghị Sở TT&TT nhanh chóng vào cuộc, tìm cách quản lý trò chơi này trước khi có những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại sáng 11-8, ông Nguyễn Chương Đức, Chánh Thanh tra Sở TT&TT cho biết, việc cấp phép và quản lý Pokemon Go là thuộc thẩm quyền của Bộ TT&TT. “Sở TT&TT vẫn chưa nhận được văn bản chỉ đạo của Bộ về việc quản lý trò chơi Pokemon Go đang là trào lưu gây “sốt” ở Đà Nẵng hiện nay. Tôi nghĩ việc quản lý trò chơi này sẽ gặp khó khăn. Làm sao để trò chơi này mang tính giải trí mà không ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường sống xung quanh thì cần ý thức của người chơi, vì nó tốt hay xấu đều phụ thuộc chủ yếu vào ý thức của người chơi”, ông Đức nói.
Quan trọng là phương thức quản lý Anh Trần Xuân Vượng, Giám đốc Công ty Gameloft Sea, Chi nhánh Đà Nẵng cho rằng, các nhà sản xuất trò chơi mới đều có khuyến cáo dành cho người chơi nên Pokemon Go trên hết vẫn là trò chơi mang tính giải trí. Việc để ảnh hưởng đến sức khỏe, làm phiền những người xung quanh, gây tai nạn giao thông phụ thuộc chủ yếu vào ý thức người chơi. Thời đại bùng nổ Internet nên với một trào lưu đang thịnh hành như Pokemon Go thì việc người chơi dễ dàng tiếp cận là điều không khó hiểu. Quan trọng là các nhà quản lý nhìn nhận nó ra sao và tạo những kênh quản lý như thế nào để hạn chế tác hại xảy ra. |
HOÀNG HÂN