Kỹ sư Trần Dân, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học kỹ thuật (KHKT) cầu đường thành phố Đà Nẵng - người có nhiều năm gắn bó với ngành giao thông thành phố cũng như nhiều lần tham gia phản biện, chấm điểm các cuộc thi thiết kế công trình giao thông trên địa bàn thành phố, cho rằng nên kéo dài thời gian thi phương án thiết kế đầu tư xây dựng công trình giao thông vượt sông Hàn lên 6 tháng, thậm chí 1 năm, thay vì 3 tháng.
Đà Nẵng đang tìm kiếm phương án thiết kế công trình giao thông qua sông Hàn. Ảnh: KHẢ THỊNH |
* Là Phó Chủ tịch Thường trực Hội KHKT cầu đường thành phố - đơn vị đã có văn bản phản biện về phương án làm hầm chui qua sông Hàn, ông nhìn nhận như thế nào về việc thi phương án thiết kế đầu tư xây dựng công trình giao thông qua sông Hàn?
- Tôi tin tưởng lãnh đạo thành phố. Sau những thông tin phản hồi từ Hội KHKT cầu đường thành phố, Liên hiệp các Hội KHKT thành phố; đồng thời, một số chuyên gia tư vấn, góp ý, kiến nghị việc tổ chức cuộc thi thay vì kiểu “chỉ định thiết kế”, lãnh đạo thành phố đã quyết định thành lập Ban tổ chức cuộc thi. Điều này chứng tỏ lãnh đạo thành phố rất cầu thị, luôn lắng nghe và tiếp thu ý kiến của các tổ chức, cá nhân.
* Thời gian qua, ông đã nhiều lần lên tiếng phản biện giải pháp hầm chui qua sông Hàn. Vậy đâu là cơ sở khoa học việc “nói không” với giải pháp này?
- Trước tiên, xin nói ngay là kinh phí xây dựng hầm chui bao giờ cũng tốn kém hơn so với việc xây cầu. Cụ thể, với phương án hầm chui mà Công ty CP Tư vấn thiết kế cầu lớn - hầm (BRITEC) đã báo cáo lần đầu với lãnh đạo thành phố (đã có điều chỉnh) trên 4.000 tỷ đồng, con số rất lớn nếu so với việc thi công cầu qua sông Hàn cho dù làm đẹp đến mấy thì cũng khoảng 2.000 tỷ đồng trở lại mà thôi.
Đây là con số vô cùng ý nghĩa trong bối cảnh thành phố rất cần tiền để làm nhiều việc quan trọng nữa chứ không chỉ có hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, quan trọng nhất là về mặt kỹ thuật thì phương án do BRITEC đưa ra không thỏa đáng về độ dốc 5% khi bắt đầu đi vào hầm chui cũng như khúc cong trong đường hầm gây mất an toàn... Ngoài ra, việc vận hành, duy tu bảo trì cũng tốn kém rất lớn với khoảng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Kỹ sư Trần Dân |
* Một trong những vấn đề đặt ra về mặt kiến trúc, công trình giao thông phải hài hòa với cảnh quan sông Hàn; hạn chế tối đa ảnh hưởng tầm nhìn ra biển và bán đảo Sơn Trà; đảm bảo cho việc tổ chức các lễ hội trên sông Hàn, phục vụ phát triển du lịch... Theo ông, phương án làm cầu như ông đề xuất có đảm bảo được tiêu chí này?
- Tôi xin khẳng định ngay là việc xây thêm một cây cầu ở đoạn sông giữa cầu Sông Hàn và cầu Thuận Phước là hoàn toàn không ảnh hưởng gì tầm nhìn ra biển, bán đảo Sơn Trà, cản trở việc đi lại các loại phương tiện thủy trên sông Hàn cũng như việc tổ chức Cuộc thi trình diễn pháo hoa của thành phố, mà ngược lại đây sẽ là công trình tôn vinh vẻ đẹp của sông Hàn.
Hiện nay các khoảng cách giữa cầu Sông Hàn, cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý là khoảng 500 mét, đây là khoảng cách có thể nói là ngắn nên không thể làm thêm cầu nào vào giữa những cây cầu này. Tuy nhiên, khoảng cách từ cầu Sông Hàn đến cầu Thuận Phước gần 2,4 km, thì đây có thể nói là một điều rất thuận lợi để làm thêm một cây cầu nữa vào giữa hai cây cầu này.
Nếu chọn đầu cầu phía tây bắt đầu từ nút giao thông đường Đống Đa – 3 Tháng 2 – Trần Phú thì khoảng cách từ cây cầu này đến cầu Sông Hàn cũng xấp xỉ là 1.000 mét, như vậy vẫn rộng hơn các khoảng cách các cây cầu còn lại. Đặc biệt, vị trí những năm qua thành phố tổ chức trình diễn pháo hoa quốc tế là thuộc cảng Sông Hàn (cũ), tức nằm ngay giữa cầu Sông Hàn và cầu dự định xây, như vậy thì hoàn toàn không ảnh hưởng gì.
Về việc lưu thông các tàu du lịch cũng như các hoạt động vui chơi giải trí trên sông Hàn với chiều rộng sông đoạn này là 700 mét hoàn toàn cho phép xây dựng cầu có độ tĩnh không (chiều cao) từ 7-10 mét; còn khoảng không thông thuyền (chiều rộng), với công nghệ đúc hẫng có dây văng thì có thể tạo nên những khoảng không vô cùng rộng rãi cho tất cả các hoạt động, nên cũng không có gì lo lắng về mặt này.
Riêng về thiết kế hình dáng của cây cầu, do nằm ở vị trí trung tâm thành phố nên chúng ta sẽ chọn những phương án tạo hình thanh thoát nhẹ nhàng, cùng với hiệu ứng từ đèn LED (sử dụng vào ban đêm) sẽ tạo nên một cây cầu mềm mại uyển chuyển và ấn tượng cho dòng sông Hàn.
* Với kinh nghiệm nhiều năm phản biện các giải pháp thiết kế, theo ông, việc tổ chức cuộc thi sẽ mang lại lợi ích gì?
- Đà Nẵng được biết đến với danh hiệu “thành phố của những cây cầu”. Đây là kết quả thời gian qua lãnh đạo thành phố thường xuyên tổ chức các cuộc thi, kể cả các cuộc thi quốc tế, nên đã có những công trình giao thông vượt sông khá ấn tượng như: cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, nút giao thông ngã ba Huế... Tuy nhiên, không đơn giản tổ chức cuộc thi là có thể thành công mà ở đây có sự đóng góp ý kiến của chính lãnh đạo thành phố, của giới chuyên gia và cả người dân cũng mang ý nghĩa rất quan trọng để giúp nhà thiết kế có được những sản phẩm hoàn thiện nhất.
Xin nêu một ví dụ cụ thể, trước đây, khi thành phố có chủ trương xây dựng cầu ở vị trí cầu Rồng hiện nay, một số giải pháp đã được đưa ra nhưng đều vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của dư luận, đặc biệt là các nhà văn hóa. Họ cho rằng, làm cầu qua sông rồi kéo dài dầm cầu vượt qua đường Bạch Đằng vô tình “nhấn” Bảo tàng Điêu khắc Chăm xuống dưới gầm cầu là không thể chấp nhận.
Tôi còn nhớ lúc Công ty Louis Berger của Mỹ thuyết trình về giải pháp thiết kế cầu Rồng vẫn “phạm” phải lỗi này. Ngay tại cuộc họp phản biện đó, tôi đã có ý kiến rằng sẽ tuyệt đối tránh điều này bằng cách đẩy trượt chân cầu phía tây ra sát mép nước, như vậy tránh việc “nhấn” Bảo tàng Điêu khắc Chăm xuống dưới gầm cầu.
Ý kiến của tôi ngay lập tức được đơn vị thiết kế ghi nhận và điều chỉnh theo hướng này. Bây giờ, cầu Rồng nổi tiếng không chỉ vì hình dáng con Rồng mà còn vì giải pháp tránh đưa Bảo tàng Điêu khắc Chăm xuống dưới gầm cầu.
* Ba tháng cho cuộc thi mang tính quốc tế để tìm giải pháp thiết kế công trình giao thông qua sông Hàn có phải là quá ngắn không, thưa ông?
- Theo tôi, có thể nói, 3 tháng là quá ngắn cho việc chuẩn bị với một “đề bài” vốn khó như thế này. Vì vậy, thành phố nên kéo dài thời gian này lên 6 tháng, thậm chí 1 năm. Sau khi các đơn vị thiết kế nộp “bài”, thành phố nên công bố rộng rãi để mọi người dân tham gia đóng góp ý kiến, cuối cùng là cần thành lập một hội đồng phản biện, có như vậy mình mới tìm được thiết kế tốt nhất.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
T.S thực hiện