Chính trị - Xã hội
"Sống được" nhờ sửa, lắp điều hòa
Nghề sửa và lắp điều hòa giúp mang lại kinh tế ổn định cho không ít gia đình. Vào mùa nắng nóng kéo dài như hiện nay, trung bình mỗi ngày, một thợ sửa điện lạnh có thể nhận đến gần chục cuộc gọi từ khách hàng.
Thợ sửa và lắp điều hòa có thu nhập khấm khá do việc sử dụng điều hòa tăng cao trong mùa nắng nóng. |
Làm không ngơi tay
Kể từ khi bước vào mùa nắng nóng, anh Đoàn Công Thành (25 tuổi, quận Ngũ Hành Sơn) phải sắm hẳn một chiếc điện thoại có thời lượng “pin khủng” vì khách gọi sửa, lắp điều hòa quá nhiều. Một tuần, anh nhận đến hơn 20 cuộc gọi, chưa sửa xong nhà này, nhà khác đã thúc giục. Có khi, 19 giờ khách vẫn còn gọi điện ỉ ôi vì điều hòa “dở chứng” bất ngờ, nếu không sửa gấp sẽ không ngủ được. “Mùa này lắp mới tăng hơn so với sửa chữa thay thế nhưng không đáng kể. Dòng điều hòa với công nghệ Inverter có ưu điểm tiết kiệm điện năng được khách hàng quan tâm hơn”, anh Thành cho hay.
Thông thường, những người như anh Thành sẽ đến tận nhà khách hàng để sửa chữa. Nếu trường hợp máy hỏng nặng, cần thời gian tìm hiểu và khách đồng ý, thợ sẽ tháo máy mang về nơi làm việc (cửa hàng hoặc nhà riêng) để “chăm sóc”. Tuy nhiên, do rủi ro trong quá trình vận chuyển, diện tích chứa có hạn, tâm lý khách nghi ngại… nên dịch vụ sửa tại chỗ luôn được ưu tiên.
Cũng như anh Thành, liên tục hơn hai tháng nay, cửa hàng sửa chữa điện lạnh của anh Trần Phan Tuấn (40 tuổi, quận Liên Chiểu) luôn trong tình trạng “làm không kịp thở” vì đơn hàng quá nhiều. “Cửa hàng tôi có đến 4 thợ mà làm không ngơi tay. Khách dùng điều hòa liên tục nên việc hỏng hóc là chuyện bình thường. Bên cạnh điều hòa thì quạt hơi nước cũng được người dân khá ưa chuộng vì tính linh động”, anh Tuấn cho biết.
Sống được bằng nghề
Theo những người trong nghề, không ít thợ sửa điều hòa là dân “tay ngang”. Có người từng là thợ sửa xe, thợ nề, thợ điện nhưng thu nhập bấp bênh nên tập tành sửa điều hòa vì nhận thấy nghề này “đang lên” khi nhà nhà dùng điều hòa nhưng thợ thì luôn khan hiếm. Anh Cảnh (28 tuổi, trú tại quận Liên Chiểu), một thợ sửa điều hòa cho biết, trước đây anh từng làm thợ nề nhưng thu nhập không ổn định, công việc lại không an toàn nên anh mạnh dạn theo đuổi nghề sửa điện lạnh. Vốn có sẵn ít kiến thức, cộng niềm đam mê mày mò đồ điện tử, chẳng mấy chốc anh Cảnh có thể ra nghề và hoạt động khắp các quận Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn… “Tôi theo nghề tính đến nay đã được 4 năm. Hồi trước nhà nghèo, cứ nghĩ sau này mình sẽ đi bưng bê, bốc vác thôi, nhờ sửa đồ điện lạnh mà kinh tế gia đình ổn định hơn”, anh Cảnh chia sẻ.
Từ một người ăn chơi lêu lỏng, dựa dẫm bố mẹ, nay Trần Văn Thi (24 tuổi, quận Thanh Khê) đã trở thành một thợ sửa điện lạnh lành nghề nhờ sự chịu khó. Theo nghề đến nay mới hơn 1 năm và tự nhận còn “non” tay khi thỉnh thoảng bắt sai “bệnh” của máy điều hòa, nhưng Thi rất hạnh phúc với nghề mà mình đang chọn. Thi khoe: “Bố mẹ thấy tôi chịu khó làm ăn nên sắp tới còn định cho tôi vay tiền mở cửa hàng riêng nữa”.
Máy điều hòa thường hư hỏng ở những bộ phận như thiếu gas, hỏng tụ quạt dàn nóng, tủ quạt dàn lạnh, bộ cảm biến, mô tơ quạt nóng, lạnh, máy nén... Tùy “bệnh” của máy mà giá dịch vụ được tính khác nhau. Anh Thành cho hay, mức giá bảo dưỡng sạc gas dao động từ 250.000-350.000/máy, sửa chữa bo mạch chủ hỏng tụ khoảng 350.000-450.000/máy, hỏng máy nén khoảng 1,5 - 3,5 triệu đồng/máy, hỏng quạt nóng, quạt lạnh khoảng 500.000-700.000/máy. Riêng chi phí bắt mới và công lắp đặt là 350.000/máy với máy dưới 3 mét ống đồng, trên 3 mét giá sẽ cao hơn.
Vào mùa nóng, thu nhập của thợ sửa điều hòa khoảng gần 8 triệu đồng/tháng. Với những thợ có trên 10 năm kinh nghiệm dòng điều hòa công nghiệp, lương hơn chục triệu mỗi tháng, chưa kể thưởng của chủ cửa hàng và “bo” của khách. Nhiều người thợ phấn khởi cho biết: Nghề này tưởng bình thường nhưng đã mang lại kinh tế ổn định cho gia đình chúng tôi. Mùa nóng, việc trang trải chi phí trong nhà cũng thong thả hơn nhờ những cuộc gọi sửa máy, lắp máy tới tấp.
Bài và ảnh: CHIÊU ANH