.
Triển khai Nghị định 46/2016/NĐ-CP

Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm

.

“Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (có hiệu lực từ ngày 1-8) sẽ là cú hích, nhằm răn đe, giáo dục, phòng ngừa tai nạn giao thông” - Thượng tá Lê Văn Lực, Phó phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Đà Nẵng chia sẻ với phóng viên Báo Đà Nẵng vào sáng 1-8.

Tăng mức xử phạt về hành vi người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn vượt mức cho phép nhằm hạn chế tai nạn giao thông. Ảnh: ĐẮC MẠNH
Tăng mức xử phạt về hành vi người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn vượt mức cho phép nhằm hạn chế tai nạn giao thông. Ảnh: ĐẮC MẠNH

- Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ và trực tiếp là Giám đốc Công an Đà Nẵng, lực lượng CSGT thành phố luôn nỗ lực thực hiện công tác bảo đảm an toàn giao thông, bằng nhiều biện pháp, giải pháp. Vì thế, Đà Nẵng luôn là một trong nhiều địa phương thực hiện được mục tiêu “3 giảm” (số vụ, số người chết, bị thương do tai nạn giao thông gây ra).

Để tiếp tục thực hiện mục tiêu này, khi Chính phủ ban hành Nghị định 46/2016/NĐ-CP (ngày 26-5-2016) và có hiệu lực từ ngày 1-8, về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, CSGT Công an thành phố đã tổ chức nhiều biện pháp để thực hiện gồm: tổ chức hội nghị tập huấn chuyên sâu để cán bộ, chiến sĩ nắm vững nghiệp vụ và vận dụng có hiệu quả trong quá trình thực hiện; chỉ đạo, phối hợp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật giao thông đường bộ; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn báo chí tuyên truyền đến người dân tham gia giao thông nói chung và tuyên truyền về Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ nói riêng, để mọi người biết và tự giác chấp hành.

Bên cạnh đó, chúng tôi thường xuyên nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ khi thực thi nhiệm vụ phải thực hiện đúng điều lệnh Công an nhân dân; giải thích trực tiếp cho người dân nắm được những thay đổi, bổ sung lần này của Luật Giao thông đường bộ. Ngoài ra, CSGT được trang bị về thiết bị, phương tiện kỹ thuật như máy đo nồng độ cồn, máy ảnh, camera… phục vụ cho công tác tuần tra, xử lý các hành vi vi phạm...

* Theo ông, việc tăng nặng xử phạt một số hành vi, đặc biệt là hành vi sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông sẽ có tác dụng răn đe, giáo dục đối với người vi phạm?

- Đúng vậy. Thực tế những vụ tai nạn giao thông xảy ra trên cả nước nói chung, thành phố Đà Nẵng nói riêng thời gian qua đều có liên quan đến việc sử dụng rượu bia, phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách đánh võng, vượt đèn đỏ… Vì vậy, việc tăng nặng hình phạt với những trường hợp này sẽ có tính răn đe, giáo dục rất cao đối với người tham gia giao thông.

Hành vi sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông rất nguy hiểm, thường gây nên tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Trên thực tế, CSGT khi tiến hành xử lý nồng độ cồn cũng gặp không ít khó khăn, bởi nhiều người vi phạm giao thông không chấp hành hiệu lệnh của CSGT, hoặc khi dừng xe thì không hợp tác, viện nhiều lý do để được CSGT “bỏ qua”.

Vì vậy, việc tăng mức phạt từ 10 - 15 triệu đồng lên 16 - 18 triệu đồng đối với người điều khiển ô-tô có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở (mức 3), tước GPLX 4 - 6 tháng; phạt 3 - 4 triệu đồng, tước GPLX 3 - 5 tháng đối với người điều khiển mô-tô, xe gắn máy sẽ là biện pháp hạn chế tai nạn giao thông do rượu bia gây ra.

* Ông có thể cho biết quan điểm của mình về quy định mức xử phạt hành vi vượt tín hiệu đèn vàng ngang với vượt tín hiệu đèn đỏ?

- Thực tế, nhiều người tham gia giao thông khi thấy đèn vàng, thay vì giảm tốc độ và dừng trước vạch thì họ lại tăng tốc cố vượt qua ngã ba, ngã tư, rất dễ gây ra tai nạn giao thông. Thời gian qua, tại Đà Nẵng cũng đã xảy ra nhiều vụ va chạm giao thông trong tình huống như thế. Vì vậy, việc xử phạt mới theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP nhằm góp phần hạn chế nguy cơ tai nạn.

Tuy nhiên, CSGT sẽ vận dụng Điều 24 Luật Giao thông đường bộ trong việc xử phạt hành vi này. Theo Điều 24, khi người tham gia giao thông đến gần đường giao nhau, ngã ba, ngã tư thì người điều khiển phương tiện phải cho xe giảm tốc độ và nhường đường để bảo đảm an toàn. Do vậy, khi đến các giao lộ, ngã ba, ngã tư, nếu người điều khiển phương tiện chấp hành đúng quy định thì có thể xử trí ngay khi gặp đèn vàng. Trường hợp các phương tiện đi quá nhanh dẫn đến không kịp xử lý hoặc phải thắng gấp, tức là đã không chấp hành quy định.

Tại khoản 3, Điều 10 - Luật Giao thông đường bộ quy định, khi gặp tín hiệu đèn vàng, người tham gia giao thông phải dừng trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp và không bị xử phạt; còn với trường hợp điều khiển chưa đến vạch dừng mà đèn đã chuyển sang màu vàng nhưng không dừng lại và cố tình đi tiếp thì mới bị phạt. Mức phạt Nghị định 46 áp dụng xử phạt hành vi vượt đèn vàng đối với ô-tô có thể lên đến 2 triệu đồng và 400.000 đồng đối với mô-tô, xe gắn máy.

Tuy nhiên, trong thời gian này, để xử lý trường hợp vi phạm trên, lực lượng CSGT sẽ tuyên truyền mạnh để người tham gia giao thông nắm luật, tránh vi phạm. Bên cạnh đó, lực lượng thi hành công vụ phải xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm. Mục đích cuối cùng là bảo đảm trật tự an toàn giao thông, không để xảy ra tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông do các lỗi vi phạm tín hiệu giao thông.

* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Chiều 1-8, Phòng Cảnh sát giao thông (PC67) Công an Đà Nẵng cho biết, tính đến 16 giờ 30 cùng ngày, lực lượng CSGT thành phố phát hiện, lập biên bản 208 trường hợp vi phạm giao thông. Trong đó, có 123 mô-tô, 1 xe máy điện, 1 ô-tô khách, 7 ô-tô tải đầu kéo, 10 ô-tô tải ben, 14 ô-tô con và 52 xe tải khác; đồng thời tạm giữ 3 mô-tô.

Các hành vi vi phạm chủ yếu gồm: đi không đúng làn đường quy định (24 trường hợp); đi ngược chiều (15 trường hợp); không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (21 trường hợp); không đội mũ bảo hiểm (12 trường hợp) và các lỗi vi phạm khác.

Theo Đại tá Lê Ngọc, Trưởng phòng PC67, lực lượng CSGT Công an thành phố thường xuyên, liên tục ra quân tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông. Riêng các phương tiện có hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, đơn vị sẽ tiến hành xử phạt bằng hai cách: xử phạt “nóng” (dừng xe vi phạm xử lý) và xử phạt “nguội”  (thông báo tới người vi phạm) thông qua hình ảnh trích xuất từ camera giao thông.

Đ. MẠNH

PV thực hiện

;
.
.
.
.
.