.

Vào làng nghề, giảm ô nhiễm môi trường

.

Bảo tồn văn hóa làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước có tuổi gần 400 năm nhưng không để gây ô nhiễm tiếng ồn và môi trường trong khu dân cư là vấn đề được thành phố và quận Ngũ Hành Sơn quan tâm từ nhiều năm qua. Với việc đưa Khu chế tác đá mỹ nghệ Non Nước tập trung tách khỏi khu dân cư vào hoạt động từ giữa năm 2015, vấn đề ô nhiễm tiếng ồn và môi trường cơ bản được giải quyết.

Việc tổ chức làng nghề chế tác đá mỹ nghệ tập trung đã cơ bản giải quyết ô nhiễm tiếng ồn, môi trường trong khu dân cư trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh: SƠN TRUNG
Việc tổ chức làng nghề chế tác đá mỹ nghệ tập trung đã cơ bản giải quyết ô nhiễm tiếng ồn, môi trường trong khu dân cư trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh: SƠN TRUNG

Ý thức bảo vệ môi trường tốt hơn

Những năm qua, cùng với sự phát triển của thành phố, làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước phát triển nhanh chóng. Đến nay, làng nghề có 430 cơ sở chế tác đá với 4.000 lao động, mang lại hiệu quả rất lớn cho việc phát triển kinh tế, du lịch, văn hóa - xã hội của quận Ngũ Hành Sơn. Do trước đây chưa có quy hoạch, các hộ chế tác đá nằm xen lẫn trong khu dân cư nên khi hoạt động đã gây ô nhiễm môi trường do bụi đá, nước thải, axit và tiếng ồn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt bình thường của khu dân cư.

Dự án làng nghề chế tác đá mỹ nghệ tập trung giai đoạn 1 có diện tích 35,5ha được triển khai và hoàn thành có ý nghĩa vừa bảo tồn làng nghề truyền thống, vừa giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường và tiếng ồn trong khu dân cư.

Từ giữa năm 2015, Quận ủy, UBND quận Ngũ Hành Sơn cùng các cấp, ngành của quận đã tập trung vận động các chủ cơ sở chế tác đá mỹ nghệ di dời về nơi sản xuất mới của làng nghề. Đến nay, qua 14 đợt xét duyệt bố trí đất, đã có 221 cơ sở chế tác đá mỹ nghệ di dời về làng nghề tập trung. Tại đây, cơ sở chế tác mới đều xây dựng xưởng trại kiên cố, có khả năng chịu được bão và tuân thủ yêu cầu phải có hệ thống thu gom nước thải lọc qua 3 bể lắng trước khi trả về Trạm xử lý nước thải của làng nghề.

Anh Huỳnh Bá Minh, chủ cơ sở điêu khắc đá Huỳnh Bá Minh cho hay: “Vào làng nghề sản xuất tập trung thấy quy củ, hoạt động chuyên nghiệp hơn. Hộ nào vào đây đều đã ký cam kết tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường nên không còn cảnh mạnh ai nấy làm, chiếm vỉa hè hay xả nước thải chảy lênh láng đầy đường như khi còn ở trong khu dân cư.

Làm xong việc ở xưởng, mình về nhà nghỉ ngơi cũng không còn bị tiếng ồn “tra tấn” như trước nữa”. Anh Nguyễn Đức Quyền, một chủ cơ sở điêu khắc đá khác, chia sẻ: “Trước đây, các cơ sở sử dụng nhiều axit trong công đoạn hoàn thiện sản phẩm. Nước axit thải ra thấm xuống đất gây nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngầm nhưng với chất liệu đá hiện nay thì không cần phải dùng nhiều axit nữa, thay vào đó người ta dùng dầu bóng vừa làm bóng, nổi vân đá, vừa giữ bền màu cho đá hơn trước. Đây cũng là xu thế chế tác đá mỹ nghệ theo hướng giảm bớt tác động tiêu cực đến môi trường của làng nghề”.

UBND phường Hòa Hải cho biết đến nay, đã có trên 80% cơ sở chế tác đá trên các tuyến đường của phường di dời vào làng nghề tập trung, góp phần giảm thiểu rất nhiều vấn nạn ô nhiễm môi trường và tiếng ồn gây bức xúc cho người dân.

Hỗ trợ, khuyến khích nhưng cũng cần chế tài

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn Huỳnh Cự, công tác vận động các chủ cơ sở chế tác đá vào khu vực sản xuất tập trung không dễ dàng gì. Tuy vậy, Ban Chỉ đạo quận về vận động các chủ cơ sở chế tác đá mỹ nghệ di dời xưởng trại vào làng nghề tập trung đã và đang tổ chức các tổ công tác vừa tích cực vận động, vừa lắng nghe kiến nghị của người dân và tham mưu tổ chức đối thoại giữa các chủ cơ sở với lãnh đạo quận.

Theo đề nghị của quận, thành phố áp dụng giá thuê mặt bằng rất ưu đãi đối với các chủ cơ sở chế tác đá chuyển vào làng nghề tập trung với mức chỉ từ 8.200 đồng/m²/năm đến 9.700 đồng/m²/năm tùy theo tuyến đường lớn, nhỏ; giao Chi cục Thuế miễn, giảm tiền thuê đất, miễn giảm thuế sản xuất, thuế phi nông nghiệp. Về phía quận cũng khuyến khích các chủ cơ sở chế tác đá di dời vào làng nghề tập trung với các hình thức: cung cấp mẫu thiết kế nhà xưởng miễn phí, cho phép các hộ khó khăn về kinh phí ban đầu chỉ xây dựng 1/2 xưởng trại, khi có điều kiện mới hoàn thành theo thiết kế. Mặt khác, chính quyền quận làm việc với các ngân hàng thương mại đóng trên địa bàn đề nghị cho các hộ dân vay các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư xây dựng xưởng trại mới trong làng nghề tập trung và vốn mua đá nguyên liệu.

Các chính sách hỗ trợ, khuyến khích đã tạo được sự đồng thuận cao của người dân. Đến nay, quận đã di dời hầu hết các cơ sở chế tác đá mỹ nghệ gần trường học, trên các tuyến đường trung tâm của phường Hòa Hải về làng nghề tập trung.

Trưởng ban Quản lý Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước Võ Đức Huy cho hay hiện còn 70 hộ dân đã nhận đất thực tế nhưng chưa di dời về làng nghề. Giữa tháng 7 vừa qua, quận tổ chức đợt cao điểm vận động các hộ dân này.

Các hộ đã có cam kết bằng văn bản xây dựng xong xưởng trại trước ngày 30-9 để dời về làng nghề trước ngày 31-12-2016. Trên cơ sở nội dung cam kết này, quận sẽ có chế tài đối với hộ không thực hiện đúng cam kết như rút giấy phép kinh doanh, ngừng cung cấp điện, thu hồi đất trong làng nghề đã giao để bố trí cho hộ khác có nhu cầu. Các biện pháp chế tài này nhằm bảo đảm các hộ đã nhận đất phải di dời vào làng nghề.

Thiếu đất để dân vào làng nghề

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn, Huỳnh Cự: Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước giai đoạn một với 374 lô đất làm xưởng trại nhưng vẫn chưa đủ đất cho các hộ chế tác đá trên địa bàn. Ngoại trừ các hộ đã di dời về làng nghề và hộ đã nhận đất, hiện vẫn còn 123 cơ sở chế tác đá nằm trong khu dân cư. UBND quận đã đã đề xuất và được thành phố chấp thuận cho phép làm đề án mở rộng diện tích làng nghề về phía Tây để đưa tất cả các cơ sở chế tác đá mỹ nghệ vào làng nghề tập trung. Quận rất mong thành phố triển khai sớm việc đầu tư mở rộng làng nghề.

SƠN TRUNG

;
.
.
.
.
.