.
XẾP HẠNG CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Đà Nẵng năm thứ tư dẫn đầu

.

Tại Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố nhằm sơ kết công tác cải cách hành chính (CCHC) giai đoạn 2011-2015 và triển khai nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020 diễn ra ngày 17-8, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa công bố chỉ số CCHC năm 2015 (PAR INDEX) của các bộ, ngành và UBND cấp tỉnh. Theo kết quả xếp hạng, Ngân hàng Nhà nước dẫn đầu nhóm 19 bộ, ngành; Đà Nẵng đứng đầu nhóm các tỉnh, thành phố.

Giao dịch tại Trung tâm Hành chính quận Liên Chiểu.  			      Ảnh: SƠN TRUNG
Giao dịch tại Trung tâm Hành chính quận Liên Chiểu. Ảnh: SƠN TRUNG

Theo đó, ở nhóm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng với kết quả 93,31%. Đây là năm thứ tư liên tiếp Đà Nẵng dẫn đầu PAR INDEX. Tiếp theo là Hải Phòng (92,59%), Đồng Nai (92,53%). Tỉnh Điện Biên đứng cuối bảng xếp hạng (74,99%). Giá trị trung bình chỉ số PAR INDEX năm 2015 của 63 tỉnh, thành phố là 85,11%, cao hơn 3,9% so với năm 2014. Khoảng cách giữa địa phương có kết quả chỉ số tổng hợp PAR INDEX cao nhất (Đà Nẵng) và tỉnh thấp nhất (Điện Biên) là 18,32%, thu hẹp nhiều so với mức 28,33% của năm 2014.

Chương trình tổng thể CCHC nhà nước của thành phố Đà Nẵng đã đề ra mục tiêu: Đến năm 2020, ít nhất 50% các dịch vụ hành chính công của các cơ quan, đơn vị trên toàn thành phố được cung cấp ở mức độ 3 và mức độ 4, đáp ứng nhu cầu thực tế, phục vụ người đân và doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi, dựa trên nhiều phương tiện khác nhau; hoàn thành xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành dùng chung: dân cư, kinh tế - xã hội, giáo dục - đào tạo, lao động việc làm, doanh nghiệp, thông tin địa lý... để làm nền tảng phục vụ công tác quản lý nhà nước. Mục tiêu của thành phố là đẩy mạnh việc đưa các dịch vụ hành chính công lên môi trường mạng; tổ chức mô hình chính quyền đô thị gắn với chính quyền điện tử để xây dựng thành phố thông minh trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT).

Trên cơ sở các nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài cùng với nguồn đầu tư nội tại, thành phố Đà Nẵng xây dựng, phát triển CNTT trên cơ sở 5 nội dung: hạ tầng, ứng dụng, nhân lực, chính sách và truyền thông.

Với 5 trụ cột nền tảng trên, thành phố đã thiết lập một hạ tầng CNTT - truyền thông để tạo lập một nền tảng vững chắc, từ đó phát triển các ứng dụng chính quyền điện tử. Cụ thể, Đà Nẵng đã xây dựng hạ tầng mạng đô thị (mạng MAN) với mạng cáp quang đi ngầm dài gần 300 km, hỗ trợ băng thông lên tới 20 Gbps (Gigabit), kết nối tất cả các cơ quan nhà nước từ thành phố xuống tận cơ sở. Ngày 21-8-2013, Trung tâm dữ liệu được đưa vào vận hành, được xem như “bộ não” cho toàn bộ hệ thống CNTT, giữ vai trò hạ tầng kỹ thuật của chính quyền điện tử đang được xây dựng tại Đà Nẵng.

Về mặt ứng dụng, thành phố đã khánh thành Hệ thống thông tin chính quyền điện tử vào tháng 7-2014. Hệ thống được xây dựng trên nền tảng khung kiến trúc tổng thể Chính phủ điện tử toàn diện và tiên tiến trên cơ sở tham khảo hệ thống của các nước Đức, Hàn Quốc, Singapore, gồm các cơ sở dữ liệu nền tảng như cơ sở dữ liệu dân cư, địa lý, thông tin quản lý, thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến. Đến nay, 100% các cơ quan hành chính các cấp (phường, xã, quận, huyện, sở, ngành) đã sử dụng chung hệ thống một cửa điện tử, cho phép liên thông, chuyển hồ sơ điện tử giữa tất cả các cơ quan, đơn vị.

Thành phố đã xây dựng mới, chuyển đổi hơn 500 dịch vụ công trực tuyến, hình thành khung tổng thể về ứng dụng dịch vụ công trực tuyến.

Đối với ứng dụng CNTT trong nội bộ các cơ quan nhà nước, đến nay, 100% các cơ quan hành chính, bao gồm các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố, UBND các quận, huyện, phường, xã đã ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành, tất cả công chức thành phố đều được cấp email công vụ và trao đổi công việc thông qua email. 100% các sở, ngành đã được cấp chứng thư điện tử và chữ ký số dành cho lãnh đạo.

Đà Nẵng cũng là địa phương đi đầu trong cả nước trong việc đánh giá mức độ hài lòng của công dân trực tuyến, xây dựng cơ sở dữ liệu về công chức, viên chức và triển khai hệ thống đánh giá công chức trực tuyến. Đối với các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp, việc triển khai tiếp nhận và xử lý hồ sơ trực tuyến là ưu tiên của toàn thành phố. Đến hết năm ngoái, 100% việc kê khai thuế và nộp tờ khai hải quan đã được thực hiện qua mạng. Đà Nẵng cũng là địa phương tiên phong thí điểm và hoàn thành việc triển khai nộp thuế điện tử, triển khai thực hiện thủ tục bảo hiểm xã hội qua mạng. Năm 2016, Đà Nẵng tiếp tục là một trong các địa phương thí điểm các thủ tục hành chính trực tuyến liên quan đến Kho bạc Nhà nước.

Ở nhóm bộ, ngành, đứng đầu bảng xếp hạng là: Ngân hàng Nhà nước (chỉ số 89,42%), Bộ Tài chính (89,21%), Bộ GTVT (88,77%). Nhóm cuối bảng xếp hạng là Bộ Thông tin và Truyền thông (82,04%), Bộ Công thương (82,19%), Bộ Khoa học và Công nghệ (82,21%), Bộ Giáo dục và Đào tạo (82,27%). Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, không có bộ, ngành nào bị tụt điểm so với năm 2014. Giá trị trung bình chỉ số PAR INDEX của 19 bộ, ngành đạt được là 85,3%, đạt giá trị cao nhất trong 4 năm triển khai thực hiện xác định PAR INDEX, cao hơn 8,31% so với năm 2014. Tăng điểm cao nhất trong năm là các bộ: Y tế (tăng 13,03%), Khoa học và Công nghệ (tăng 11,21%), Giáo dục và Đào tạo (11,08%).

S.TRUNG - B.T

;
.
.
.
.
.