Thời gian cho mượn đất đã quá hạn, thế nhưng người dân lại không chịu bàn giao đất khi chính quyền địa phương có chủ trương thu hồi toàn bộ diện tích đất mà người dân đã mượn trước đó để canh tác nuôi trồng thủy sản.
Sau khi mượn được đất, nhiều hộ dân đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng trại nuôi tôm. |
Mong tiếp tục mượn đất
Mặc dù UBND phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu đã gửi thông báo đến từng hộ dân tại tổ 73 về việc thu hồi lại toàn bộ diện tích đất mà 19 hộ dân đã mượn của Nhà nước trước đó để nuôi trồng thủy sản, thế nhưng, các hộ vẫn chưa chịu trả lại diện tích đất đã mượn với lý do địa phương thông báo quá “đột ngột”.
Ông Nguyễn Trọng Thành, một trong 19 hộ dân nuôi tôm giống tại tổ 73 cho biết, năm 1997, do cuộc sống gặp nhiều khó khăn nên 19 hộ dân đã đề nghị với UBND phường Hòa Hiệp (nay là phường Hòa Hiệp Bắc) xin được thuê, mượn một số diện tích đất dọc bờ biển (thuộc tổ 73, phường Hòa Hiệp Bắc) để xây dựng các trại sản xuất tôm giống, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân. Cũng theo ông Thành, sau nhiều năm nuôi trồng, có mùa bấp bênh, thất bát vì thiên tai cuốn hết trại sản xuất, nhà cửa bị đánh sập, nhưng các hộ dân nuôi tôm ở đây vẫn bám trụ, vay mượn tiền đầu tư để gầy dựng lại trại nuôi tôm giống. Đến nay, 19 hộ dân nuôi tôm đã có nguồn thu nhập ổn định từ 4 đến 5 triệu đồng/hộ/tháng.
Theo ông Nguyễn Trọng Thành, người dân được phường Hòa Hiệp Bắc tạo điều kiện cho thực hiện nghĩa vụ đóng thuế nhà đất từ năm 2006 đến năm 2011, nhưng sau đó không hiểu lý do gì mà phường lại không cho người dân nuôi tôm ở đây thực hiện đóng thuế đất nữa. Bây giờ, UBND phường lại ra thông báo cho tất cả các hộ nuôi tôm giống phải tháo dỡ nhà ở và trại nuôi tôm để trả lại đất cho phường quản lý. Do vậy, hầu hết 19 hộ dân nuôi tôm tại đây trong tâm trạng “đứng ngồi không yên” trước chủ trương thu hồi đất đang canh tác hiệu quả. Điều người dân thắc mắc là ở khu vực này không “dính” quy hoạch để làm dự án. Theo ông Vũ Mai Lan, để có được cơ sở nuôi tôm giống quy mô như hiện nay, các hộ dân ở đây đầu tư nhiều tiền. Bây giờ, chính quyền địa phương thu hồi đất, bắt tháo dỡ hết thì nhiều hộ nuôi tôm sẽ lâm cảnh trắng tay, nợ nần… vì mỗi hộ dân đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng trại nuôi tôm.
Không bàn giao sẽ cưỡng chế
Qua tìm hiểu, trước khi có chủ trương thu hồi đất của 19 hộ dân nuôi tôm giống, UBND phường Hòa Hiệp Bắc đã mời các hộ dân họp để thông báo về sự việc này. Thế nhưng, tại cuộc họp, hầu hết các hộ dân nuôi tôm đều không đồng tình về việc lấy lại đất, vì họ cho rằng, hiện thành phố chưa có quy hoạch, dự án cụ thể nào trên vùng đất mà người dân đang nuôi tôm. Về vấn đề này, ông Trương Việt, Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc khẳng định, 19 hộ dân nuôi tôm ở tổ 73 là mượn đất để canh tác chứ không phải là thuê đất của Nhà nước. Đến nay, thời hạn mượn đất đã hết hạn thì phải trả đất lại cho Nhà nước. Cũng theo ông Việt, việc thu hồi đất là theo quy định vì đã quá thời hạn cho mượn, còn ở khu vực này chưa có quy hoạch về dự án nào cả. Nếu có dự án thì chính quyền đã buộc các hộ dân phải di dời ngay. Trong tương lai sẽ phát triển khu vực này theo hướng thương mại, dịch vụ du lịch ven biển.
“Chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện cho bà con phát triển kinh tế, tuy nhiên nhiều hộ dân lại yêu sách đòi hỗ trợ, đền bù vật liệu kiến trúc mà người dân xây dựng trên phần đất mượn của Nhà nước là quá vô lý. Những hộ dân nào mượn đất đã quá hạn thì phải trả lại Nhà nước, còn nếu có nhu cầu mượn đất tiếp để sản xuất thì phải đến phường làm thủ tục gia hạn mượn đất để phường kiến nghị với quận xem xét giải quyết. Hiện nay, phường đã kiến nghị với UBND quận Liên Chiểu và các ngành liên quan, nếu các hộ dân cố tình chây ỳ, không chịu bàn giao đất sẽ thực hiện cưỡng chế theo quy định”, ông Việt cho hay.
Theo đơn kiến nghị của 19 hộ dân gửi UBND quận Liên Chiểu cũng như tại các buổi tiếp xúc cử tri, đa số các hộ dân nuôi tôm giống ở khu vực tổ 73 đều có chung một nguyện vọng: Nếu thành phố và quận có chủ trương thu hồi đất trên diện tích mà người dân đang ở và sản xuất vì lợi ích cộng đồng thì đề nghị thành phố, quận hỗ trợ, đền bù tiền xây nhà cửa, trại nuôi tôm. Còn nếu khu vực này chưa có quy hoạch dự án, người dân mong thành phố và quận Liên Chiểu tạo điều kiện cho phép người dân tiếp tục sinh sống, sản xuất trên diện tích đất mà người dân đã mượn, thuê của chính quyền địa phương. |
Bài và ảnh: TRỌNG HÙNG