.
Công trình "Lịch sử Đảng bộ thành phố Đà Nẵng"

Làm rõ vai trò lãnh đạo và đổi mới tư duy của lãnh đạo thành phố

.

Sáng 14-9, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Thanh Quang chủ trì hội thảo lần cuối công trình “Lịch sử Đảng bộ thành phố Đà Nẵng” giai đoạn 1975-2015. Tham dự có các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy (khóa XXI); các đồng chí nguyên Bí thư, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy các khóa trước.

Đồng chí Phan Như Lâm, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, phát biểu tại hội thảo.  				  Ảnh: ĐOÀN LƯƠNG
Đồng chí Phan Như Lâm, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: ĐOÀN LƯƠNG

Tính đến thời điểm này, công trình “Lịch sử Đảng bộ thành phố Đà Nẵng” đã trải qua 5 lần hội thảo và xin ý kiến nhân chứng, chuyên gia. Đặc biệt, tại hội thảo lần thứ ba, đa số các ý kiến của nhân chứng và chuyên gia đề nghị tiếp tục biên soạn bổ sung giai đoạn 2010-2015, để cùng với phần thực hiện trước đó (từ năm 1975-2010) tạo nên sự cân đối giữa hai phần của công trình gồm: Phần 1: Thành phố Đà Nẵng thời kỳ trực thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (1975-1996) và Phần 2: Thành phố Đà Nẵng thời kỳ trực thuộc Trung ương (1997-2015), tương ứng với 40 năm xây dựng phát triển thành phố sau giải phóng. Riêng phần biên soạn bổ sung giai đoạn 2010-2015 cùng với phần biên soạn từ giai đoạn 1997-2010 sẽ khắc họa rõ ràng, trọn vẹn và thuyết phục hơn về bức tranh tổng thể phát triển có tính đột phá của thành phố Đà Nẵng thời kỳ trực thuộc Trung ương.

Theo đó, công trình thể hiện rất rõ việc Đảng bộ thành phố Đà Nẵng đã chủ động, nhạy bén, chọn những khâu đột phá dựa trên tiềm năng và thế mạnh của mình để phát triển theo hướng nhanh và bền vững. Bên cạnh đó, chú trọng quan điểm phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa-xã hội một cách hài hòa, bền vững, hướng đến con người nhằm xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành thành phố văn hóa, thành phố của những cây cầu, thành phố sự kiện, thành phố môi trường, thành phố của sự hội tụ, thành phố đáng sống… Bản thảo bước đầu đã đúc kết, rút ra một số bài học kinh nghiệm, từ đó bổ sung, làm phong phú hơn vai trò lãnh đạo của Đảng bộ thành phố trong công cuộc xây dựng, phát triển và hội nhập hiện nay.

Tại hội thảo, Ban Biên soạn công trình tiếp tục nhận được các ý kiến đóng góp của các nhân chứng và chuyên gia về các phong trào, sự kiện trong bản thảo đề cập như: công tác cải tạo công - thương nghiệp; tinh thần đổi mới, sự chủ động đề xuất Trung ương các phương án chia tách tỉnh, công tác xây dựng Đảng bằng các quan điểm mới, sáng tạo; những chủ trương đột phá để thay đổi một cách toàn diện về kinh tế-xã hội của thành phố sau khi trực thuộc Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị đối với thành phố Đà Nẵng gắn với thực hiện 5 đột phá về phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XX Đảng bộ thành phố. Ngoài ra, còn có các ý kiến đóng góp về các nhân vật tiêu biểu có ảnh hưởng to lớn và để lại dấu ấn sâu đậm đối với Đảng bộ và nhân dân thành phố Đà Nẵng giai đoạn 1975-2015 cũng như danh sách Ban Chấp hành Đảng bộ từ 1997-2015; phương pháp trình bày, cách hành văn và dùng từ trong những vấn đề cụ thể của bản thảo; kết luận và những bài học kinh nghiệm.

Trong đó, nhiều ý kiến đóng góp đề nghị cần làm sáng tỏ giới hạn hành chính và vai trò lãnh đạo của Đảng bộ thành phố trong từng giai đoạn lịch sử của giới hạn hành chính đó; quan tâm nhiều hơn đến công tác xây dựng Đảng và làm rõ vai trò lãnh đạo của Đảng trong công trình lịch sử này; chỉ rõ những đổi mới tư duy của các lãnh đạo chủ chốt và rút ra những bài học kinh nghiệm…

Dự kiến, công trình “Lịch sử Đảng bộ thành phố Đà Nẵng” được in ấn, phát hành nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương (1-1-1997 – 1-1-2017).

ĐOÀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.