Một cộng đồng an toàn (CĐAT) có 4 tiêu chí: Các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp; cộng đồng có hiểu biết cơ bản về thiên tai, thảm họa và biện pháp phòng tránh, ứng phó, có hiểu biết cơ bản về sơ cấp cứu, người dân - nhất là trẻ em, biết bơi, có kỹ năng cứu đuối nước; người nghèo và các đối tượng dễ bị tổn thương được khám, tư vấn sức khỏe và tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu; cộng đồng có hiểu biết về hiến máu và tham gia hiến máu tình nguyện.
Tiếp nhận trang thiết bị cứu nạn của các tổ chức nhân đạo quốc tế. (Ảnh do Hội Chữ thập đỏ thành phố cung cấp) |
Với mục tiêu hướng đến một CĐAT, trong nhiệm kỳ 2011-2016, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) các cấp trên địa bàn Đà Nẵng đã tiến hành nhiều hoạt động, chương trình nhân đạo, giúp các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn và cộng đồng dễ bị tổn thương cải thiện cuộc sống, ứng phó hiệu quả với những rủi ro, thiết thực góp phần hoàn thành các chương trình an sinh xã hội của thành phố.
Nổi bật nhất là cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, với nhiều đơn vị tiêu biểu tại các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, huyện Hòa Vang, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố.
5 năm qua, toàn Hội đã vận động 5.962 lượt tổ chức, cá nhân đóng góp tiền, hàng trị giá gần 41 tỷ đồng, trợ giúp 18.832 địa chỉ nhân đạo; tổ chức nhiều hoạt động giúp đỡ người nghèo và vận động ủng hộ Chương trình xây dựng nông thôn mới ở huyện Hòa Vang gần 10 tỷ đồng, thực hiện dự án “Ngân hàng bò” tại huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam), hỗ trợ ngư dân, Cảnh sát biển gặp khó khăn, huấn luyện sơ cấp cứu, hướng dẫn phòng ngừa, ứng phó giảm nhẹ rủi ro, thiên tai cho bà con ngư dân. Đặc biệt, phong trào “Tết vì người nghèo, người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam” đã đem đến những phần quà chan chứa hương xuân và tình nhân ái cho 151.000 lượt người có hoàn cảnh khó khăn.
Chương trình tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng thường xuyên được chú trọng với các hoạt động mít-tinh, tập huấn, hội thảo, diễn tập sơ tán... tại các xã, phường, khu dân cư, trường học.
Hội đã thành lập Đội Ứng phó thảm họa, xây dựng kho hàng cứu trợ nhằm cung cấp trang thiết bị phòng ngừa thảm họa cho người dân, đồng thời đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên, tập huấn viên phòng ngừa, ứng phó thảm họa, chuẩn bị sẵn các phương án cứu trợ khẩn cấp; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn phòng ngừa, ứng phó thảm họa rủi ro thiên tai cho 41.540 lượt hộ dân; phối hợp giáo dục ngoại khóa về phòng ngừa thảm họa cho 22.000 học sinh lớp 4 và lớp 5; triển khai các dự án về giảm thiểu rủi ro thiên tai cho cộng đồng dễ bị tổn thương, do Tổ chức Save the Children, World Vision tài trợ tại các quận Thanh Khê, Liên Chiểu và huyện Hòa Vang.
Trong 5 năm qua, Trung ương Hội và Thành Hội đã đào tạo 165 hướng dẫn viên, tập huấn viên sơ cấp cứu; Trung tâm Huấn luyện sơ cấp cứu CTĐ thành phố và các cấp Hội đã tập huấn kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu cho 12.250 giáo viên, lái xe, công nhân, hội viên, tình nguyện viên và phối hợp hướng dẫn kiến thức sơ cấp cứu, phòng tránh tai nạn thương tích cho trên 50.000 học sinh; kiện toàn 15 điểm sơ cấp cứu an toàn giao thông tại các điểm dễ xảy ra tai nạn giao thông; lực lượng tình nguyện viên CTĐ tham gia sơ cứu ban đầu, giảm thiểu thương tích và tử vong cho 2.404 trường hợp.
Hằng năm, đội ngũ cán bộ Hội và tình nguyện viên CTĐ tích cực tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Trong các dự án “Ứng phó khẩn cấp bệnh tay-chân-miệng năm 2012”, “Phòng chống bệnh sốt xuất huyết năm 2013”, toàn Hội đã tuyên truyền, tư vấn cho gần 20.000 hộ dân, tổ chức 5.500 buổi thảo luận tại cộng đồng dân cư, nhóm trẻ gia đình, thiết thực góp phần ngăn chặn sự lan truyền dịch bệnh trên địa bàn thành phố; tổ chức khám bệnh, tư vấn, cấp thuốc điều trị miễn phí cho 86.000 người nghèo và nhân dân vùng ven biển, miền núi.
Nhiệm kỳ qua, Hội phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương vận động được 153.473 đơn vị máu (vượt gần 30.000 đơn vị máu so với chỉ tiêu), đáp ứng 100% nhu cầu máu cho cấp cứu và điều trị tại các bệnh viện trong thành phố. Tỷ lệ dân số thành phố hiến máu đạt 3,67% (toàn quốc 1,4%). Hội đã xây dựng nhiều mô hình hiến máu tình nguyện sát thực tế như Câu lạc bộ (CLB) Hiến máu dự bị, CBL 25, CBL Nhóm máu hiếm Rh âm, với gần 1.600 thành viên tham gia, đóng góp hữu hiệu vào sự nghiệp hiến máu cứu người.
Với phương châm “Đổi mới tư duy, tạo dựng vị thế, bảo vệ sự sống”, giai đoạn 2016-2021, Hội tập trung đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả các chương trình nhân đạo, tích cực góp phần xây dựng thành phố an bình và đáng sống.
Nhiệm kỳ mới, toàn Hội phấn đấu trợ giúp 15.000 địa chỉ nhân đạo, hỗ trợ cho 150.000 lượt người có hoàn cảnh khó khăn; tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng ngừa ứng phó thảm họa cho 50.000 hộ dân và 50.000 học sinh; duy trì, củng cố 30 điểm cấp cứu tai nạn giao thông, trang bị kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu cho 120.000 người; vận động hiến máu tình nguyện đạt 200.000 đơn vị máu; xây dựng và phát triển 240 tập huấn viên, hướng dẫn viên sơ cấp cứu, phòng ngừa thảm họa; tổng giá trị kinh phí vận động, tiếp nhận thực hiện các chương trình, dự án nhân đạo đạt 200 tỷ đồng...
Hội Chữ thập đỏ thành phố hiện có 9 Hội cấp quận, huyện, khối đại học, cao đẳng, 95 Hội cơ sở, với hơn 27.000 hội viên; 100% trường tiểu học, THCS, THPT và 70% trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố có tổ chức Hội. Tổng giá trị kinh phí vận động, tiếp nhận, thực hiện các chương trình, dự án và hoạt động Hội trong 5 năm (2011-2016) đạt 225,8 tỷ đồng, với 267.905 lượt người được trợ giúp. |
PHAN NHƯ NGHĨA
Phó Tổng Thư ký Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng (nhiệm kỳ 2011 - 2016)