Chính trị - Xã hội
Chất lượng nước thải không đạt yêu cầu
Nhiều doanh nghiệp chưa tách riêng hệ thống thoát nước mưa và nước thải, hàm lượng COD, TSS, coliform vượt mức cho phép khi đưa vào hệ thống xử lý tập trung, chất lượng nước thải sau xử lý không đạt yêu cầu... Đó là kết luận của Sở Tài nguyên và Môi trường trong đợt kiểm tra đột xuất công tác bảo vệ môi trường tại 37 doanh nghiệp hoạt động tại khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh vừa qua.
Thời gian qua, hệ thống hạ tầng thu gom xuống cấp khiến một số doanh nghiệp lợi dụng xả lén nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Ảnh: NGỌC PHÚ |
Hạ tầng đường ống thu gom xuống cấp
KCN Hòa Khánh có tổng chiều dài hệ thống thu gom, thoát nước thải KCN 21.264m, trong đó chiều dài ống HDPE chiếm 65%, còn lại là tuyến ống bê-tông ly tâm. Theo ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải thành phố, phần lớn tuyến ống bê-tông ly tâm được đầu tư từ năm 2002 đã bị hư hỏng, xuống cấp, ảnh hưởng hiệu quả thu gom nước thải về Trạm Xử lý nước thải (XLNT) tập trung của KCN.
Đặc biệt, tuyến cống thu gom nước thải đường số 4 về Trạm XLNT tập trung của KCN có nhiều đoạn bị võng, nứt thân và hở mối nối. Do vậy, nhiều trận mưa to nước thải tràn ra đường, gây bức xúc cho người dân.
Tại một số tuyến cống do cao trình các hố ga và hệ thống thoát không bảo đảm dẫn đến nước thải thoát không kịp tràn ra ngoài. Để hạn chế ô nhiễm, thời gian qua, Công ty Phát triển và Khai thác hạ tầng KCN Đà Nẵng (Daizico) - đơn vị chủ đầu tư, khai thác - đã đầu tư thêm 2 máy bơm tại trạm bơm trung chuyển đường số 4 và 7 kịp thời bơm nước thải thu gom về Trạm XLNT tập trung, kết hợp nâng cao cao trình các hố ga trên đường số 4 và 5 bảo đảm nước thải không tràn ra ngoài, đổ bê-tông đáy mương nước mưa đường số 4 với chiều dài khoảng 250m bảo đảm cao trình, nạo vét các tuyến nước thải trên các đường số 2, 5, 7, 8, 9…
Vào năm 2015, Daizico cũng đã trình UBND thành phố đầu tư thay thế các tuyến cống bị hư hỏng với chiều dài khoảng 2,5km và UBND thành phố đã phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 7907/QĐ-UBND ngày 27-10-2015 với tổng mức vốn 39 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do vướng mắc thủ tục đầu tư nên đến nay việc thi công tuyến ống này vẫn chưa được thực hiện. Ngoài ra, Daizico cũng đề xuất thay thế các tuyến cống bê-tông ly tâm còn lại với chiều dài khoảng 5km bằng ống nhựa HDPE, xây dựng trong năm 2017 với kinh phí khoảng 65 tỷ đồng...
Hàm lượng DOC, TSS... vượt quy chuẩn
Trước bức xúc của người dân về việc KCN Hòa Khánh gây ô nhiễm môi trường, vừa qua, Chi cục Bảo vệ môi trường đã thành lập đoàn kiểm tra đột xuất tại 37/167 doanh nghiệp hoạt động tại đây. Qua kiểm tra, hầu hết các cơ sở đều vi phạm một trong các tiêu chí bảo vệ môi trường do ngành chức năng yêu cầu như không tách đấu nước mưa và nước thải, nước tràn từ hố ga ra đường…
Trong đó, 7/37 doanh nghiệp có chất lượng nước thải sau đấu nối vào hệ thống thu gom đưa về Trạm XLNT tập trung không đạt yêu cầu đối với đầu vào của trạm. Trong đó, có một số mức vượt cao như: Công ty Gạch men Cosevco có hàm lượng TSS vượt 3,86 lần, COD vượt 2,1 lần; Công ty TNHH MTV Thực phẩm Á Châu Đà Nẵng có hàm lượng COD vượt từ 0,63 đến 2,87 lần; Doanh nghiệp tư nhân Thành Công 2 có hàm lượng COD vượt 2,35 lần; Xí nghiệp Sản xuất giấy Thanh Hùng có hàm lượng COD vượt 4,17 lần; Công ty Giấy Vĩnh Nghiệp có hàm lượng TSS vượt 4,86 lần, COD vượt 20,67 lần so với yêu cầu chất lượng nước thải đầu vào Trạm XLNT tập trung.
Điều đáng nói, ngoài doanh nghiệp vi phạm về môi trường, hoạt động quản lý và vận hành Trạm XLNT tập trung cũng có nhiều hạn chế. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, vào tháng 5 vừa qua, qua kiểm tra công tác bảo vệ môi trường cho thấy, chất lượng nước thải sau xử lý tại Trạm XLNT tập trung KCN Hòa Khánh không đạt yêu cầu.
Đối với màu, vượt 3,83 lần; Coliform vượt 91 lần so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp… Công ty Daizico không phối hợp với đơn vị vận hành Trạm XLNT tập trung để thường xuyên kiểm tra chất lượng nước thải đầu vào trạm hoặc nước thải sau khi xử lý cục bộ tại cơ sở, nhất là cơ sở có lưu lượng nước thải lớn, cơ sở có tải lượng ô nhiễm lớn…
Trước những tồn tại, hạn chế trên, về giải pháp cấp bách, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đề nghị UBND thành phố giao Ban quản lý KCN và chế xuất chỉ đạo Daizico chủ trì, phối hợp với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị (Urenco) Hà Nội yêu cầu các cơ sở trong KCN chỉ được phép xả thải nước sau khi xử lý cục bộ vào hệ thống thu gom, đưa về Trạm XLNT tập trung với nồng độ chất ô nhiễm theo thiết kế đầu vào hoặc theo cam kết trong hồ sơ môi trường đã được cơ quan Nhà nước về môi trường phê duyệt.
Phải kiểm tra chất lượng nước thải định kỳ (tối thiểu 1 tháng/lần) đối với cơ sở có lưu lượng nước thải >100m3/ngày và tiến hành dừng tiếp nhận nước thải trong trường hợp không đạt yêu cầu. Lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục đầu ra đối với 5 thông số đã được UBND thành phố phê duyệt theo Công văn số 1756 ngày 16-6-2016… Về giải pháp thường xuyên và lâu dài, đề nghị hai đơn vị Daizico và Urenco Hà Nội thuê đơn vị tư vấn độc lập khảo sát tính toán lại cao trình giữa tuyến ống thu gom nước thải và hố thu gom tại Trạm XLNT tập trung nhằm xây dựng phương án vận hành không để nước tràn ra các hố ga.
Cạnh đó, phải cập nhật kế hoạch sản xuất, dự báo lưu lượng tại các doanh nghiệp và chủ động trong xử lý nước thải tập trung. Đặc biệt, đến năm 2017, lắp đặt bổ sung thiết bị đo tự động liên tục sau Trạm XLNT tập trung đối với dầu mỡ khoáng và kim loại nặng để bảo đảm chất lượng nước thải sau khi xử lý ra môi trường…
NGỌC PHÚ