Mặc dù bão số 4 đổ bộ vào Đà Nẵng có cường độ gió nhẹ, nhưng sau bão, ước tính hơn 520 cây xanh ngã, đổ, nghiêng thân. Vậy nguyên nhân do đâu? Phóng viên Báo Đà Nẵng có cuộc trao đổi với ông Đặng Đức Thứ, Giám đốc Công ty Công viên cây xanh Đà Nẵng về vấn đề này.
Cây xanh ngã, đổ sau bão số 4 trên đường Nguyễn Tất Thành được cho là do hệ rễ yếu. Ảnh: Ngọc Phú |
* Mặc dù bão số 4 không mạnh, tuy nhiên, lượng cây ngã đổ sau bão khá nhiều. Ông có thể cho biết đâu là nguyên nhân?
- Sau bão số 4, số lượng cây xanh bị ngã, đổ này không phải tập trung ở một khu vực mà rải rác trên nhiều tuyến đường và các quận, huyện khác nhau. Ngoài yếu tố do gió bão, việc mưa dầm cả 1 ngày trước khi bão đổ bộ cũng là một trong những nguyên nhân khiến cây ngã, nghiêng thân. Một phần nữa là do phần rễ của các cây quá yếu, không bám đất được. Việc rễ yếu có thể do cây mọc rễ chậm hoặc bị xén rễ trong quá trình chỉnh trang đô thị, làm hạ tầng kỹ thuật. Phần nữa là do theo kế hoạch đến tháng 10-2016, công ty mới hoàn tất việc cắt tỉa cành nhánh, nhưng giữa tháng 9 đã xảy ra bão nên việc cắt tỉa không kịp cũng khiến cây ngã, đổ nhiều.
* Về kỹ thuật trồng, liệu có vấn đề gì không, thưa ông?
- Kỹ thuật trồng không có vấn đề. Theo kiểm tra, hầu hết các cây đều được trồng đúng quy trình bởi nếu khi cây bật gốc, bầu không được xé ra mới được coi là lỗi kỹ thuật. Nhưng trong cơn bão này, cây xanh chủ yếu bị ngã, nghiêng thân nhiều, chứng tỏ hệ rễ bám yếu. Theo tính toán, thiệt hại về cây xanh trong đợt bão này thấp vì các cây sau khi dựng lên, chằng chống lại sẽ tiếp tục phát triển tốt. Trừ những cây quá nặng, bị gãy ngang thân hoặc cẩu lên rễ không còn nữa thì mới phải bỏ đi trồng lại cây mới. Tuy nhiên, tỷ lệ không sử dụng được nữa chỉ khoảng 5%.
Công việc cắt tỉa cành chống bão tiếp tục được duy trì trong suốt mùa mưa bão để đảm bảo an toàn. TRONG ẢNH: Công nhân đang cắt tỉa cành tại tuyến đường Nguyễn Văn Linh. |
* Công ty đã có phương án gì để đối phó với những cơn bão tiếp theo, nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại do bão gây ra đối với cây xanh công cộng?
- Công tác phòng chống lụt bão đã được công ty lên phương án và bắt đầu triển khai từ giữa tháng 7 đến đầu tháng 9. Tuy nhiên, thời gian này công việc cắt tỉa cành nhánh không được suôn sẻ, chậm tiến độ do trời nắng nóng, có tuyến phố người dân đồng tình cho cắt tỉa, có tuyến cản trở.
Thêm vào đó, lượng ô-tô đậu dọc lòng lề đường quá nhiều khiến công nhân công ty không thể bỏ xe gầu cắt tỉa ở những đường lớn, phải chuyển qua những đường nhỏ hơn. Cuối tháng 8 vừa rồi, thành phố đã bàn giao cây xanh tại các tuyến đường dưới 7,5m cho các quận quản lý, cắt tỉa cành, nhánh chống bão. Để đối phó với những cơn bão tiếp theo, sau bão số 4, công ty tập trung khắc phục cây ngã đổ, nghiêng thân sau bão không chỉ những tuyến đường do công ty quản lý mà cả những tuyến đường do các quận quản lý. Sau khi hoàn tất sẽ quay trở lại cắt tỉa theo kế hoạch để đẩy nhanh tiến độ.
* Theo ông, những loại cây xanh trên địa bàn thành phố đã phù hợp với thổ nhưỡng, địa hình, khí hậu địa phương chưa? Biện pháp gì để cây xanh Đà Nẵng vừa đẹp vừa bảo đảm chống chịu tốt hơn với thời tiết trong thời gian tới?
- Theo tôi, cây xanh thích nghi và sinh trưởng, phát triển tốt trên một vùng đất nhất định nào đó thì được coi là phù hợp. Tuy nhiên, Đà Nẵng là thành phố chịu nhiều gió bão, vì vậy, không nên trồng những cây quá cao vì những cây này trước sau rồi cũng ngã nếu gió bão quá lớn.
Hiện nay, có nhiều loại cây thành phố đang yêu cầu công ty hạ độ cao xuống dưới 12m để bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão. Nên chăng, thành phố chọn trồng những cây có chiều cao trung bình như các cây lộc vừng, giáng hương, bằng lăng, hoàng hậu… tán vừa đẹp, khả năng an toàn lại cao. Ngoài ra, không nên nôn nóng trồng những cây có đường kính lớn bởi những cây này độ bám rễ không tốt bằng những cây có đường kính nhỏ và dễ ngã đổ nếu có bão ập đến.
PV: Xin cám ơn ông.
Cây xanh đô thị trên toàn thành phố hiện có hơn 190.000 cây. Trong đó, Công ty Công viên cây xanh tiếp nhận và quản lý gần 99.000 cây xanh công cộng (đường phố, công viên, vườn hoa, vườn dạo); còn lại là cây xanh trong các khu nghỉ dưỡng, trường học, công sở, bệnh viện… |
Thanh Tình thực hiện
Ông Hoàng Quang Huy, Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị: Cần quan tâm đến hệ thống cây xanh Đà Nẵng là thành phố trẻ với hệ thống đường phố đang quy hoạch, chỉnh trang nên việc chọn trồng những cây lớn để cho bóng mát nhanh là nguyên nhân dẫn đến cây xanh ngã đổ nhiều trong gió bão. Thông thường, cây xanh nếu được trồng từ nhỏ, khả năng bám rễ rất cao và chống chịu tốt với thời tiết hơn là những cây lớn quá rồi mới mang về trồng. Ngoài ra, một phần do lỗi của các dự án, chủ đầu tư khi làm các công trình, dự án. Khi hoàn thiện, chính họ phải có kế hoạch đưa hệ thống cây xanh vào trồng và chăm sóc, như vậy, cây sẽ có thời gian sinh trưởng và phát triển. Chứ không phải khi nhà cửa đã hình thành, đường sá xong xuôi khi đó mới tính đến việc mang cây xanh về trồng để tạo bóng mát, mà muốn có bóng mát nhanh thì phải trồng cây to, bất cập là ở chỗ đó. Vì vậy, thành phố phải có chủ trương yêu cầu các ban quản lý dự án, các nhà đầu tư khi đầu tư các khu đô thị phải ưu tiên quan tâm đến hệ thống cây xanh. Ông Nguyễn Thưởng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường: Cây nhỏ mới có khả năng sinh trưởng tốt Cây xanh đường phố hầu hết là cây bị chặt bớt rễ, có cây không còn rễ cọc thì lấy đâu ra sức để bám vào đất. Hơn nữa, dưới các cây phần lớn là các hố kỹ thuật thì làm sao rễ ăn sâu vào được; chưa nói, đất đai ở Đà Nẵng hầu hết là đất pha cát, tính ổn định không cao. Một nguyên nhân nữa là do mình không đề phòng trước được sự ảnh hưởng của các cơn bão để có phương án xử lý kịp thời. Đến khi cây cối ngã đổ rồi mới lo đi thu dọn, dựng cây, chằng chống thì lúc đó cây cũng đã bị tổn thương nặng nề. Nên chăng, theo tôi, khi trồng cây, các ban, ngành, đơn vị cần có ý thức trồng cây không chỉ để tạo bóng mát mà còn có khả năng chống chịu gió bão. Thành phố và nhân dân cũng nên đồng sức, đồng lòng lựa chọn chủng loại cây phù hợp và đặc biệt là cây phải nhỏ mới có khả năng sinh trưởng tốt. Ngoài ra, cần nghiên cứu kỹ việc trồng cây sao cho tránh luồng gió bão, hoặc nên có phương án cụ thể cho từng khu vực cây xanh để công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh đạt hiệu quả. Th.S Sinh học Trần Duy Linh, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà: Ưu tiên cây chống chịu với bão Đà Nẵng là địa phương chịu nhiều tác động của gió bão. Vì vậy, đối với cây xanh, thành phố nên hướng đến và ưu tiên trồng những loại cây có khả năng chống chịu với bão, tuy phát triển chậm hơn nhưng thân cây lại chịu được tác động của gió. Trong các đợt bão vừa qua, những loại cây như muồng tím, lim xẹt… có tỷ lệ ngã trốc gốc, gãy ngang cành cao, trong khi những cây có độ dẻo dai như lộc vừng, bằng lăng, giáng hương… lại ít chịu tác động hơn cả. Điều này cho thấy, muốn phát triển cây xanh ổn định và bền vững, nên chăng, thành phố phải chọn được những loại cây phù hợp và có phương án thay thế trong giai đoạn hiện nay. Về công tác chống dựng cây, theo tôi cũng chỉ là biện pháp hỗ trợ. Bởi theo nguyên tắc, cọc chống dựng cây chỉ hỗ trợ cho cây đứng thẳng trong giai đoạn ban đầu (khi mới trồng có thể chịu nhiều ảnh hưởng) để cân bằng hoặc chống dựng cây sau bão để bảo đảm an toàn cho phương tiện, con người. Còn để chống chịu với gió bão, bản thân cây phải có một quá trình phát triển tự nhiên mới tạo được sự cân bằng và chính cây xanh mới phải tự chống dựng, việc can thiệp các nẹp sắt chỉ là hỗ trợ bên ngoài. Bà Huỳnh Thị Hương, người dân phường Thạc Gián, quận Thanh Khê: Tốt nhất nên trồng cây khi còn nhỏ Tôi thấy, thông thường, cây khi mang đi trồng có đường kính lớn (mọi người nôn nóng muốn trồng cây lớn để có tán nhanh). Tuy nhiên, hạn chế của những cây lớn này là khả năng chống chịu với bão kém. Do rễ cọc đã bị cắt đi, không gian vỉa hè lại quá hẹp, không đủ để rễ bám sâu vào đất mà muốn cây đứng vững, bộ rễ phải mọc cân đối đủ cả 4 chiều. Rễ mọc lệch, tán cây phát triển mạnh ra lòng đường khiến cây mất cân đối, nên chỉ cần mưa to, gió lớn là cây có thể ngã bất cứ lúc nào. Vì vậy, theo tôi, nên trồng từ khi nhỏ, lúc này, hệ rễ mới có thể phát triển mạnh và cân đối, chứ ham trồng cây lớn, bão vào lại gãy đổ gây thiệt hại rất nhiều về kinh tế và con người. Phải tùy từng chủng loại cây, lứa tuổi của cây để chọn cây trồng phù hợp. Đan Tâm ghi |