Việc quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đang được triển khai chặt chẽ, nghiêm túc với phương châm là thực hiện tốt công tác phát hiện sớm nguồn cán bộ trẻ, có đức, có tài và triển vọng về khả năng lãnh đạo, quản lý đưa vào quy hoạch để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn các chức danh lãnh đạo, đáp ứng nhiệm vụ quản lý trước mắt và lâu dài của các đơn vị và thúc đẩy phát triển thành phố trong các giai đoạn tới.
Phương châm “mở” và “động”
Để triển khai công tác quy hoạch cán bộ thực sự hiệu quả, ngày 29-6-2016, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Kế hoạch số 08-KH/TU về triển khai công tác quy hoạch Thành ủy nhiệm kỳ 2020-2025 và các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp thành phố giai đoạn 2020-2025; rà soát bổ sung quy hoạch Thành ủy nhiệm kỳ 2015-2020 và các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp thành phố giai đoạn 2015-2020.
Theo Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Trần Đình Hồng, một trong những điểm đáng chú ý trong kế hoạch này là triển khai theo phương châm “mở” và “động”. Trong đó, quy hoạch “mở” được hiểu là một chức danh cần quy hoạch một số người và một người có thể quy hoạch vào một số chức danh.
Song song đó, việc giới thiệu cán bộ không khép kín trong từng địa phương, cơ quan, đơn vị, không chỉ đưa vào quy hoạch những cán bộ tại chỗ mà cần xem xét đưa vào quy hoạch những người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện và triển vọng đảm nhiệm chức danh quy hoạch ở địa phương, cơ quan, đơn vị khác. Nếu theo giải pháp này thì cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phải có trách nhiệm bổ sung nhân sự từ nơi khác vào quy hoạch của cấp dưới.
“Quy hoạch “động” là quy hoạch được định kỳ rà soát, bổ sung, điều chỉnh theo sự phát triển của đội ngũ cán bộ. Trong đó, kịp thời đưa ra khỏi quy hoạch những cán bộ không còn đủ tiêu chuẩn, điều kiện, không có triển vọng phát triển hoặc uy tín thấp qua lấy phiếu tín nhiệm hằng năm; đi liền đó là bổ sung vào quy hoạch những cán bộ có triển vọng”, ông Trần Đình Hồng nhấn mạnh.
Theo Kế hoạch số 08-KH/TU, sẽ có 4 bước tiến hành quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025. Bước 1, phát hiện và giới thiệu nguồn. Bước 2, tổ chức lấy ý kiến Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố. Bước 3, tổ chức Hội nghị Ban Thường vụ Thành ủy thảo luận và quyết định quy hoạch. Những người được trên 50% tổng số Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy giới thiệu thì được đưa vào quy hoạch.
Trên cơ sở kết quả quy hoạch, Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục bỏ phiếu quy hoạch các chức danh diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý công tác tại quận, huyện, Đảng ủy trực thuộc và các sở, ban, ngành thành phố; đồng thời bỏ phiếu rà soát, bổ sung quy hoạch Thành ủy nhiệm kỳ 2015-2020 và các chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt nhiệm kỳ 2015-2020. Bước 4, báo cáo kết quả xây dựng quy hoạch cán bộ thành phố và đề xuất quy hoạch Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy và các chức danh do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý về Bộ Chính trị, Ban Bí thư (qua Ban Tổ chức Trung ương).
Triển khai chặt chẽ, nghiêm túc, thận trọng
Để triển khai thực hiện Kế hoạch số 08-KH/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Tổ chức Thành ủy đã ban hành nội dung Hướng dẫn số 01-HD/BTCTU của Ban Tổ chức Thành ủy “Một số vấn đề về quy trình thực hiện công tác quy hoạch cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025 và các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2020-2025”. Hướng dẫn nêu rõ tiêu chuẩn để quy hoạch cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025. Về cơ cấu độ tuổi, dưới 30 tuổi không dưới 15%; từ 30 đến 45 tuổi khoảng 55 đến 65%; trên 45 tuổi khoảng 20 đến 30%. Cơ cấu nữ không dưới 15% so với danh sách quy hoạch.
Tuổi quy hoạch để lần đầu vào cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy và các chức danh lãnh đạo, quản lý phải đủ tuổi công tác hai nhiệm kỳ trở lên, ít nhất phải đủ tuổi công tác một nhiệm kỳ (từ 60 tháng trở lên). Trình độ chuyên môn để quy hoạch lần đầu, bổ nhiệm/giới thiệu ứng cử vào chức danh cao hơn thì nhân sự được quy hoạch phải tốt nghiệp đại học chính quy trở lên.
Về trình độ lý luận chính trị, có bằng hoặc đang học cao cấp lý luận chính trị đối với nhân sự được quy hoạch các chức danh diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý và trung cấp lý luận chính trị đối với quy hoạch các chức danh còn lại. Việc quy hoạch các danh phải bảo đảm tiêu chuẩn chính trị theo quy định hiện hành về bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng.
Theo ông Trần Đình Hồng, để công tác quy hoạch cán bộ sát với thực tiễn và có tính khả thi phải căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ chính trị của từng thời kỳ để xác định tiêu chuẩn, cơ cấu đội ngũ cán bộ trong quy hoạch; phải nắm chắc đội ngũ cán bộ hiện có, dự báo được nhu cầu cán bộ trước mắt và lâu dài.
Trên cơ sở đó mới tiến hành lựa chọn, giới thiệu cán bộ vào diện quy hoạch, đồng thời xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ theo đúng quy hoạch. Công tác quy hoạch phải được cấp ủy triển khai chặt chẽ, nghiêm túc, thận trọng. Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, địa phương có trách nhiệm chỉ đạo sát sao công tác quy hoạch, đồng thời phát hiện, bồi dưỡng và nhận xét, đánh giá, giới thiệu nguồn cán bộ, kể cả người sẽ thay thế mình để cơ quan có thẩm quyền thảo luận và quyết định quy hoạch cán bộ.
VIỆT DŨNG