Chính trị - Xã hội
Hội thảo quốc gia "Huỳnh Thúc Kháng với cách mạng Việt Nam và quê hương Quảng Nam"
Sáng 23-9, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Quảng Nam phối hợp tổ chức hội thảo khoa học “Huỳnh Thúc Kháng với cách mạng Việt Nam và quê hương Quảng Nam”, nhân kỷ niệm 140 năm ngày sinh Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng (1-10).
Đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân; nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Ngọc Hoàng; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội Nguyễn Đức Hải… đại diện lãnh đạo Đảng và Nhà nước tham dự hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cho biết, hội thảo là dịp để chúng ta tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của cụ Huỳnh Thúc Kháng đối với sự nghiệp cách mạng dân tộc Việt Nam.
Cụ Huỳnh Thúc Kháng sinh ra tại làng Thạnh Bình (xã Tiên Cảnh, Tiên Phước), nổi tiếng học giỏi, đỗ đạt sớm nhưng cụ xác định học không để ra làm quan, mà để giúp dân, giúp nước. Kế thừa truyền thống gia đình, dòng họ và quê hương Quảng Nam, trực tiếp chứng kiến nỗi đau “nước mất nhà tan”, cụ Huỳnh sớm quyết chí gắn bó cả cuộc đời với sự nghiệp cứu dân, cứu nước. Cùng những sĩ phu yêu nước đương thời như Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp khởi xướng phong trào Duy tân, tích cực tuyên truyền tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc, cổ xúy công cuộc canh tân đất nước…
Phong trào Duy tân thất bại, cụ Huỳnh bị bắt giam và tù đày tại Côn Đảo suốt 13 năm. Sau khi được trả tự do, cụ tiếp tục hoạt động yêu nước và đến năm 1926, cụ ứng cử vào Viện Dân biểu Trung kỳ, được cử làm Viện trưởng, làm báo Tiếng Dân, tích cực đấu tranh đòi chính quyền thực dân phải ban hành các quyền dân sinh, dân chủ, cải cách thể chế chính trị thuộc địa…
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Huỳnh Thúc Kháng được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời tham gia Chính phủ Liên hiệp kháng chiến nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, với cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ, làm Quyền Chủ tịch nước trong thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm nước Pháp. Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng lúc này, tuy tuổi cao sức yếu, vẫn gánh vác trọng trách đại diện Chính phủ đi kinh lý các tỉnh miền Trung, vận động đồng bào tham gia kháng chiến… Cụ từ trần trên đường đi công tác, ngày 21-4-1947, tại Quảng Ngãi.
Hội thảo làm sáng tỏ các vấn đề về tác động của quê hương, gia đình, dòng họ, thời đại và những phẩm chất cá nhân ảnh hưởng đến con đường, chí hướng cứu nước của cụ; đồng thời, khẳng định những đóng góp và vai trò quan trọng của cụ Huỳnh Thúc Kháng đối với cách mạng Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.
Nhiều tham luận được trình bày tại hội thảo về các điểm nổi bật trong cuộc đời cụ như: “Hoạt động và cống hiến của cụ Huỳnh Thúc Kháng trên cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ”, “Huỳnh Thúc Kháng và phong trào Duy tân đầu thế kỷ XX”…
Báo Quảng Nam