.

Khắc phục hậu quả bão số 4

.

Ngay sau bão số 4 đi qua, ngày 13-9, thành phố gấp rút khắc phục hậu quả thiên tai.

Nhân viên Công ty Công viên cây xanh Đà Nẵng tiến hành khắc phục cây xanh bị ngã đổ tại đường Lê Đức Thọ (quận Sơn Trà). Ảnh: Ngọc Phú
Nhân viên Công ty Công viên cây xanh Đà Nẵng tiến hành khắc phục cây xanh bị ngã đổ tại đường Lê Đức Thọ (quận Sơn Trà). Ảnh: Ngọc Phú

Cây xanh ngã, đổ; hơn 42ha lúa bị hư hại; nhiều nhà dân bị ngập

Mặc dù bão số 4 đổ bộ vào đất liền với cường độ gió nhẹ, nhưng nhiều cây xanh trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã ngã đổ, gãy cành. Ghi nhận tại hiện trường sáng 13-9 cho thấy, tại một số tuyến đường như Bạch Đằng, Trần Phú, Như Nguyệt, Xuân Diệu, dưới chân cầu Thuận Phước, Lê Đức Thọ, Trần Hưng Đạo… cây xanh ngã khá nhiều. Trong đó, phía dưới chân cầu Thuận Phước (địa phận phường Thuận Phước, quận Hải Châu) có gần 10 cây ngã đổ; đường Lê Đức Thọ có hơn 30 cây xanh ngã đổ. Nhiều tuyến đường khác trên địa bàn thành phố gió quật làm cây xanh gãy cành.

Lãnh đạo Công ty Công viên cây xanh cho biết, ước tính ban đầu cũng đã có hơn 520 cây xanh ngã, đổ, nghiêng thân (145 cây ngã đổ và hơn 300 cây nghiêng thân). Công ty huy động toàn bộ lực lượng và phương tiện chuyên dụng để cắt tỉa cành, dựng cây, chằng chống, khắc phục tình trạng ách tắc giao thông tại các tuyến đường chính. Dự kiến, đến hết ngày 15-9 sẽ hoàn tất công tác chống dựng, cắt tỉa cây ngã đổ.

Ảnh hưởng bởi mưa bão, trên toàn huyện Hòa Vang đã có 155 ngôi nhà bị ngập khá nặng. Trong đó có 145 hộ tại các thôn Quan Nam 2, Quan Nam 3, Quan Nam 5, Tân Ninh (xã Hòa Liên) và 10 hộ ở thôn An Ngãi Tây 2 (xã Hòa Sơn). Đường ĐT 601 đoạn qua thôn Quan Nam 3, xã Hòa Liên bị đất ở tuyến đường La Sơn-Túy Loan đang thi công ở phía trên sạt lở, bồi lấp một đoạn dài chừng 200m; tại thôn Trung Sơn, xã Hòa Liên, đường liên thôn bị nước cuốn trôi 5m.

Về sản xuất nông nghiệp, thống kê sơ bộ ban đầu có 42,5ha lúa hè thu chưa kịp thu hoạch bị ngã, đổ và ngập khá nặng (xã Hòa Tiến: 20ha, xã Hòa Liên: 9ha, xã Hòa Châu: 12,5ha, xã Hòa Phước: 1ha). Mưa to cũng làm băng bờ một số ao, hồ nuôi thủy sản nước ngọt tại thôn Trung Sơn, xã Hòa Liên, thiệt hại ước tính 3,5 tấn cá trê lai. Tại thôn Tân Ninh, xã Hòa Ninh, có hơn 300 con gia cầm bị chết do mưa bão; 100m2 nhà lưới của Khu sản xuất rau công nghệ cao ở thôn Giáng Nam 2, một số trụ bê-tông của nhà lưới trồng hoa lan ở vùng hoa Nhơn Thọ (xã Hòa Phước) bị gãy đổ. Thiệt hại về tài sản trên địa bàn huyện Hòa Vang ước tính 910 triệu đồng.

Đến trưa 13-9, dù trời đã nắng gắt nhưng nhiều hộ dân tại tổ 142 Đà Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu vẫn còn bị ngập, nhiều nhà nước còn ngập đến 30cm. Người dân phải dùng máy bơm để hút nước. Khu dân cư bị ngập có khoảng 20 hộ.

Bà Trần Thị Quỳnh - người dân tại khu vực này, cho biết, bắt đầu từ trưa 12-9, nước đã vào nhà, sau đó rút ra lại. Đến 12 giờ đêm, nước ngập lên đến đầu gối. Nhà bà Đặng Thị Hồng cũng ngập nước đến gần 40cm. Bà Hồng cho biết, nhà có nuôi khoảng 200 con gà, nhưng nước ngập, gà chết rất nhiều. Đặc biệt, nhà anh Trần Huỳnh Bá Lộc nước ngập gần 1m. Sau khi trời đổ mưa lớn, gia đình anh đã phải chuyển đi ở nơi khác.

Quan sát cho thấy, khu dân cư này nằm ở vùng thấp trũng; trong khi đó, đường kiệt không có cống thoát nước. Người dân nơi đây mong muốn chính quyền địa phương nhanh chóng xây cống thoát nước và thay các trụ điện kiên cố.

Ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải thành phố Đà Nẵng cho biết, trận mưa lớn chiều và tối 12-9 khiến cho nhiều tuyến đường tại thành phố bị ngập sâu, nhiều khu dân cư bị ngập cục bộ. Trong đó tại phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê đã xảy ra một số điểm ngập trong khu dân cư, có nơi ngập đến 1m. Tuy nhiên, đến đêm thì nước đã thoát. Riêng tổ 124 Đà Sơn, phường Hòa Khánh Nam thì đến ngày 13-9 vẫn còn ngập.

Gần trưa 13-9, kiệt bê-tông tại thôn An Ngãi Tây 2, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang vẫn còn ngập nước.  Ảnh: Nguyễn Cầu
Gần trưa 13-9, kiệt bê-tông tại thôn An Ngãi Tây 2, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang vẫn còn ngập nước. Ảnh: Nguyễn Cầu

Khẩn trương khắc phục hậu quả

Sau bão, Công ty CP Môi trường đô thị, Công ty Công viên cây xanh, Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng nhanh chóng tổ chức lực lượng dọn dẹp rác thải, cây xanh và xử lý tại các điểm ngập úng.

Theo đại diện Công ty CP Môi trường đô thị, đơn vị đã triển khai toàn bộ phương tiện và lực lượng thu gom rác thải. Hiện, rải rác trên khắp các tuyến đường và khu dân cư trong thành phố đã có khoảng 800 công nhân xuống đường tham gia dọn rác cùng hơn 40 đầu xe cuốn ép kịp thời thu gom rác. Đối với rác biển, hiện sóng đang to, gió vẫn mạnh nên công ty tập trung công nhân thu gom rác tại các tuyến phố để kịp thời cho các phương tiện lưu thông, có thể trong ngày tới rác trên các bãi biển mới được dọn hết. Trong khi đó, các nhà hàng ven biển cũng khẩn trương lau dọn, thu gom rác đón khách; các ngư dân sửa lại thuyền thúng, di chuyển các thúng trên bờ xuống bờ biển đợi bớt sóng để đi đánh bắt…

Theo tin từ Tổng Công ty Điện lực Miền Trung (EVNCPC), bão số 4 làm thiệt hại tài sản của ngành điện miền Trung do gió mạnh gây gãy đổ một số cột điện do cây ngã vào đường dây và thiệt hại do sản lượng điện không cung cấp được khoảng 400.000kWh, ước thiệt hại ban đầu khoảng 1 tỷ đồng.

Đặc biệt tại khu vực quận Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà, lúc 20 giờ 21 ngày 12-9 do có gió mạnh đã làm đứt dây chống sét của đường dây 110kV Điện Nam - Điện Ngọc và dây chống sét này đã vướng vào đường dây 110kV Điện Nam – Điện Ngọc và đường dây 110kV từ Trạm 500kV Đà Nẵng - Quận Ba (đường dây 220kV vận hành 110kV tạm của Công ty Truyền tải điện 2) đã gây ra mất điện cục bộ trong thời gian ngắn.

Lãnh đạo EVNCPC cùng với Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng, Công ty Lưới điện cao thế miền Trung và Công ty Truyền tải Điện 2 đã đến hiện trường để tìm phương án xử lý. Đến 7 giờ 14 phút ngày 13-9, các đơn vị đã xử lý xong sự cố, EVNCPC cung cấp điện trở lại ổn định cho khách hàng khu vực bị ảnh hưởng. Hiện EVNCPC đã chỉ đạo các đơn vị tập trung nhân lực và nguồn lực để khắc phục sự cố, cung cấp điện trở lại cho nhân dân trong thời gian sớm nhất, đặc biệt là các trạm bơm khu vực Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi,… để chống ngập úng.

Theo Vietnam Airline, do ảnh hưởng của cơn bão số 4, hãng hàng không quốc gia buộc phải hủy/đổi 7 chuyến bay đi/đến các sân bay ở khu vực miền Trung để đảm bảo an toàn. Trong số này, Vietnam Aliner  đã hủy/đổi 2 chuyến bay mang ký hiệu VN 1911 và VN 1910 từ sân bay Buôn Ma Thuột đi Đà Nẵng. Hãng Vietjet Air cũng buộc phải hủy/đổi giờ 8 chuyến bay đi/đến các sân bay miền Trung. Trong đó phải hủy/đổi chuyến 3 bay mang số hiệu VJ503 chuyến Hà Nội-Đà Nẵng, VJ502 chuyến Đà Nẵng-Hà Nội và VJ727 chuyến Hải Phòng-Đà Nẵng.

 Các hãng cho hay, đến chiều 13-9, đã phục hồi các chuyến bay bị hủy trong ngày 12-9, cũng như bố trí bay trong những ngày sắp đến cho những hành khách đã mua vé nhưng bị ảnh hưởng bão số 4 vừa rồi. Đồng thời cả hai hãng hàng không đều khuyến cáo hành khách có nhu cầu đổi/hoãn chuyến bay phải thông báo sớm, cũng như cập nhật thường xuyên tình hình thời tiết để thuận tiện hơn trong công tác bố trí các chuyến bay tiếp theo.

Nhóm P.V Kinh tế

Nhanh chóng ổn định trường lớp sau bão

Ngày 13-9, các trường học trên địa bàn thành phố nhanh chóng dọn dẹp, vệ sinh trường lớp sau bão. Bà Lữ Thị Kim Hoa, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quận Liên Chiểu cho biết, đơn vị đã chỉ đạo các trường trên địa bàn bắt tay ngay vào việc vệ sinh trường lớp để chuẩn bị đón học sinh; đồng thời báo cáo tình hình thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 4. Tuy nhiên, các trường báo cáo không có thiệt hại về cơ sở vật chất. Qua kiểm tra, việc dọn cành cây ngã đổ, rác trong các sân trường đã được hoàn tất ngay sau khi bão tan.

Bà Nguyễn Thị Thảo, Trưởng phòng GD&ĐT quận Sơn Trà cũng cho hay, hầu hết các trường trên địa bàn không bị ảnh hưởng nhiều sau bão số 4. Tuy vậy, ngoài việc vệ sinh trường lớp, đơn vị đã yêu cầu các trường theo dõi, nắm thông tin, nếu có trường hợp học sinh bị hư hỏng sách vở thì có biện pháp hỗ trợ kịp thời để các em trở lại học tập bình thường.

Theo ông Đặng Hùng, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT, theo báo cáo của các phòng GD&ĐT quận, huyện, chỉ có vài trường học trên địa bàn thành phố bị hư hỏng nhẹ như cây xanh ngã đổ, vỡ kính, bay mái hiên… nên các trường tự khắc phục được. Hôm nay (14-9), học sinh đi học bình thường. Song, sở cũng lưu ý các đơn vị, trường học quan tâm nếu có trường hợp gia đình cán bộ, nhân viên, học sinh bị thiệt hại, ảnh hưởng trong bão thì kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ. Trường hợp vượt quá khả năng giải quyết thì báo cáo về sở để có hướng xử lý.

NGỌC ĐOAN

Hàng hóa, thực phẩm ổn định

Mặc dù thời tiết không thuận lợi, song hoạt động mua bán của người dân trên địa bàn thành phố khá ổn định. Hàng hóa về các chợ tương đối dồi dào, nhiều mặt hàng vẫn giữ nguyên giá. Cụ thể, giá rau xanh như rau muống, mồng tơi 5.000 đồng/bó, thậm chí rau ở một số khu vực do bị mưa dập nát, người nông dân phải nhổ bán với giá rẻ. Các loại cà rốt 15.000-20.000 đồng/kg, thịt bò 180.000-250.000/kg, thịt heo 80.000-110.000/kg, gà công nghiệp 60.000 đồng/kg, gà ta 150.000-170.000 đồng/kg, gạo tẻ thường 10.000-11.000 đồng/kg, dầu ăn 35.000 đồng/lít, đường 18.000-21.000 đồng/kg... Riêng những loại cá sông, tôm đồng rẻ hơn những ngày trước từ 5.000-7.000 đồng/kg như: cá lóc 80.000 đồng/kg, ếch 60.000-65.000 đồng/kg, lươn 80.000-90.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, các quán ăn, cơm bình dân phục vụ sinh viên, công nhân tại một số khu vực trường đại học, khu công nghiệp giữ nguyên giá như ngày thường từ 15.000-20.000 đồng/suất ăn.

Duyên Anh

Hai tàu bị chìm trong bão

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố, có 2 tàu bị chìm và 1 tàu vận tải bị hỏng, mắc cạn do bão số 4. Cụ thể, tàu của ông Lê Văn Sang, công suất 400CV và  tàu ĐNa 20524, công suất 24CV của ông Phạm Tấn Kim bị chìm tại khu vực biển Thành Vinh, phường Thọ Quang.

Ngọc Phú

 

;
.
.
.
.
.