Chính trị - Xã hội

Khi Thủ tướng "sốt ruột" về đội ngũ công chức, viên chức

14:47, 07/09/2016 (GMT+7)

Thủ tướng đã biết những tồn tại, yếu kém trong đội ngũ công chức, viên chức hiện nay và yêu cầu nghiêm túc khắc phục.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tinh giản những công chức viên chức yếu kém, thiếu trách nhiệm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tinh giản những công chức viên chức yếu kém, thiếu trách nhiệm.

Thủ tướng Chính phủ vừa ra Chỉ thị chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc của đội ngũ công chức, viên chức. Chỉ thị này của Thủ tướng được dư luận đánh giá là đã đánh “đúng và trúng” vào những nhược điểm cố hữu lâu nay tồn tại trong hệ thống hành chính công của chúng ta. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tinh giản những công chức viên chức yếu kém, thiếu trách nhiệm.

Đáng chú ý, tại Chỉ thị, Thủ tướng yêu cầu toàn bộ hệ thống hành chính công, trong đó trọng tâm là các công chức, viên chức phải nghiêm túc thực hiện công việc, nhiệm vụ được giao, không để quá hạn, bỏ sót nhiệm vụ được phân công; không đùn đẩy trách nhiệm, không né tránh công việc; Đồng thời, thực hiện nghiêm các quy định về đạo đức, văn hóa giao tiếp của người cán bộ, công chức, viên chức; không sử dụng thời giờ làm việc để làm việc riêng; thực hiện đúng quy định trong văn hóa hội họp; nghiêm cấm việc sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực; không được vào casino đánh bạc dưới mọi hình thức…

Và hình thức xử lý lần này cũng được đánh giá là "mạnh tay và dứt điểm" - Kiên quyết tinh giản công chức viên chức năng lực yếu, thiếu trách nhiệm.

Bộ máy hành chính của chúng ta cồng kềnh, không hiệu quả - đấy là thực tế mà lâu nay nhiều người đã nhắc tới. Nhưng việc khắc phục ra sao thì vẫn chưa có giải pháp hiệu quả và dứt điểm. Bởi thực tế, công cuộc cải cách thủ tục hành chính đã được triển khai rộng khắp từ trung ương tới cơ sở, nhưng việc thực hiện còn nhiều bất cập, chưa có hiệu quả rõ nét, có nguyên nhân từ năng lực cán bộ, lợi ích của cá nhân, lợi ích của một nhóm người mà họ luôn tìm cách trì hoãn, kéo dài, thậm chí là “làm ngơ”.

Xem qua, tình trạng công chức, viên chức năng lực yếu kém, sáng cắp ô đi tối cắp ô về, cuối tháng vẫn lĩnh lương đều, thậm chí “bổng lộc” còn cao hơn lương vì nhờ vào việc hạch sách, sách nhiễu khiến người dân và doanh nghiệp phải “lót tay”, quà cáp mới cho qua. Năng lực yếu kém nhưng kỷ luật lao động thì lỏng lẻo, đi làm không đúng, không đủ thời gian (sáng đến muộn, chiều về sớm), người dân và doanh nghiệp ngoài mất thời gian tìm cán bộ thực thi, gặp rồi lại mất thêm thời gian chờ đợi vì hồ sơ của họ bị “ngâm tôm”.

Mới đây, Tổ công tác của Thủ tướng đã bắt tay vào việc và “điểm danh” những Bộ, ngành chậm triển khai chỉ đạo của Thủ tướng. Qua thông tin của tổ công tác, người dân và dư luận mới hiểu, vì sao hệ thống quản lý hành chính của chúng ta lại hoạt động kém hiệu quả như vậy?

Vì “nhờn” với qui định, pháp luật, nên mới có chuyện nhiều bộ, ngành, địa phương đã có qui định cấm uống rượu bia trong giờ nghỉ trưa, nhưng thực tế thực hiện thì sao? Dạo quanh các quán nhậu ở các thành phố, huyện lị thì sẽ thấy, chỗ nào cũng kẹt cứng người vào buổi trưa. Ngoài những “dân nhậu chuyên nghiệp” thì còn có không ít trong số đó là những cán bộ, công chức, viên chức, tranh thủ giờ nghỉ trưa để “nhậu”.

Hay chuyện không được sử dụng thời giờ hành chính để làm việc riêng. Có quan sát mới thấy, Nhà nước đang bị “đánh cắp” thời gian rất nhiều. Nhiều người tỏ ra ngoan hiền, ngồi ở bàn làm việc, ôm máy tính suốt ngày, nhưng là để… chơi game, buôn bán hàng trên mạng. Đến giờ nghỉ trưa thì tranh thủ đi ship hàng. Hay có nhiều người mở thêm công ty, cửa hàng, làm thêm cho các dự án… ngồi chỗ này để tính thời gian ăn lương nhưng lại làm việc cho nơi khác.

Rồi qui định công chức, viên chức không được chơi cờ bạc, vào casino… nhưng thực tế vẫn có rất nhiều người “nghiền” món này. Họ vẫn chơi lô, đề, đánh bạc, chơi bài ăn tiền sát phạt nhau. Nếu chẳng may bị bắt thì lại chối, bảo rằng chỉ “chơi vui”, chơi để tìm người trả tiền ăn sáng và vô vàn lý do khác.

Thủ tướng đã biết và rất nhiều người đã biết những tồn tại, yếu kém trong đội ngũ công chức, viên chức hiện nay nhưng chẳng lẽ “bó tay”? Bằng Chỉ thị lần này, hy vọng với quyết tâm cao, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường tính cạnh tranh, giám sát, minh bạch đối với đội ngũ công chức, viên chức thì mới mong đưa ra khỏi hệ thống những kẻ yếu năng lực chuyên môn, kém về đạo đức… Làm được như vậy mới tạo được sự công bằng với những người làm việc thực sự. Như hiện nay, vẫn còn tình trạng người làm hưởng như người chơi, kẻ năng lực yếu kém thậm chí có thu nhập cao hơn người làm việc hiệu quả… đã khiến không ít người có tài thực sự bất mãn với cơ chế, chính sách. Họ đã bỏ cơ quan Nhà nước để làm việc cho các tổ chức nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ. Nếu một hệ thống mà dung dưỡng những kẻ yếu kém thì dù có đặt ra mục tiêu, lý tưởng cao đẹp đến đâu cũng không thể hy vọng sẽ thành công.

Bộ Chính trị đã công bố Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17/4/2015 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức. Chính phủ cũng đã ban hành Kế hoạch tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Các Bộ, ngành, địa phương cũng đã tiến hành rà soát, tinh giản biên chế nhưng xem ra công cuộc này cũng rất khó khăn, nhiều lực cản. Bởi phần nhiều những người yếu kém lại nằm trong số “con ông cháu cha”, có mối quan hệ thân tình với lãnh đạo. Và cần nhớ một điều, dân đang nộp thuế để trả lương cho những công chức, viên chức này./.

VOV

.