Chính trị - Xã hội
Lây nhiễm HIV qua đường tình dục chiếm 100%
Theo số liệu mới nhất, tính đến cuối tháng 6, thành phố Đà Nẵng phát hiện 56 trường hợp nhiễm HIV mới, giảm so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lây nhiễm HIV qua đường tình dục vẫn là con đường chủ yếu chiếm 100%.
Tuyên truyền phòng chống ma túy, mại dâm là một trong những hoạt động nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV. TRONG ẢNH: Hội thi Tuyên truyền phòng chống ma túy mại dâm tại Đà Nẵng. |
Làm nghề lái xe đường dài nên anh H. (40 tuổi, ở quận Thanh Khê) thường vắng nhà nhiều ngày. Xa vợ lại thêm có sẵn tiền trong túi, anh đã một vài lần theo bạn đi tìm “cảm giác lạ“ với gái mại dâm và bị nhiễm HIV.
Tuy nhiên, chỉ đến khi anh đi hiến máu để cứu một người bà con trong gia đình bị tai nạn thì mới hay mình bị nhiễm căn bệnh này. “Chỉ vì một lần quan hệ tình dục không an toàn mà tôi bị nhiễm căn bệnh quái ác. Nhưng hối hận cũng đã quá muộn“, anh H. đau đớn nói. Bây giờ, mỗi khi nhìn vợ và 3 đứa con thơ, lòng anh lại quặn đau khi nghĩ đến tương lai nếu không có anh thì gia đình sẽ như thế nào.
Theo thống kê của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Đà Nẵng, tính đến cuối tháng 6 năm 2016, toàn thành phố phát hiện 56 trường hợp nhiễm HIV mới, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số người nhiễm HIV lên gần 2.000 trường hợp (hơn 1/2 là người Đà Nẵng, còn lại là người ngoài tỉnh).
Hiện đã có hơn 800 trường hợp chuyển sang giai đoạn AIDS, 458 trường hợp tử vong do AIDS. Điều đáng nói, hiện nay, lây nhiễm HIV qua đường tình dục vẫn là con đường chủ yếu, chiếm 100%. Tỷ lệ nhiễm HIV mới ở hai nhóm tuổi 15-24 và 25-49, chiếm 85,7%. Bên cạnh nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới - đối tượng nhiễm HIV mới nổi thì nhiễm HIV được phát hiện trong nhóm nguy cơ thấp có xu hướng gia tăng.
Bác sĩ CKII Phạm Thị Đào, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS thành phố cho biết, thời gian qua, công tác can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV được đẩy mạnh và triển khai đồng bộ trên toàn thành phố đã góp phần quan trọng làm kiềm chế lây nhiễm HIV. Chương trình 100% bao cao su đã bao phủ khắp các quận, huyện. Thông qua mạng lưới cộng tác viên, đồng đẳng viên, các cơ sở y tế và hoạt động của các ban ngành, đoàn thể đã cung cấp miễn phí hàng trăm ngàn bao cao su và tiếp thị xã hội bao cao su đến người dân.
Đồng thời, để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi dự phòng lây nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS đã chú trọng đến các hoạt động truyền thông trực tiếp nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng, chống HIV/AIDS qua nhiều hình thức như: nói chuyện chuyên đề, tư vấn sức khỏe, tập huấn kiến thức phòng, chống HIV/AIDS... Bên cạnh đó, hoạt động tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện ở đơn vị ngày càng thu hút sự quan tâm của nhiều người, nhất là các đối tượng có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao.
Theo bác sĩ Đào, với mục tiêu hạn chế tốc độ lây truyền HIV/AIDS, nhất là lây nhiễm qua đường tình dục, khống chế tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư dưới 0,15%, Đà Nẵng đẩy mạnh hoạt động truyền thông dự phòng lây nhiễm HIV, tuyên truyền về lợi ích của tư vấn xét nghiệm sớm HIV; đồng thời vận động người nhiễm HIV tham gia và sử dụng thẻ bảo hiểm y tế trong khám, chữa bệnh. Sự phân biệt đối xử, kỳ thị khiến người nhiễm HIV/AIDS giấu bệnh và nguy cơ lây lan theo đó nhiều hơn. Cần phải giảm kỳ thị và giúp người nhiễm HIV điều trị để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác.
Đà Nẵng đang thực hiện mục tiêu 90-90-90, nghĩa là: 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus và 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus kiểm soát được số lượng virus ở mức thấp. |
KIM NGÂN - CHÂU GIANG