Chính trị - Xã hội

Mô hình điểm cộng đồng tôn giáo bảo vệ môi trường

08:47, 16/09/2016 (GMT+7)

Nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm, xây dựng tinh thần đoàn kết của các chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo đối với nhiệm vụ bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng đại diện 7 tôn giáo: Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố, Giáo phận Công giáo Đà Nẵng, Hội thánh Truyền giáo Cao đài thành phố, Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) tại Đà Nẵng, Hội Truyền giáo Cơ đốc thành phố, Cộng đồng tôn giáo Baha’i thành phố, Giáo hội Phật đường Nam tông Minh sư đạo thành phố đã ký kết Chương trình phối hợp thực hiện bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu (giai đoạn 2016-2020) trên địa bàn thành phố.

Đại diện các tổ chức tôn giáo ký cam kết bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đại diện các tổ chức tôn giáo ký cam kết bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo nội dung cam kết, các bên phối hợp đưa nội dung bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu vào chương trình hoạt động tôn giáo hằng năm; các chức sắc, tín đồ tôn giáo tham gia những hoạt động cụ thể hằng năm về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu tại thành phố Đà Nẵng.

Phát huy những giá trị tốt đẹp của các tôn giáo trong công tác bảo vệ môi trường bằng các hành động thiết thực và cụ thể, phù hợp với từng tôn giáo; phối hợp nâng cao năng lực bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu của các cộng đồng tôn giáo, hỗ trợ các tổ chức tôn giáo xây dựng mô hình điểm tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu và nhân rộng các mô hình này ở cộng đồng phù hợp với đặc điểm, điều kiện cụ thể của mỗi tôn giáo; phối hợp triển khai các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội, phát triển cộng đồng của các tôn giáo, trong đó có nội dung bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với đặc điểm riêng của mỗi tôn giáo; vận động và huy động các nguồn lực của các tổ chức, cá nhân tôn giáo ở trong và ngoài nước tham gia đóng góp cùng Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội, góp phần xã hội hóa các nguồn lực thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nội dung phối hợp tập trung vào việc biên soạn, cung cấp cho cộng đồng tôn giáo và dân cư kiến thức về môi trường, biến đổi khí hậu và thực trạng về ô nhiễm môi trường, tác động của biến đổi khí hậu trên thế giới, trong nước, của địa phương và tại địa bàn dân cư.

Cung cấp cho cộng đồng tôn giáo và dân cư các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; những quy định trong giáo luật, giáo lý của tôn giáo cùng kế hoạch hành động của tổ chức tôn giáo về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hướng dẫn, tập huấn, hỗ trợ cộng đồng tôn giáo và dân cư kỹ năng phòng, chống thiên tai và thực hiện phương châm 4 tại chỗ, những rủi ro bất thường do bão, lụt, lũ quét, hạn hán, sóng thần, nước biển dâng... xảy ra trước khi các cơ quan Nhà nước, các tổ chức can thiệp, giải quyết; cộng đồng tôn giáo và dân cư chia sẻ, giúp đỡ những người nghèo, trường hợp khó khăn, bị rủi ro do thiên tai, dịch bệnh...

Nghiên cứu, xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu tại cơ sở, cộng đồng tôn giáo; hỗ trợ cộng đồng tôn giáo và dân cư thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong quy trình sản xuất, tổ chức cuộc sống: tổ chức cuộc sống và sản xuất hằng ngày thân thiện với môi trường: hạn chế sử dụng bao bì, túi ni-lông; phân loại rác thải tại nguồn; không đốt, rải vàng mã; sử dụng năng lượng tái tạo; trồng và bảo vệ cây xanh nơi ở, nơi công cộng và cơ sở tôn giáo...

Bảo đảm hoạt động kinh doanh, sản xuất của cộng đồng tôn giáo và dân cư không gây ô nhiễm môi trường; sử dụng những nguyên vật liệu, phương tiện sản xuất thân thiện với môi trường. Khuyến khích tổ chức, chức sắc, nhà tu hành, chức việc và tín đồ các tôn giáo áp dụng hỏa táng góp phần xây dựng thành phố môi trường. Phối hợp giám sát các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong sản xuất, kinh doanh và hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội.

Trên cơ sở Chương trình phối hợp, các tôn giáo hướng dẫn, vận động chức sắc, nhà tu hành và tín đồ nắm bắt, cập nhật thường xuyên những kiến thức về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong sinh hoạt tôn giáo. Xây dựng, giữ gìn các cơ sở tôn giáo bảo đảm môi trường xanh, sạch, đẹp.

Xây dựng các mô hình điểm cộng đồng tôn giáo và dân cư bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu với nội dung: Khắc phục những phong tục, tập quán sinh hoạt không bảo đảm vệ sinh, môi trường; tổ chức cuộc sống, sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh thân thiện với môi trường, không gây ra những tác nhân làm gia tăng biến đổi khí hậu (phá rừng, khai thác cát sạn xây dựng bừa bãi; sử dụng chất cấm, chất kích thích và chất bảo vệ thực vật không đúng quy định trong chăn nuôi, sản xuất, chế biến, dịch vụ gây hại cho con người và môi trường...); xây dựng kỹ năng tự ứng phó, giúp nhau giải quyết những rủi ro thiên tai phù hợp với địa bàn dân cư và tôn giáo mình.

Bài và ảnh: PHẠM PHÚ BÌNH

.