Chính trị - Xã hội
Nghiên cứu cơ sở dữ liệu về phông phóng xạ môi trường
Trong những năm gần đây, ứng dụng kỹ thuật hạt nhân, sử dụng nguồn phóng xạ trong các ngành y tế, công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng… tại nước ta tăng lên một cách đáng kể và đem lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội; tuy nhiên, cũng tiềm ẩn nguy cơ về bức xạ ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường do sự cố bức xạ gây ra. Để có cơ sở dữ liệu cho công tác ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân, Trung tâm Hỗ trợ kỹ thuật an toàn bức xạ hạt nhân và ứng phó sự cố (Cục An toàn bức xạ và hạt nhân) tiến hành nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) về phông phóng xạ môi trường trên địa bàn Đà Nẵng từ năm 2014 đến năm 2016.
Đoàn khảo sát lấy mẫu đất để đo đạc hoạt động của các đồng vị phóng xạ. |
Thông điệp tốt về phóng xạ môi trường
Phông phóng xạ môi trường là liều, suất liều hoặc nồng độ hoạt tính liên quan đến các nguồn phóng xạ tự nhiên hoặc nhân tạo mà con người không có khả năng kiểm soát. Dữ liệu phông phóng xạ là cơ sở để đánh giá sự nhiễm bẩn phóng xạ cũng như là cơ sở để làm công tác tẩy xạ khi xảy ra sự cố bức xạ, hạt nhân, đồng thời cũng là dữ liệu cần thiết cho việc đầu tư du lịch, phát triển kinh tế của thành phố.
Đà Nẵng có nhiều tài nguyên rừng, nguyên liệu dùng cho ngành vật liệu xây dựng, nước khoáng… và từng hứng chịu nhiều bom đạn, vũ khí hóa học trong chiến tranh nên việc đánh giá nồng độ phóng xạ trong môi trường là rất cần thiết. Nhóm nghiên cứu do ThS Lại Tiến Thịnh và cử nhân Nguyễn Đức Thành của Trung tâm Hỗ trợ kỹ thuật an toàn bức xạ hạt nhân và ứng phó sự cố đã tập trung nghiên cứu, đo đạc, xây dựng kho CSDL phông phóng xạ cho các khu vực trọng yếu của thành phố như sân bay quốc tế, cảng biển, vịnh Đà Nẵng, khu công nghiệp, trung tâm hành chính…
Do quá trình rơi lắng của bụi phóng xạ theo thời gian nên đơn vị nghiên cứu đã chọn những vùng đất ít bị xáo trộn nhất để lấy mẫu và đo xạ trình đường bộ theo tuyến tại hơn 40.000 điểm. Suất liều bức xạ được đo trên địa bàn thành phố có giá trị trung bình là 0,076 µSv/h. Kết quả phân tích 80 mẫu đất cho thấy hoạt độ riêng của các đồng vị phóng xạ tương đối thấp, giá trị trung bình của đồng vị K-40 là 621,83 Bp/kg, Urani là 56,73 Bp/kg và Thori là 55,52 Bp/kg; Nồng độ Radon trong không khí khoảng từ 6,54 Bp/m3-16,30 Bp/m3, kết quả này nằm trong giới hạn cho phép theo khuyến cáo tại cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA.
ThS Lại Tiến Thịnh đánh giá: “Phông phóng xạ môi trường của các vùng được khảo sát trên địa bàn thành phố là thấp so với giới hạn cho phép và tương đương với một số vùng miền khác của Việt Nam. Các khu vực không có điểm dị thường nào về phóng xạ. Ảnh hưởng của phông phóng xạ tự nhiên đến môi trường sống là bình thường, chưa có gì quan ngại hoặc ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe cộng đồng và môi trường”. Kết quả này là thông điệp tốt về môi trường sống của Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung.
Cần cập nhật dữ liệu phông phóng xạ môi trường hằng năm
Qua kết quả nghiên cứu, khảo sát, đơn vị chủ trì đã sử dụng bản đồ GIS thành phố Đà Nẵng (do Sở Thông tin và Truyền thông cung cấp) để xây dựng bản đồ dữ liệu số về phông phóng xạ môi trường đo được. Sản phẩm bản đồ cơ sở dữ liệu phông phóng xạ môi trường gồm có 2 bản đồ giấy cỡ A0 và bản đồ số trên nền bản đồ địa hình của Google và bản đồ GIS tỷ lệ 1/2.000. Dữ liệu về phông phóng xạ môi trường có thể được cập nhật hằng năm. Việc xây dựng bản đồ kỹ thuật số này góp phần quan trọng trong việc phân tích, đánh giá, kết luận khoa học, lưu giữ và cập nhật dữ liệu về phóng xạ môi trường tại 7 quận/huyện của thành phố, phục vụ công tác phát triển du lịch, kinh tế, đồng thời phục vụ công tác kiểm tra, giám sát môi trường phóng xạ và ứng phó khi có sự cố bức xạ, hạt nhân trên địa bàn.
Sở Khoa học và Công nghệ tiếp nhận cách sử dụng, cập nhật dữ liệu phông phóng xạ môi trường vào bản đồ GIS để lưu giữ lâu dài phục vụ công tác quản lý. Những nghiên cứu bước đầu cho thấy sự khả quan về phóng xạ môi trường. Tuy nhiên, thành phố cần thiết phải có kế hoạch mở rộng hơn nữa phạm vi khảo sát, đo đạc, bổ sung thường xuyên các dữ liệu phông phóng xạ môi trường theo các năm. Những nghiên cứu trên góp phần vào việc xây dựng cơ sở dữ liệu về phông phóng xạ môi trường quốc gia. Đó là một trong những dữ liệu về môi trường để quy hoạch, xây dựng phát triển bền vững kinh tế - xã hội của thành phố trong thời gian đến.
Bài và ảnh: Thanh Thảo